TP.HCM: Lại sốt đất, môi giới đủ trò... 'làm xiếc' |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ hai, 13/11/2017, 16:21 GMT+7 |
Sau một thời gian giảm nhiệt, cơn sốt đất đang có dấu hiệu quay trở lại tại các khu vực quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn (TP.HCM)… Các chuyên gia cho rằng, nguồn cung đất khan hiếm đang là cơ hội để giới đầu cơ tiếp tục thổi giá. Rao một đằng thực tế một nẻo Để kiểm chứng thông tin này, PV tìm đến phường An Phú Đông (quận 12), tâm điểm của cơn sốt đất trước đây. Dọc đường Vườn Lài, đoạn từ Quốc lộ 1A đến gần bến phà An Phú Đông đang được nhiều người san lấp mặt bằng. Thi thoảng, cách vài trăm mét, PV lại thấy điểm tư vấn viên đặt bàn chào mời và tư vấn cho khách mua đất. Tấp vào một điểm gần cầu Rạch Gia, PV được người tên Thái đang đứng ở đây cho biết: “Lô đất này có tất cả là 6 nền, khách đã mua hết 4 còn lại 2 nền, giáp mặt tiền đường Vườn Lài. Nếu anh lấy giá chỉ 29,6 triệu đồng/m², giảm gần 1 triệu đồng so với cách đây mấy tháng. Anh muốn mua thì đặt cọc luôn để em giữ chỗ, chứ sáng giờ cũng có mấy người ưng lô này rồi”. Quan sát, PV cũng thấy một lô đất được san lấp sơ sài, hiện cỏ dại mọc um tùm, phía trước là một con đường trải nhựa. “Thực ra lô đất này do một chủ đầu tư mua lại của người dân, sau đó làm đường, chuyển mục đích sử dụng và phân lô bán nền để kiếm lời. Cũng chưa rõ là họ đã xin tách được từng nền hay vẫn còn sổ chung”, một người dân gần đó tiết lộ. Thực tế, khi PV hỏi mua, Thái cũng cam kết sẽ có sổ riêng và xây dựng tự do. Tuy nhiên, thời hạn cụ thể có sổ thì chưa rõ. Tương tự, xung quanh khu vực này đang có hàng loạt dự án được phân lô, bán nền. Thậm chí, một con kênh nhỏ cũng bị lấp để đặt cống và lấy mặt bằng làm đường. Đi vào phía trong, PV quan sát có nhiều lô đất lớn đã được xẻ thành những ô vuông với các con đường nhựa nội bộ. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khác cũng đã tìm mua đất, xây dựng các nhà phố liền kề bán với giá trên 1 tỷ đồng đến vài ba tỷ đồng/căn. Tương tự, tại các khu vực như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9… tình trạng sốt đất cũng đang diễn ra. Ví như đường Nguyễn Xiển, một trong những điểm nóng về đất nền ở quận 9 cũng tăng cao. Nếu như trước đây chỉ có khoảng 20 – 30 triệu đồng/m² thì nay đang có giá tới 50 – 60 triệu đồng/m². Một điểm đang được nhiều người quan tâm khác chính là khu vực huyện Hóc Môn, giáp tỉnh Long An. Trong vai người đang cần lô đất giá rẻ để xây nhà ở, PV tiếp cận người tên Bằng. Khi PV hỏi về thửa đất diện tích 100m² (5x20) đang rao bán với giá 200 triệu đồng trên đường Nguyễn Văn Bứa, Bằng trả lời ngay: “Lô đó đã có người mua rồi, giờ chỉ còn lô cách đó không xa, giá là 400 triệu đồng”. Dù hạ tầng sơ sài nhưng việc phân lô bán nền vẫn diễn ra tấp nập. PV đồng ý đi xem đất nhưng không phải mặt tiền đường Nguyễn Văn Bứa như giới thiệu. Thay vào đó là trong một khu đất mới làm đường sơ sài, xung quanh chưa có nhà ở. Dù vậy, Bằng vẫn cam kết: “Nếu anh mua, bên em sẽ tách sổ và bao luôn giấy phép xây dựng. Hơn nữa, đất khu vực này chắc chắn còn tăng giá mạnh, do trong nội thành đã không còn đất, người dân phải ra đây mua đất xây nhà ngày càng nhiều”. Cơn sốt đất nền không chỉ diễn ra ở các quận, huyện vùng ven mà còn lan ra đến tận huyện Củ Chi, Cần Giờ. Khi có thông tin TP sẽ xây dựng cầu nối Cần Giờ, thay cho phà thì ngay lập tức, đất ở khu vực này cũng tăng nhanh chóng. Không mạnh tay sẽ phải... trả giá Trong khi đó, thị trường căn hộ có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư đổ xô vào đất nền. Ông Nguyễn Văn Hiên, ngụ quận Phú Nhuận chia sẻ: “Trước đây, tôi hay đầu tư vài ba căn hộ trong một số dự án, sau đó, bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, tôi chuyển sang đất nền. Tuy nhiên, cũng không dễ kiếm ăn như nhiều người tưởng, cũng phải chấp nhận nhiều rủi ro”. “Thú thực, hiện tôi cũng đang còn kẹt 6 lô đất nền tại huyện Hóc Môn, thời điểm mua giá rất cao, thuộc đỉnh điểm của cơn sốt, đến thời điểm này giá có chút giảm, dẫn tới chưa thể bán được. Do đó, ngoài tiền lãi ngân hàng, nếu bán trong thời điểm hiện tại sẽ phải chấp nhận lỗ”, ông Hiên cho biết. