top-banner-2

Thứ ba, 21/06/2016, 08:25 GMT+7

Báo chí Việt Nam - Lược sử và những dấu ấn đương đại

Viết bởi An An   
Thứ ba, 21/06/2016, 08:25 GMT+7

Kể từ ngày ra đời cho đến nay, báo chí Việt Nam dù tồn tại với hình thức báo giấy hay báo điện tử vẫn luôn đi tiên phong trong việc cập nhật kịp thời và chính xác thông tin, giúp độc giả đến gần với sự thật, góp phần lớn vào việc định hướng xã hội theo tư tưởng văn minh và phát triển một đất nước hòa bình và ổn định.

1-bao-chi

Một số tờ báo và tạp chí của Việt Nam - Ảnh minh họa - Nguồn: ict-hanoi-gov.vn

Lược sử báo chí Việt Nam qua những dấu ấn đặc biệt

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về thông tin, trên thế giới, từ rất xa xưa, đã có sự tồn tại của báo chí dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại la Mã, những tờ truyền tin Acta Diurna xuất hiện vào khoảng năm 59 trước công nguyên được xem là sự manh nha của tờ báo đầu tiên trên thế giới. Ở Trung Quốc, vào thế kỷ VIII, cũng đã xuất hiện những tờ truyền tin viết tay về những sự kiện của triều đình và một số vấn đề nổi bật xảy ra trong xã hội. Thế nhưng, người Ý mới là những người đầu tiên khai sinh ý tưởng làm báo giấy. Người Ý gọi là gazetta (tức là công báo, báo dành cho chính phủ) và gazetta cũng chỉ được viết tay. Chỉ đến năm 1447, với sự ra đời của công nghệ in tại Anh, báo giấy mới thực sự ra đời dưới hình thức in. Theo dòng lịch sử và những thành tựu của khoa học, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, báo giấy đã xuất hiện khắp các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, vì nhu cầu thông tin, từ xa xưa, ở những thôn làng, người ta dùng một người để đi truyền tin đến nhân dân về những sự kiện đặc biệt hoặc yêu cầu đi hội họp, nhân vật này được gọi là “Thằng mõ”. Sau này, do chính sách quản lý, triều đình cũng yêu cầu các tổng trấn phải báo cáo định kỳ những vấn đề quan trọng đã xảy ra. Đây được xem là một trong những hình thức manh nha tạo tiền đề đầu tiên để hình thành nên báo chí Việt Nam sau này. Những mãi đến cuối thế kỷ XIX, đi cùng với bối cảnh thời đại chung của thế giới, do chính sách phát triển đất nước và sự du nhập của văn hóa phương Tây mà trong đó chủ yếu là Pháp, nhiều trí thức thời bấy giờ đã du học ở các đất nước xa xôi và tiếp cận những tri thức tiên tiến nhất. Sau khi về nước, họ đã góp một phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của nền báo chí nước nhà.

Vì vậy, năm 1865, Gia Định báo, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ với vai trò là một “công báo của chính phủ thuộc địa thời bấy giờ” đã ra đời và tồn tại suốt 44 năm với mỗi số ra hàng tuần. Ban đầu, tờ báo này do nhà bác học Trương Vĩnh Ký (cũng được xem là nhà báo đầu tiên của Việt Nam) làm giám đốc và chủ bút là ông Huỳnh Tịnh Của. Trên tờ báo này, cũng đã xuất hiện trang quảng cáo đầu tiên vào năm 1882.

2-bao-chi

Triển lãm báo chí - Ảnh minh họa - Nguồn: Nguoilambao.vn

Đến năm 1888, tờ báo tư nhân đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ đã ra đời, được phát hành hàng tháng tại Nam kỳ vào những năm 1888 - 1889 và cũng do Trương Vĩnh Ký làm chủ trì.

Sự ra đời và phát triển của 2 tờ báo trên cho thấy đóng góp rất lớn của nhà bác học Trương Vĩnh Ký đối với nền báo chí nước nhà.

Đồng thời, kinh tế cũng là một lĩnh vực được báo giới chú ý từ rất sớm, vì thế, tờ báo về kinh tế đầu tiên là Nông cổ mím đàn (bàn về nông nghiệp và thương nghiệp) cũng đã ra đời vào năm 1901, phát hành hàng tuần tại Sài Gòn với chủ bút đầu tiên là ông Lương Khắc Ninh.

Đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí bắt đầu nhộn nhịp hơn, phụ nữ và vị trí của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã thay đổi. Để thể hiện quan điểm của mình, tờ báo phụ nữ đầu tiên được phát hành, đánh dấu một bước tiến lớn về vai trò và tiếng nói của nữ giới trong xã hội. Đó là sự ra đời của nguyệt san Nữ giới chung vào ngày 1 tháng 2 năm 1918 do con gái của tác gia Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Anh (tên thật là Nguyễn Xuân Khuê) làm chủ bút và ông Lê Đức làm chủ nhiệm.

Tiếp nối sau đó, đi cùng với những sự kiện chính trị lịch sử của đất nước trải qua hơn một thế kỷ thăng trầm, nhiều tờ báo khác cũng ra đời và góp tiếng nói chung vào công cuộc giữ nước như: Phan Yên Báo (1868), Nhựt trình Nam kỳ (1883), Lục tỉnh Tân văn (1907), Đại Việt Tân báo (1905), Đại cổ Tùng báo (1907)… tạo nên bức tranh báo chí sôi động của nước nhà.

