Mặt trận mới của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Phố Wall |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ tư, 17/07/2019, 16:47 GMT+7 |
Ngay cả khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển, "tiếng khóc" của các nhà đầu tư Mỹ thể hiện sự lo ngại với những công ty Trung Quốc vẫn ngày một lớn hơn, và Phố Wall là một "mặt trận" mới nhất chứng kiến sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Công ty quản lý tài sản Jupai Holdings đến từ Trung Quốc bắt đầu giao dịch trên sàn NYSE vào tháng 7/2015. Là một công ty lớn đầu tư tài sản cho giới trung lưu Trung Quốc, Jupai được quảng cáo là một câu chuyện về sự phát triển thần kỳ cho các nhà đầu tư Mỹ - đây một cách để thâm nhập vào thị trường tài chính đang trong thời kỳ nở rộ và phát triển nhanh của Trung Quốc. Dẫu vậy, mọi chuyện lại không diễn ra như dự tính ban đầu. Chỉ 2 năm sau đó, công ty có trụ sở tại Thượng Hải đã bị Ninespot - một start-up phát triển video phát trực tiếp tại California, kiện vì tội lừa đảo và vi phạm hợp đồng. Theo hồ sơ nộp lên toà án, Jupai đã không thực hiện hợp đồng đã ký là đầu tư 18 triệu USD vào Ninespot. Start-up này đã phải đóng cửa và quyết định đưa Jupai ra toà. Kể từ sự kiện này, cổ phiếu của Jupai bắt đầu trượt dốc, giảm hơn 90% trong 2 năm, trong tháng này chỉ còn 2,23 USD/cổ phiếu. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư của Mỹ đã mất trắng gần 900 triệu USD. Hiện tại, Jupai và Ninespot không đưa ra phản hồi. Những vụ tranh chấp như vậy - khi bên đầu tư bị kiện vì không chấp hành cam kết pháp lý, rõ ràng xảy ra không ít đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, trường hợp này còn thể hiện rõ nỗi lo ngại lâu dài ở Phố Wall về những công ty đến từ một quốc gia từ lâu nay vẫn có quá nhiều khác biệt so với phương Tây. Ngay cả khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển, "tiếng khóc" của các nhà đầu tư Mỹ thể hiện sự lo ngại với những công ty Trung Quốc vẫn ngày một lớn hơn, và Phố Wall là một "mặt trận" mới nhất chứng kiến sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra vào 1 năm trước, những đòn thuế quan của Washington và Bắc Kinh đã khiến 2 nước bị chia rẽ về trao đổi thương mại, công nghệ, văn hoá và nghiên cứu. Jay Boyle, nhà sáng lập của công ty tư vấn tài chính ECFO Services, nhận định: "Những trường hợp như Jupai xảy ra đối với các doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, thậm chí là cả các công ty của Mỹ. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc thường gặp phải nhiều hơn." Uỷ ban Giám sát các Công ty Đại chúng (PCAOB), chịu trách nhiệm giám sát kiểm toán các công ty đã niêm yết, vẫn giữ một danh sách các công ty nước ngoài giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đã từ chối việc kiểm tra tài liệu từ cơ quan chứng khoán Mỹ. Hiện tại, danh sách này có 224 công ty, ước tính có tới 95% số đó có kiểm toán viên tại Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông. Trong đó có các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, ví dụ như China Petroleum & Chemicals, China Mobile và JD.com, mỗi công ty đạt mức vốn hoá hàng chục tỷ USD. Bất chấp chiến tranh thương mại, 34 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã huy động được 9,2 tỷ USD vốn tại Mỹ vào năm ngoái, cao gấp đôi so với năm 2017, theo Dealogic. 