top-banner-2

Chủ nhật, 25/03/2018, 08:39 GMT+7

Để chấm dứt 'điệp khúc buồn' giải cứu nông sản

Viết bởi Mai Ngọc   
Chủ nhật, 25/03/2018, 08:39 GMT+7

Giải cứu nông sản là một điệp khúc buồn của ngành nông nghiệp. Hàng loạt các cuộc giải cứu vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Mặc dù được mùa nhưng người dân vẫn phải bán nông sản của mình với giá thấp, thua lỗ kéo dài.

giai cuu nong san

Nhiều nhóm tình nguyện giải cứu củ cải cho người dân Mê Linh, Hà Nội - Ảnh: Trịnh Giang

Nhìn lại các cuộc giải cứu

Đầu năm 2015, Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu hành tím Sóc Trăng. Sản lượng hành tím lên tới 150.000 tấn, khó có cách tiêu thụ. Giá hành giảm xuống chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg, người dân lao đao sau một vụ mùa bội thu. Thanh niên cả nước đã chung tay “giải cứu” hành tím, phân phối đi cả nước với giá cao giúp nông dân.

Cũng trong năm 2015, sản lượng thanh long tại Bình Thuận tăng cao. Trong khi đó thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua khiến Bình Thuận dư 1.500 tấn thanh long. Giá thanh long xuống thấp kỷ lục, loại 1 mới được 1.000 đồng/kg. Sau đó nhiều địa phương doanh nghiệp trong cả nước đã tập trung... giải cứu.

Tới năm 2016, Trung Quốc ngừng nhập khẩu chuối từ Philippines. Thương lái Trung Quốc tìm mua chuối Việt Nam nên đẩy giá lên cao. Nông dân Đông Nam Bộ đổ xô trồng chuối. Đến đầu năm 2017, sản lượng chuối quá lớn khiến dư nguồn cung. Trung Quốc nhập chuối từ Philippines trở lại khiến giá chuối giảm liên tiếp đến 10 lần tại Tây Ninh, Đồng Nai…

Trong hai năm 2015 và 2017, dưa hấu Quảng Nam, Quảng Ngãi xuống kỷ lục. Sản lượng dư thừa hàng nghìn tấn, không tìm được đầu ra. Nông dân phải cho bò ăn dưa, vứt bỏ ngoài ruộng và tiêu thụ bằng con đường “giải cứu”.

Đầu năm 2017, sản lượng thịt heo trong nước tăng kỷ lục. Trung Quốc ngừng nhập heo tiểu ngạch, giá heo hơi giảm kỷ lục, có nơi chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Bộ NN-PTNT kêu gọi toàn xã hội chung tay giải cứu thịt heo giúp bà con nông dân, tránh ảnh hưởng nền chăn nuôi trong nước.

Câu chuyện về việc giải cứu hành tím, dưa hấu, thanh long, chuối… vẫn chưa hết. Gần đây lại có thêm việc giá củ cải, su hào xuống thấp, khiến nhiều hộ dân điêu đứng, thậm chí nhổ bỏ sản phẩm do chính mình tạo ra. Nghịch lý là trong khi người nông dân phải nhổ bỏ hoặc bán rau củ với mức giá thấp thì người tiêu dùng vẫn phải mua nông sản với giá cao.

Theo các chuyên gia, đây là hậu quả của việc tư duy sản xuất chậm đổi mới so với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tín hiệu thị trường là mệnh lệnh sản xuất

Một thực tế cho thấy rằng, người nông dân đang hoàn toàn thụ động trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản. Năm trước giá cao thì năm sau ồ ạt trồng. Tới lúc thu hoạch, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc gặp khó khiến người nông dân thiệt hại nặng nề, nông nghiệp lại rơi vào cảnh khốn đốn, lại nhờ đến sự “giải cứu” của cộng đồng.

Xét cho cùng, việc cộng đồng tình nguyện vào cuộc "giải cứu nông sản" chỉ là một giải pháp tạm thời. Không thể mỗi khi nông sản mất giá thì lại lao vào... giải cứu được. Điều cần làm là phải tìm ra lộ trình bền vững, bài bản, khoa học và mang tính tầm nhìn cho nông nghiệp.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của những cuộc giải cứu chính là sự thiếu tính quy hoạch trong sản xuất, người dân mạnh ai nấy trồng theo phong trào nên cung vượt cầu, dẫn đến bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, tính liên kết của người dân, doanh nghiệp rất yếu để có thể đưa nông sản vào các cửa hàng, siêu thị.

Ông nhận định Việt Nam yếu hẳn về kế hoạch, công nghệ dự trữ, chế biến sâu cho nông sản. Những loại hoa quả, rau củ này hoàn toàn có thể chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị cao. Như “ở Đức có kho lúa, kho bắp cải… hàng nghìn tấn được chính phủ xây dựng để người nông dân có thể gửi vào đó để bảo quản miễn phí. Trong khi đó, tại Việt Nam lúa thu hoạch lên để bên vệ ruộng, cá vớt lên mấy tiếng là ươn”, ông Phú nói.

Do đó, ông Phú cho rằng câu chuyện kêu gọi người dân, doanh nghiệp mua ủng hộ người dân ở mỗi cuộc “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế.

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng: “Tín hiệu của thị trường phải là mệnh lệnh của sản xuất thì mới giảm dần được sự lệch pha về cung cầu nông sản. Tổ chức quy hoạch tốt và thực thi quy hoạch sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị một cách nghiêm túc thì mới dần hết câu chuyện thừa ế, mất giá”.

Tuy nhiên, yêu cầu sản xuất phải kết nối với thị trường là vấn đề khó đối với nông dân. Sản xuất cái gì, bán cho thị trường nào, bán khi nào, yêu cầu và quy định thế nào đối với sản phẩm… là những điều mà những người nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đi lên từ sản xuất nhỏ không thể trả lời được.

Ông Toản cũng cho biết thêm, thời gian tới Cục sẽ chủ động đề xuất, triển khai nhiệm vụ cụ thể. Trước mắt, cục sẽ xây dựng, biên tập bản tin nhanh thị trường nông sản hằng tuần, gửi trực tiếp các Sở NN-PTNT và hiệp hội ngành hàng, trong đó có cập nhật dữ liệu nước ngoài, dự báo và khuyến nghị về tình hình thị trường cho bà con; cùng sự kết nối thông tin các hiệp hội, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ.

Trên thực tế bấy lâu nay, người nông dân đang đi ngược lại với sự phát triển của kinh tế thị trường. Nghĩa là sản xuất xong đã rồi mới tính chuyện đầu ra đi đâu về đâu. Nếu không thay đổi tư duy này trong sản xuất nông nghiệp thì cảnh “được mùa mất giá” có lẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo Lê Oanh/Motthegioi.vn - 24/3/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/de-cham-dut-diep-khuc-buon-giai-cuu-nong-san-84468.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để chấm dứt 'điệp khúc buồn' giải cứu nông sản

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc