Thị trường dầu nhớt bước vào đường đua mới |
Viết bởi Tuệ Minh |
Chủ nhật, 29/11/2015, 08:27 GMT+7 |
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 8% mỗi năm, thị trường dầu nhớt đang hút các thương hiệu ngoại, đặc biệt là khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do.
Exxon Mobil trở lại Sau 5 năm rút khỏi thị trường, giữa tháng 11/2015, thương hiệu dầu nhớt đến từ Mỹ Exxon Mobil đã quay trở lại bằng việc ra mắt nhà phân phối chiến lược tại Việt Nam. Có ba doanh nghiệp được Exxon Mobil chỉ định phân phối là Công ty TNHH TAT Petroleum Việt Nam (khai thác thị trường miền Nam cho tới Bắc miền Trung), Công ty CP Dầu khí Quốc tế PAN (phụ trách thị trường miền Bắc) và Công ty TNHH & DV Xích Đạo (phân phối các loại dầu nhớt cho ngành hàng hải). Trong lần trở lại này, Exxon Mobil đưa về Việt Nam từ dầu nhớt cho xe máy, xe tải cho đến dầu nhớt dành cho công nghiệp. Các loại dầu này được nhập khẩu từ các nhà máy của Exxon Mobil tại Hàn Quốc và Singapore. Ông Yasser Al-Azzawi - Tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh và kênh phân phối khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Exxon Mobil, cho biết: "Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng dầu nhớt tại Việt Nam đang tăng nhanh và trong số đó có những khách hàng vẫn yêu cầu sử dụng sản phẩm của Mobil nên chúng tôi quyết định quay trở lại". Chia sẻ của Exxon Mobil cũng có cơ sở khi thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, sản lượng bán ra của các hãng ô tô đã tăng 43% từ năm 2013 đến năm 2014. Từ đầu năm đến nay, tốc độ tiêu thụ mặt hàng này đã tăng lên 53% so với năm 2014. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam cũng nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất toàn cầu. Còn ở lĩnh vực xe máy, Việt Nam đang được xếp thứ tư trên thế giới về lượng tiêu thụ với mức bình quân 3 triệu chiếc mỗi năm. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa báo hiệu sự phát triển đầy tiềm năng của nhóm xe tải nhẹ, xe buýt, và thậm chí đầu máy kéo toa xe vận chuyển người và hàng hóa từ nông thôn lên thành thị. Ngoài tiềm năng thị trường như nhận định của đại diện Exxon Mobil, một lý do khác không kém phần quan trọng là thương hiệu này đang "đón đầu" lợi thế khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN. Hiện Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dành cho các nước trong khu vực, trong đó, dầu nhớt và các nguyên liệu sản xuất dầu nhớt (dầu gốc và phụ gia) sẽ về mức 0% kể từ năm 2016. Và khi hàng rào thuế quan không còn là rào cản thì dầu nhớt nhập khẩu có khả năng sẽ rẻ hơn so với sản xuất trong nước. Vào đường đua mới Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành dầu nhớt trong giai đoạn 2010 - 2015 vào khoảng 4,5%/năm, trong đó, 55% sản lượng tiêu thụ ở phía Nam, 30% ở phía Bắc và 15% ở khu vực miền Trung. Sự trở lại của Exxon Mobil chắc chắn sẽ khiến cho thị trường thêm sôi động bởi trước đó đã có hai thương hiệu mới là Nippon Oil và Idemitsu đến từ Nhật Bản. Trong đó, nhà máy JX Nippon của JX Nippon Oil &Energy tại Hải Phòng có công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy của Idemitsu có công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm. Đến Việt Nam với danh nghĩa là công ty vệ tinh của các hãng xe máy như Honda, Yamaha..., nhưng cả JX Nippon Oil &Energy và Idemitsu đều không giấu tham vọng xây dựng thương hiệu dầu nhớt tại đây. Trong khi đó, các "ông lớn" trong ngành là Castrol, Shell, Chevron có nhà máy sản xuất tại Việt Nam cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư. Trong đó, nhà máy của Castrol có công suất 25.000 tấn sản phẩm/năm, cung cấp khoảng 300 chủng loại sản phẩm, nhà máy của Shell được xây dựng từ năm 2001 có công suất 20.000 tấn/năm. Theo Tổng giám đốc Shell Việt Nam Lê Duy Thanh, Shell đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi ngành kinh doanh dầu nhớt trong năm 2015. Shell cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư để tăng thị phần từ 8-10% hiện nay tại Việt Nam lên 13% như ở các nước. Bởi theo đánh giá của Shell, thị trường dầu nhớt Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 7 - 8%, cao hơn mức tăng trung bình 4-6% của thị trường châu Á. Ngoài những sản phẩm được sản xuất trong nước, lượng dầu nhớt nhập khẩu cũng khá lớn. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2014, giá trị nhập khẩu các sản phẩm dầu khí (không kể xăng, dầu, gas) khoảng 1 tỷ USD gồm dầu nhớt, phụ gia, dầu gốc và nhựa đường. Ước tính, sản lượng tiêu thụ dầu nhớt và mỡ nhờn tại Việt Nam năm 2014 đạt khoảng 370.000 tấn. ăm 2014 cũng là năm thị trường chứng kiến sự bùng nổ cả về nhãn hiệu và số lượng dầu nhớt nhập khẩu từ các nước Mỹ, Đức, Thái Lan, Singapore... Bên cạnh đó là một lượng không nhỏ dầu nhớt nhập khẩu về Việt Nam từ chính nhà máy của các tập đoàn ở các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Shell có nhà máy tại Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Total, Chveron có nhà máy tại Singapore. Còn Exxon Mobil tuy không xây dựng nhà máy nhưng thương hiệu này vẫn là đối thủ mạnh khi rất am hiểu thị trường Việt Nam, bởi đã từng đầu tư vào Việt Nam nhà máy công suất 40.000 tấn/năm (năm 2009 đã bán cho Total). Thế mạnh được đánh giá cao nhất của Exxon Mobil là chất lượng sản phẩm khi được người tiêu dùng của 156 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng. Song song đó là dịch vụ khách hàng được chú trọng và tại Việt Nam là ba nhà phân phối lớn là TAT Petroleum, PAN, Xích Đạo. Hiện tại, Castrol vẫn đứng đầu thị trường với 22% thị phần, theo sau là PLC với 12%, Shell đạt 11%, Total 11%, Mekong Lubricant đạt 8%... Chưa biết sự xuất hiện trở lại của Exxon Mobil có chia lại thị trường hay không nhưng cũng khiến các đối thủ e dè và người tiêu dùng Việt Nam có thêm sản phẩm để lựa chọn. Link nguồn: http://cafebiz.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/thi-truong-dau-nhot-vao-duong-dua-moi-20151127153818613.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|