top-banner-2

Thứ hai, 01/08/2016, 11:23 GMT+7

Ứng vốn SCIC xây sân bay Long Thành: Tiền lệ cực xấu

Viết bởi Thiên Bình   
Thứ hai, 01/08/2016, 11:23 GMT+7

Nếu đề nghị dùng vốn của SCIC cho sân bay Long Thành được chấp thuận, nó có thể tạo ra tiền lệ để các địa phương đua nhau xin - cho.

Đó là nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) khi trao đổi về đề nghị dùng vốn của SCIC cho sân bay Long Thành của tỉnh Đồng Nai.

PV: - UBND tỉnh Đồng Nai mới đây có báo cáo Chính phủ, kiến nghị hàng loạt cơ chế đặc thù để giải phóng mặt bằng và xây dựng hai khu tái định cư nhằm di dời dân ra khỏi quy hoạch sân bay Long Thành.

Theo đó, để có kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án trong điều kiện ngân sách eo hẹp, một trong những kiến nghị của Đồng Nai là xin Chính phủ cho phép sử dụng nguồn thặng dư hơn 1.000 tỷ đồng của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Thưa ông, liệu vốn của SCIC có để đầu tư trong những trường hợp thế này trong khi khả năng thu hồi vốn được dự đoán là còn lâu khi dự kiến đến năm 2025 sân bay Long Thành mới được đưa vào hoạt động?

ung-von-scic-xay-san-bay-long-thanh-tien-le-cuc-xau

Một góc phối cảnh dự án sân bay Long Thành

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Về nguyên tắc, vốn thặng dư của SCIC là phần lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như bán cổ phần của các doanh nghiệp  mà Nhà nước đang nắm giữ cổ phần.

Mục tiêu của nó là nhằm đổi mới cơ chế quản lý của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, làm cho các doanh nghiệp này phát huy được hiệu quả cao nhất cũng như thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thực hiện mục tiêu giảm thiểu tối đa số lượng các DNNN trong nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN khi Việt Nam đang hội nhập rất sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là TPP và các FTA.

Căn cứ theo nguyên tắc trên, vốn của SCIC không phải nhằm mục đích cho đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, sân bay Long Thành là dự án được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế trong tương lai và cần thiết phải đầu tư xây dựng. Nhiều nhà quản trị cho rằng, để xây dựng sân bay Long Thành có thể vay vốn hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), kết hợp giữa Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân mà không nhất thiết phải cần đến vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước.

Nếu vay vốn hoặc đầu tư theo hình thức PPP sẽ hiệu quả hơn rất nhiều bởi các doanh nghiệp buộc phải tính toán rất kỹ để thu hồi được đồng vốn mà họ đã bỏ ra cũng như có được lợi nhuận như mong muốn.  

Như vậy, xét các yếu tố trên, việc xin dùng vốn của SCIC cho sân bay Long Thành của tỉnh Đồng Nai có vẻ không hợp lý và không bao giờ có chuyện chuyển thẳng vốn từ SCIC sang các mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, cũng như để đền bù giải phóng mặt bằng cho một dự án cụ thể về cơ sở hạ tầng như sân bay Long Thành nói riêng.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác có thể thấy rằng, vốn thặng dư của SCIC là vốn ngân sách Nhà nước, do đó Chính phủ hoàn toàn có thể chuyển đổi mục đích sử dụng nguồn vốn đó, từ việc phục vụ các mục tiêu làm lành mạnh hóa hệ thống DNNN, đẩy mạnh cơ chế quản lý trong DNNN cũng như đẩy mạnh cổ phần hóa sang mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng.

Để làm được việc đó, Chính phủ cần yêu cầu SCIC nộp phần vốn thặng dư về ngân sách Nhà nước và coi đó là một nguồn thu của ngân sách. Trên cơ sở đó ngân sách nhà nước sẽ cân đối và cấp vốn đầu tư cho dự án sân bay Long Thành.

Như vậy, ở đây sẽ xảy ra việc chuyển đổi mục đích sử dụng của nguồn vốn, một mặt chúng ta mong muốn hệ thống DNNN sẽ hoạt động hiệu quả hơn, mặt khác chúng ta cần đầu tư xây dựng CSHT giao thông.