4 trong số đó - gồm nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến iQiyi, web mua sắm giảm giá Pinduoduo, hãng xe điện Nio và dịch vụ phát nhạc trực tuyển Tencent Music, mỗi công ty đã huy động được hơn 1 tỷ USD với các đợt IPO tại Mỹ. Dẫu vậy, các trader đã đầu tư vào những công ty này đã mất tới 13% trong thời điểm bất ổn trên. Khi tổng vốn hoá thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã lên tới 1,2 nghìn tỷ USD thì nỗi lo ngày một tăng lên, các nhà đầu tư Mỹ đang phải gánh chịu những rủi ro mà họ không hiểu rõ. Trong một tuyên bố chung hồi tháng 12, Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và PCAOB đã chỉ ra các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là thách thức quan trọng nhất mà các thanh tra phải đối mặt. Chủ tịch SEC cho hay: "Đối với 1 số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, SEC và PCAOB đã không thể kiểm tra sổ sách, hồ sơ và tài liệu kiểm toán ở một cấp độ phù hợp như những khu vực pháp lý khác, cả về phạm vi lẫn thời gian. Đôi khi, Trung Quốc hạn chế cho phép kiểm tra tài liệu của kiểm toán viên bằng cách chuyển ra khỏi nước Mỹ với lý do an ninh quốc gia." Các chính trị gia ở Washington cũng tham gia vào mặt trận này. Hồi tháng 6, 4 thượng nghị sĩ - Marco Ruibo, Tom Cotton thuộc đảng Cộng hoà và Bob Menendez, Kristen Gillibrand thuộc đảng Dân chủ, đã ủng hộ một dự luật để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc coi thường nghĩa vụ công khai và minh bạch mà Mỹ yêu cầu. Các nhà lập pháp cũng cố gắng đình chỉ một cơ chế tài chính khác - vốn cho phép thị trường Mỹ có nhiều sự kết nối hơn với Trung Quốc. Đầu năm nay, MSCI và FTSE Russell đã bắt đầu nâng tỷ trọng của cổ phiếu Trung Quốc trong rổ thị trường mới nổi. Do đó, các quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ và các nhà đầu tư theo tổ chức của Mỹ sẽ phải đưa thêm vào hàng tỷ USD các cổ phiếu định danh bằng đồng NDT của các công ty Trung Quốc. Trong một bức thư gửi tới MSCI kêu gọi cân nhắc lại quyết định này, Rubio viết: "Chúng tôi không còn có thể cho phép chính phủ Trung Quốc gặt hái những thành quả của thị trường vốn Mỹ và quốc tế, trong khi các công ty của họ không minh bạch về tài chính và đặt các nhà đầu tư Mỹ vào thế rủi ro." Ngoài những lo ngại về sự minh bạch, nhiều ý kiến khác còn cảnh báo về rủi ro của các rổ chỉ số có tỷ trọng cổ phiếu của các công ty Trung Quốc quá lớn. Trung Quốc là nhóm lớn nhất nằm trong các rổ chỉ số, chiếm khoảng 30% tỷ trọng các chỉ số trên. Việc nâng tỷ trọng sẽ đưa con số trên tăng lên 34%, theo Steven Schoenfeld - CIO tại Bluestar Indexes. Ông nói: "Tỷ trọng của các cổ phiếu Trung Quốc ngày một tăng là điều chưa từng xảy ra. Bất kỳ quốc gia nào có sự tập trung lớn thế này sẽ là mối đe doạ đối với các nhà đầu tư." Các nhà đầu tư Mỹ không phải là những người duy nhất bị tổn hại bởi sự không minh bạch của Trung Quốc. Trong cùng thời gian niêm yết tại New York của Jupai, các nhà đầu tư Trung Quốc đã kiện công ty này do cung cấp các sản phẩm tài chính lừa đảo trong 2 năm, dưới danh nghĩa là một quỹ khác. Sau khi mất khoản đầu tư gốc, các nhà đầu tư phát hiện ra rằng quỹ này chưa từng tồn tại. Cố vấn của ECFO, Boyle, cho hay: "Đó là một vấn đề mang tính hệ thống bởi văn hoá Trung Quốc coi trọng mối quan hệ hơn là luật pháp." Ông nói rằng các doanh nghiệp Trung Quốc thường có thể thoát tội miễn là họ tìm được đúng người có thẩm quyển. Theo Hương Giang (Trí thức trẻ/SCMP)/Cafebiz.vn - 17/7/2019 Link nguồn: http://cafebiz.vn/mat-tran-moi-cua-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-pho-wall-20190717143238203.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|