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chuyên làm căn hộ cũng đang phải đối mặt với khó khăn trong việc tìm quỹ đất. Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã phải ra các quận, huyện ngoại thành để tìm quỹ đất, còn khu vực sát nội đô gần như đã không còn. Chính vì vậy, giá đất cũng tăng lên”. Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM sẽ phải trả giá cho việc phân lô, bán nền và xây dựng tràn lan. Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích: “Nguyên nhân sốt giá đất tại các khu vực như quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… thì có nhiều nhưng cơ bản là do quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Do đó, nhiều nhà đầu tư, nhất là các đơn vị phát triển căn hộ giá rẻ, trung bình đang tìm nguồn đất này phải vươn cánh tay đến các khu vực này. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn chính là từ thông tin quy hoạch về các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng… và bị giới giới đầu cơ thao túng”. Ông Châu cho hay: “Chỉ cần xuất hiện thông tin dự án, dù chưa biết có triển khai hay không, bao giờ triển khai… giới đầu cơ bắt đầu ôm đất và thổi thông tin, đặc biệt là giá. Hậu quả cuối cùng là người mua chịu thiệt thòi. Tình trạng phân lô bán nền kiểu này cũng làm phá nát quy hoạch”. Nhìn nhận thực trạng trên, Tổng Giám đốc một công ty bất động sản trên địa bàn TP.HCM cũng cho rằng: “Thậm chí, nhiều thông tin dự án chưa công bố nhưng một số cò đã biết được, đồng thời lặng lẽ gom đất. Đến khi có dự án, đất xung quanh khu vực hầu hết đã có chủ mới, khi người dân muốn mua thì phải chấp nhận giá cao hơn rất nhiều. Tình trạng thiếu minh bạch trong quy hoạch cũng là chuyện cần phải bàn”. Tình trạng gom đất, phân lô bán nền và trục lợi kiểu này khiến TP sẽ phải trả giá đắt. “Các khu ổ chuột trong nội thành mà cho đến bây giờ TP vẫn đang đau đầu giải quyết sẽ lặp lại ở các khu dân cư mới kiểu nhà lỏm chỏm, cái cao, cái thấp ở các quận huyện vùng ven. Bởi, khi dân cư đông đúc, hạ tầng yếu kém, không có quy hoạch đồng bộ… sẽ là những hình ảnh của ngập nước, kẹt xe, mất mỹ quan đô thị… trong 20 – 30 năm nữa”, TS. Nguyễn Văn Hiếu, trường đại học Tôn Đức Thắng phân tích. TS Hiếu khuyến nghị: “TP phải vào cuộc can thiệp để sau này không phải trả giá cho sự quản lý yếu kém của ngày hôm nay. Thực tế, khi chỉnh trang đô thị, nếu vấp phải các khu dân cư kiểu này sẽ rất khó làm, nhất là để đồng bộ cơ sở hạ tang và kết nối với các khu vực khác”. Đã có kế sách trị cơn sốt ảo Trước tình trạng sốt đất, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: “Sở dĩ có tình trạng này chính là do thiếu công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất. Do đó, lãnh đạo TP cũng đã chỉ đạo cho các sở ngành, địa phương phải gấp rút thực hiện việc này, thậm chí là công bố tới các huyện, xã, phường. Dự kiến, cuối năm nay, người dân sử dụng điện thoại thông minh có thể truy cập và tìm hiểu các thông tin liên quan đế quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi trên địa bàn TP. Đây chính là cách giảm thiểu rủi ro cho người dân và tránh để giới đầu cơ trục lợi". Theo Dương Thanh Tùng - nguoiduatin.vn - 13/11/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|