Thực tế là cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam hiện nay rất kém so với các nước trong khu vực, yêu cầu và đòi hỏi về xây dựng hạ tầng giao thông là một nhu cầu có thực nhưng đôi khi bên ngành GTVT cũng có những đòi hỏi vượt khỏi khả năng có thể cung cấp vốn của nền kinh tế nói riêng, cũng như khả năng đáp ứng về vốn kể cả từ vay nước ngoài đến các nguồn khác nói chung cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng.

Đây là một trong những vấn đề làm trầm trọng thêm bội chi ngân sách Nhà nước, vay nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam và rõ ràng chúng ta cần phải cân nhắc, đắn đo và xem xét. Có nhiều dự án hàng ngàn, hàng vạn tỷ đồng có lẽ chưa thực sự cần thiết trong thời điểm trước mắt, nhất là khi Việt Nam đang thiếu vốn.

Chính vì thế, phải cân đối trong khả năng nguồn vốn của mình để làm cho tình trạng bội chi ngân sách Nhà nước, vay nợ của Chính phủ giảm đi. Nếu cứ để nợ công và bội chi ngày một lớn lên thì cực kỳ nguy hiểm với không chỉ khu vực công mà với tòan bộ nền kinh tế trong tương lai.

Vì lẽ đó, đối với việc thu xếp vốn cho sân bay Long Thành, dù đề xuất của Đồng Nai không phải không có cách giải quyết nhưng cần thận trọng và suy nghĩ thêm về phương án đó.

PV: - Trong trường hợp Chính phủ cho phép có tiền lệ trên thì khả năng sử dụng vốn SCIC cho những mục đích tương tự sẽ xảy ra. Hệ quả của nó là gì, đặc biệt đối với nguồn vốn Nhà nước?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Vấn đề quan trọng của nguyên tắc quản lý và sử dụng vốn là tiền nào phải dùng vào việc ấy và phải đáp ứng được tính hiệu quả của nền kinh tế.

Theo nguyên tắc này, vốn của SCIC không phải nhằm mục đích để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong kinh tế thị trường hoàn toàn có thể tiến hành chuyển hóa nguồn vốn này sang nguồn vốn khác để sử dụng. Nếu sử dụng và có khả năng thu hồi được vốn trong thời gian ngắn hạn để quay trở lại phục vụ cho mục đích chính của dòng vốn thì có thể được.

Đối với trường hợp của dự án sân bay Long Thành thì không phải như thế. Đây là đầu tư cơ sở hạ tầng, một khoản đầu tư lâu dài mới  thu hồi được vốn và hiệu quả của nó còn khá xa vời, do đó cần cẩn trọng trong việc này. Vì khi chúng ta đã phá vỡ quy hoạch phát triển thì hàng loạt các cân đối khác trong nền kinh tế sẽ xoay chuyển theo.

Chẳng hạn, các vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý của khu vực kinh tế hà nước cũng như thực hiện cổ phần hóa, đẩy mạnh việc giảm thiểu DNNN trong nền kinh tế sẽ chậm lại.

Như phân tích của nhiều nhà kinh tế, đây là lực cản, trì hoãn quá trình đổi mới của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, làm kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí không thể thực hiện được các mục tiêu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, không thể phát huy được tác dụng của hội nhập mà lại làm trì trệ, nặng thêm căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Như vậy, nó sẽ đẩy nền kinh tế đến tình trạng: hiệu quả cũng như đường hướng phát triển lâu dài của nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi việc chi tiêu không đúng mục đích, không theo kế hoạch của các dòng vốn này.

Hơn nữa, nếu cho phép sử dụng vốn SCIC cho sân bay Long Thành rất có thể nó sẽ tạo ra một tiền lệ: các địa phương khi nhìn thấy có một khoản của ngân sách Nhà nước dôi ra lập tức sẽ tìm cách lôi về cho địa phương mình.

Khi đó, tư tưởng cục bộ địa phương, xin-cho vẫn cứ tồn tại dai dẳng trong việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch chi tiêu ngân sách Nhà nước.