Sau ngày giải phóng đất nước, bước vào thời kỳ Đổi mới, báo chí Việt Nam ngày càng phát triển phong phú và đa dạng dưới sự định hướng của Đảng và Nhà nước.

3-bao-chi

Ảnh minh họa - Nguồn: Nguoilambao.vn

Một dấu ấn đặc biệt được đánh dấu bởi sự xuất hiện của Internet đã tạo nên cơn bão trên mọi lĩnh vực trong đời sống nhân loại, báo chí cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo trên. Thế là, hình thức báo điện tử xuất hiện và thay thế cho đời sống sổi nổi của báo giấy trước đây. Tại Việt Nam, tờ báo điện tử đầu tiên là tờ tạp chí Quê hương. Đây là tờ tạp chí của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ ngoại giao phát hành số đầu tiên vào ngày 6/7/1997. Sau đó, nhiều tờ báo điện tử khác lần lượt ra đời và tồn tại cho đến ngày nay như Vietnamnet (1998), Lao động (1999), Nhân dân điện tử (1999), Tuổi trẻ online (2003)…

“Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tính đến ngày 25 tháng 12 năm 2014, cả nước Việt Nam có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí (trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo in và 507 tạp chí, địa phương có 113 báo in và 132 tạp chí); 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương, 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.”(1)

Báo chí Việt Nam trong thời đại công nghệ số

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, nhà nhà người người ngày ngày giờ giờ đều kết nối Internet. Có thể nói, sự phổ biến của Internet đối với xã hội phát triển với tốc độ như ánh sáng. Chúng ta dễ dàng thấy cảnh cộng đồng mạng ăn cùng Internet, ngủ cùng Internet và hiển nhiên là chơi với Internet. Trong điều kiện công nghệ số của “một thế giới phẳng” như vậy, báo chí càng phải phát huy vai trò tiên phong trong việc cập nhật thông tin liên tục một cách nóng hổi nhất, chính xác nhất mà vẫn giữ được tính định hướng, phát triển theo hướng nhân văn và có lợi cho sự phát triển một xã hội tiến bộ, văn minh và hòa bình.

Đi cùng sự phát triển của thời đại Internet, báo chí điện tử ra đời và ngày càng đa dạng về thể loại cũng như hình thức cùng song song tồn tại với báo giấy đã có lịch sử hơn một trăm năm nay. Sự ra đời của báo điện tử cũng đã làm thay đổi thói quen đọc báo của độc giả. Mỗi ngày, độc giả có thể tiếp nhận một khối lượng lớn thông tin từ trong nước cho đến thế giới với hầu hết tất cả những vấn đề trong xã hội… Điều đó giúp tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau. Tuy nhiên, do sự phổ biến của Internet và phát triển với tốc độ khủng của thông tin, sự tác động qua lại của truyền thông xã hội và báo chí ngày càng phức tạp nên người đọc báo cũng phải có cái nhìn độc lập và sáng suốt để tiếp nhận thông tin một cách tỉnh táo và thông minh nhất.

1-bao-chi-4

Ảnh minh họa - Nguồn: Genk.vn

Hơn nữa, nhiều mạng cộng đồng xã hội xuất hiện và có điều kiện sử dụng vô cùng đơn giản như Facebook, Instagram… với rất nhiều tiện ích. Dường như, mỗi người dùng đều có thể trở thành “nhà báo” của chính mình với những thông tin được cập nhật thường xuyên và liên tục. Vì vậy, hình thành một bức tranh đời sống báo chí đa diện và sôi động trên khắp thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, sự phát triển đến chóng mặt của các hình thức báo chí, việc sử dụng báo điện tử không phụ thuộc vào không gian và thời gian cũng chính là “phát súng khai tử” cho sự sống còn của thể loại báo giấy. Hiện nay, rất ít người mua báo giấy, những tờ báo giấy nổi tiếng vẫn được phát hành với số lượng ít hơn, đối tượng độc giả tiếp cận cũng ngày càng thưa thớt hơn, thường chỉ là những người ít điều kiện tiếp xúc Internet hoặc ở những vùng xa xôi… nên có những tòa soạn đang đối mặt với nguy cơ phá sản.

Đứng trước nguy cơ này, báo giấy phải có đội ngũ chuyên nghiệp và có niềm đam mê đã và đang phải đầu tư từ nội dung đến hình thức một cách nghiêm túc và thu hút nhất mới có thể đứng vững và tồn tại lâu dài.

Tuy nhiên, dù ở góc độ nào, dù tồn tại và phát triển dưới hình thức nào đi chăng nữa thì báo chí trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng luôn đi đầu trong việc cập nhật thông tin một cách kịp thời, hiệu quả và chính xác, luôn đấu tranh và góp phần rất lớn vào sự phát triển của một thế giới hòa bình và ổn định.

Chú thích (1): số liệu lấy từ wikipedia.org

Thực hiện: Nguyệt Lam

Theo Tạp chí Vanhoadoanhnhan chuyên đề tháng 6


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Báo chí Việt Nam - Lược sử và những dấu ấn đương đại

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc