top-banner-2

Thứ tư, 29/11/2017, 08:24 GMT+7

Sập bẫy 'sở hữu kỳ nghỉ' Alma

Viết bởi Nam Anh   
Thứ tư, 29/11/2017, 08:24 GMT+7

Nhiều người đã trở thành con nợ của ngân hàng để có tiền thanh toán cho sản phẩm "sở hữu kỳ nghỉ" của Alma, với lãi suất lên đến 13,8%/năm.

Thời gian qua, hàng chục người đã khiếu nại Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (còn gọi là Alma) với các văn phòng giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng tại TP HCM. Công ty này là chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Alma với tổng diện tích gần 300.000 m2 tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Như bị thôi miên!

Chưa hết, hơn 20 người khác bị Công ty Alma chiếm giữ nhiều tỉ đồng mà không biết phải làm sao đòi lại tiền đã lỡ đặt cọc để mua hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" tại khu nghỉ dưỡng Alma do công ty cung cấp. Theo đó, mỗi người đã đặt cọc 30% tổng số tiền trong hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" 362,64 triệu đồng là 109,296 triệu đồng. Cũng có người đã đóng đến 80% trị giá hợp đồng.

Những người này cho biết nhân viên Alma khi tư vấn nói huyên thuyên bất tận toàn lời hay ý đẹp, cái gì cũng có lợi cho khách hàng. Nhiều người đã ký hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" nhưng không hề được Alma cho xem trước hợp đồng.

Khi tiếp xúc phóng viên, những người lỡ "dính" vào Alma đều kêu trời. Bà Trương Thị Kim Thoa (ở quận 2, TP HCM) cho biết dù đang làm việc tại một công ty bảo hiểm lớn nhưng bà vẫn bị nhân viên Alma thuyết phục dễ dàng. "Khi tiếp xúc bên Alma, tôi như bị thôi miên vậy. Họ nói cái gì cũng hay nên tôi cứ răm rắp làm theo, đưa ngay thẻ cho họ "cà" hết 125 triệu đồng. Người bạn đi cùng không mang theo tiền cũng hồ hởi yêu cầu tôi cho mượn thẻ còn 12 triệu đồng để "cà" tiếp cho Alma. Khi về đọc lại hợp đồng, tôi mới tá hỏa vì toàn điều khoản bất lợi cho khách hàng. Giữa tháng 11 vừa qua, tôi cùng bạn bè tức tốc ra Khánh Hòa để xem dự án của Alma thế nào thì chỉ thấy bãi cát mênh mông, trong đó chỉ có 2 cái khung trống trơn" - bà kể.

alma-vanhoadoanhnhan

Nhiều người đến văn phòng Alma tại TP HCM để đòi tiền mua sản phẩm "sở hữu kỳ nghỉ"

Ông Đặng Thanh Sơn (quận 9, TP HCM) đã đặt cọc cho Alma hết 109 triệu đồng. Khi biết mình dính bẫy, ông đã yêu cầu Alma ngưng hợp đồng thì họ bảo: "Đâu phải muốn ngưng là ngưng! Sau này có kiện cáo ra pháp luật thì cũng phải đóng tiếp".

Theo ông Sơn, các điều khoản trong hợp đồng rất khác so với những gì nhân viên Alma tư vấn. "Họ nói phí duy trì hằng năm 5-6 triệu đồng nhưng hợp đồng ghi là 7,5 triệu đồng. Số tiền còn lại của khoản thanh toán phải trả trước ngày khu nghỉ dưỡng Alma khai trương chính thức có thể tăng theo quyết định của công ty. Lúc tư vấn, họ nói dự án sẽ khai trương tháng 11-2018 nhưng trong hợp đồng lại không thấy thông tin này. Thời hạn nghỉ dưỡng cũng bị rút từ 40 năm xuống còn 38 năm tính từ năm 2017. Hợp đồng cũng không ghi tiêu chuẩn căn hộ nghỉ dưỡng bao nhiêu sao…" - ông bức xúc.

Nợ nần chồng chất

Ông Từ Tư Đồng (quận Tân Bình, TP HCM) đã đặt cọc 111,32 triệu đồng cho Alma. Khi xem lại hợp đồng, ông phát hiện trách nhiệm của công ty không rõ ràng, còn khách hàng lại gặp nhiều bất lợi, như: bị ràng buộc bởi điều khoản về bảo mật "không được cung cấp bất cứ thông cáo báo chí nào hoặc tuyên bố trước công luận hoặc giao tiếp với bất cứ phương tiện thông tin đại chúng hoặc bên thứ ba nào liên quan đến hợp đồng"; cũng như loại trừ nghĩa vụ hoàn trả tiền cọc và bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Khi ông Đồng yêu cầu Alma trả lại tiền cọc, công ty có thư trả lời rằng hợp đồng không có bất kỳ điều khoản nào vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam hoặc trái với đạo đức xã hội. Do đó, không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào để công ty phải hủy hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" và trả lại số tiền đặt cọc!

Sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ Alma - Ảnh 2.