Điều này làm cho ngân sách Nhà nước luôn chịu sức ép từ các địa phương trong việc phân bổ ngân sách, không tuân theo kế hoạch tổng thể của Nhà nước để phát huy tác dụng chung trong nền kinh tế. Do đó, cần cân nhắc kỹ giữa mục tiêu của nguồn vốn của SCIC với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để nó có hiệu quả hợp lý.

PV: - Bên cạnh phương án trên, Đồng Nai còn kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ dưới hình thức công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn 1 năm trở lên. Lãi suất trái phiếu được tính vào tổng mức đầu tư của dự án. Theo ông, phương án phát hành trái phiếu trong trường hợp này liệu có phù hợp, nhất là khi nó sẽ được tính vào nợ công quốc gia?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Có hai điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, khi phát hành trái phiếu Chính phủ thì đó là trái phiếu mà Chính phủ phát hành ra và Chính phủ đi vay, đương nhiên nợ công sẽ tăng lên.

Thứ hai, Đồng Nai đứng ra xin Chính phủ được phát hành trái phiếu để có vốn nhưng nếu cho phép họ phát hành trái phiếu Chính phủ thì như đã nói, thực ra là Chính phủ phát hành, Đồng Nai lấy gì để trả trong vòng một vài năm? Chính phủ sẽ phải đứng ra trả số nợ trên.

Nợ công của Việt Nam đã quá lớn, nếu địa phương nào cũng trình dự án, cũng đề nghị như vậy thì rất ngu hiểm. Phải xem xét mức độ cần  thiết, quan trọng của dự án đối với phát triển kinh tế vùng và cả nước để tính toán xem có cần thiết tăng nợ công hay không, có cần thiết phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án đó không?

Phải xem xét trong kế hoạch tăng nợ công của Chính phủ có nằm trong mức đó hay không? Nợ công của Chính phủ là một trong những vấn đề đã được quy hoạch và trong khoảng thời gian lâu dài, Việt Nam đã không để ý đến tổng nợ công, do đó nợ công của quốc gia đã lên đến ngưỡng nguy hiểm, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế.

Việc tăng nợ công đã được tính toán trong 5 năm tới như thế nào? Có các bộ phận ra sao? Có cần vay nợ công để đáp ứng nhu cầu của sân bay Long Thành?... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và cần trả lời, không thể nói dự án quan trọng mà phải cho nợ vay quá ngưỡng quản lý mà Quốc hội đưa ra.

Tóm lại, đề nghị là quyền của địa phương nhưng phải xem xét, cân đối thế nào cho hợp lý thì cần tầm của một kiến trúc sư ở vĩ mô : khi nào địa phương này cần? Dự án nào cần trước, dự án nào cần sau? Cần trước bao nhiêu, cần sau bao nhiêu?.... Đó là những cái phải tính toán để đảm bảo được kế hoạch nợ công của Việt Nam trong giói hạn cho phép.

PV: - Phương án thu xếp vốn cho Long Thành lẽ ra phải được tính toán trước khi lập dự án. Giờ Đồng Nai xin cơ chế như trên phải hiểu như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Đây không phải là tiền trảm hậu tấu mà là Đồng Nai  không dám làm và không thể làm được vì không có vốn. Đồng Nai đang đưa ra các cách thức mà họ nghĩ các nhà quản trị có thể giúp họ thực hiện được các mục tiêu.

Nhưng khi lý giải dự án sân bay Long Thành trước Quốc hội, các chủ đầu tư có nói sẽ sử dụng chủ yếu biện pháp vay ODA và hình thức đầu tư PPP để xây dựng.

Có thể nói, họ đang đi theo con đường, mà từ xưa đến nay rất nhiều nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang làm: cứ nhận dự án, được phép làm dự án sau đó mới tính nâng tổng vốn lên, đòi hỏi Nhà nước phải đáp ứng này nọ... vì khi dự án đã tiến hành, Nhà nước không thể ngồi nhìn dự án dở dang.

Vì thế, đây là bài toán phải nghiên cứu kỹ ngay từ đầu trong xây dựng cơ bản, đặc biệt đối với các dự án lớn có liên quan đến ngân sách Nhà nước, không thể để tình trạng như trên tiếp diễn.

Thành Luân (Baodatviet)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ứng vốn SCIC xây sân bay Long Thành: Tiền lệ cực xấu

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc