Một doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng vì thủ tục |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ bảy, 06/01/2018, 08:17 GMT+7 |
Một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ mỗi năm phải chi phí hàng chục tỷ đồng (có tháng tới 2,5 tỷ) tiền lưu kho bãi vì yêu cầu kiểm dịch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố hàng loạt con số "giật mình", trong đó có trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ mỗi năm phải chi phí hàng chục tỷ đồng (có tháng tới 2,5 tỷ) tiền lưu kho bãi vì yêu cầu kiểm dịch. (Ảnh minh họa: KT) Đây là một vấn đề nổi cộm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) nhấn mạnh trong báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ KHĐT cho chay, trong năm 2016, chi phí kiểm tra chuyên ngành của một doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 300 triệu/tháng thì nay đã tăng gần 700 triệu đồng/tháng do áp dụng theo mức phí mới này. Theo Bộ KHĐT, để nhập khẩu một lô hàng điện lạnh, doanh nghiệp phải thực hiện các loại kiểm tra sau: Kiểm tra tương thích điện từ (EMC): 16-20 triệu/mẫu sản phẩm (không kiểm tra phá huỷ). Chi phí không chính thức là 4 triệu/tờ kết quả. Kiểm tra hiệu suất năng lượng: 16 triệu/mẫu sản phẩm. Kiểm tra hợp quy và dán tem CR: 6 triệu/mẫu sản phẩm và giá trị mẫu sản phẩm bị mất (kiểm tra phá huỷ đối với sản phẩm nhập lần đầu). Chi phí không chính thức 2 -3 triệu/tờ kết quả. Khi phải kiểm tra phá huỷ, có sản phẩm (như tủ lạnh) trị giá nhiều chục triệu đồng. Trong khi đó, nhiều sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao hơn hẳn công nghệ và máy móc kiểm định ở Việt Nam. Với thủ tục xin mã công bố của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) để được dán nhãn năng lượng thực hiện theo lô, chi phí chính thức: 500.000 đồng/hồ sơ, còn chi phí không chính thức: 2 triệu đồng/hồ sơ. Như vậy, tổng cộng các chi phí để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh khoảng 70 triệu đồng (không bao gồm giá trị mẫu bị phá huỷ). Doanh nghiệp tính toán nếu một lô hàng nhập khẩu chỉ gồm vài chiếc thì doanh nghiệp không có lãi, thậm chí lỗ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa hàng loạt ví dụ khác. Lô hàng gồm 6 máy xay thịt, để thực hiện thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, doanh nghiệp phải thử nghiệm sản phẩm tại đơn vị được Bộ Y tế chỉ định với mức phí 22.900.000 đồng. Tổng phí kiểm tra chuyên ngành đối với 1 lô hàng 28.500 tấn khô dầu đậu tương, nhập khẩu qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh) của 29 doanh nghiệp lên tới khoảng 157 triệu đồng, trong đó, phí kiểm tra chất lượng khoảng 123 triệu đồng, phí kiểm dịch thực vật khoảng 34 triệu đồng. Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Tổng cục Thuỷ sản khoảng 40 – 50 triệu đồng cho lô hàng 60 – 70 tấn. Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Cục Chăn nuôi là 500.000 – 700.000 đồng/sản phẩm. Một lô hàng nhập khẩu thường gồm nhiều sản phẩm nên chi phí lên tới hàng chục triệu đồng/ lô hàng. Mặt khác, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một lô hàng rời, hàng lỏng, đồng nhất, cùng xuất xứ, cùng người bán, chở trên cùng một chuyến tàu, của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng từng người nhập khẩu phải làm đầy đủ các bước thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan kiểm dịch yêu cầu nhất thiết phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu hoặc có giấy này nhưng cơ quan kiểm dịch nghi ngờ, tiến hành xác minh xong mới được đăng ký kiểm dịch gây khó khăn, tăng thời gian, chi phí, nhiều trường hợp gây thiệt hại cho doanh nghiệp do hàng hoá bị hư hỏng. Một doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng gỗ cho biết mỗi năm doanh nghiệp phải chi phí hàng chục tỷ đồng (có tháng tới 2,5 tỷ) tiền lưu kho bãi vì việc yêu cầu này. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng. Theo PV - vov.vn - 06/01/2018 Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/mot-doanh-nghiep-mat-hang-chuc-ty-dong-vi-thu-tuc-715636.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|