Dự án khu nghỉ dưỡng Alma tại Khánh Hòa khó có khả năng hoàn thành trong năm 2018 (Ảnh do những người bị hại cung cấp)

Tiền cọc không đòi được, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tiến thoái lưỡng nan, phải chấp nhận vay ngân hàng để mua tiếp sản phẩm "sở hữu kỳ nghỉ" của Alma, nếu không sẽ mất trắng. Chẳng hạn, bà Đinh Thị Tâm (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM) phải vay chi nhánh ngân hàng liên kết với Alma 184,31 triệu đồng với lãi suất 13,8%/năm. Số tiền này, ngân hàng chuyển thẳng cho Alma.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn (quận Bình Thạnh, TP HCM) nhớ lại: "Mấy tháng trước, tôi đặt cọc 110 triệu đồng để mua kỳ nghỉ của Alma. Một tháng sau, họ cùng với phía ngân hàng cho vay đến nhà yêu cầu tôi làm thủ tục tại chỗ vay ngân hàng 170 triệu đồng để thanh toán tiếp hợp đồng. Mỗi tháng, tôi phải trả cho ngân hàng gần 8 triệu đồng".

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng phải vay người thân hơn 153 triệu đồng nộp cho Alma, nay không biết tìm đâu ra tiền để trả nợ...

Có thể xử lý hình sự

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết ông và nhiều người sập bẫy Alma đã "vác" đơn đến Công an quận 1 (Alma đặt văn phòng đại diện tại quận này) để thưa kiện nhưng nơi đây không tiếp nhận, bảo Alma đăng ký kinh doanh ở đâu thì đến đó nộp đơn.

Thế là họ lại khăn gói ra tận Khánh Hòa để gửi đơn đến tòa án. Tuy nhiên, tòa đưa ra 2 điều kiện, nếu đáp ứng được thì mới nhận đơn. Cụ thể, các nguyên đơn phải thỏa thuận với Alma nơi xử, đồng thời phải chứng minh là đã thông báo cho công ty về vụ việc khởi kiện này. Các nạn nhân cho biết 2 điều kiện này họ không thỏa hiệp được nên đành quay về.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, chuyên viên Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng phía Nam, Alma đã trả lời là không giải quyết các khiếu nại của khách hàng vì hợp đồng đã ký. Trong đó, các điều khoản ghi rõ ràng rằng nếu khách hàng không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì coi như mất tiền đặt cọc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại luật gia Việt Nam, cho biết nhiều người đã nhờ ông đọc hợp đồng của Alma. Luật sư Hậu cho rằng đây là một dạng bán hàng đa cấp bất chính, theo Bộ Luật Hình sự mới thì có thể đưa vụ việc này ra xử lý vì công ty đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của người dân.

"Cần xem lại giấy phép xây dựng của dự án này, công ty có được huy động vốn hay không. Trong hợp đồng, phía Alma đưa vào nhiều điều khoản theo dạng lừa đảo, phi dân sự, có ý ép buộc, đưa ý chí của họ vào là không đúng, gây bất lợi cho khách hàng (ở đây khách hàng là người yếu thế). Hợp đồng này không theo mẫu của nhà nước nên không hợp lệ. Một hợp đồng hợp lệ là phải giải thích theo hướng có lợi cho khách hàng. Đây là hợp đồng thương mại, dịch vụ nên không thể đưa điều khoản "không được phép tiết lộ hợp đồng cho bên thứ ba", không phải là bí mật nên hợp đồng này vô hiệu" - ông Hậu phân tích.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc huy động vốn gây bất lợi cho nhiều người tham gia dự án của Alma là điều quá rõ ràng. Thanh tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc, sớm làm sáng tỏ vụ việc để ngăn chặn những người thiếu hiểu biết mắc lừa dự án kiểu bán hàng đa cấp này.

Ký cùng lúc 2 hợp đồng

Ông Dương Đình Son (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết tháng 8 vừa qua, vợ chồng ông "dính" cùng lúc 2 hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" của Alma với số tiền đặt cọc hơn 236 triệu đồng. "Khi họ mời vợ chồng tôi lên văn phòng, trong túi tôi chỉ có ít tiền. Hợp đồng đầu, họ đồng ý cho đặt cọc trước 2 triệu đồng. Lúc đó, tôi còn 500.000 đồng nhưng họ cũng đồng ý cho đặt cọc hợp đồng thứ 2. Ngay trong đêm, họ theo về tận nhà tôi để lấy đủ số tiền đặt cọc 30%" - ông Son kể lại.

Cũng ngay trong đêm đó, ông Son đọc lại hợp đồng, thấy quá bất lợi nên gọi điện thoại đến người tư vấn đề nghị hủy hợp đồng, đòi lại tiền cọc và tặng họ 10 triệu đồng nhưng không được chấp thuận. Ông Son sau đó lên văn phòng của Alma để "đàm phán" tiếp, chấp nhận chỉ nhận lại số tiền 200 triệu đồng nhưng không được.

Theo Nguyễn Hải - nld.com.vn - 29/11/2017

Link nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/sap-bay-so-huu-ky-nghi-alma-20171128215406569.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Sập bẫy 'sở hữu kỳ nghỉ' Alma

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc