Vì sao Hội nghị Trung ương 4 ở 3 nhiệm kỳ liên tiếp đều bàn xây dựng, chỉnh đốn Đảng? |
Thứ năm, 07/10/2021, 09:04 GMT+7 |
Trên cơ sở kết quả của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII sẽ một lần nữa khẳng định, nhấn mạnh lại để khắc sâu ý thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên rằng nhiệm vụ xây dựng Đảng không được ngơi nghỉ. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Văn Giang - giảng viên cao cấp (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, thực tế đó đòi hỏi Đảng ta phải liên tục, thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn. PGS.TS Nguyễn Văn Giang Đánh thẳng vào những yếu kém tích tụ lại từ khá lâu PV: Thưa ông, vì sao ở 3 nhiệm kỳ liên tiếp (khóa XI, XII, XIII), Trung ương đều bàn về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hội nghị thứ 4? PGS.TS Nguyễn Văn Giang: 3 khoá liên tục - Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc này rất logic, không có tính ngẫu nhiên. Vì Đảng ta xác định trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta thực hiện đường hướng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt thì phải đưa nội dung này vào hội nghị đầu của khóa để bàn và triển khai. PV: Là người theo dõi công tác xây dựng Đảng, ông có thể cho biết, so với Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII có điểm gì khác nhau căn bản? PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Chúng ta phải đợi Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 lần này về những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng quan, khái quát thì thấy rằng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (năm 2011) có tính chất khai phá, đánh thẳng vào những yếu kém của công tác xây dựng Đảng. Những yếu kém này là kết quả của một thời gian chúng ta có phần xao nhãng, xem nhẹ hoặc đầu tư chưa đúng mức cho công tác xây dựng Đảng. Dẫn đến các mặt của công tác xây dựng Đảng có thời kỳ làm chưa tốt, đặc biệt là công tác phê bình, tự phê bình, kiểm tra, giám sát, đấu tranh để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý những sai phạm trong Đảng, xử lý cán bộ suy thoái chưa được làm quyết liệt. Không phải trong một nhiệm kỳ mà ở nhiều nhiệm kỳ trước đó, chúng ta làm chưa quyết liệt, dẫn đến tích tụ lại. Trước đây là một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái, nhưng dần dần bộ phận đó phát triển lớn lên thành “một bộ phận không nhỏ”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ra đời là một quyết tâm, giải pháp đánh thẳng vào những yếu kém đã tích tụ lại từ khá lâu. Đảng ta đã triển khai trên nhiều mặt trận, xác định 3 vấn đề cấp bách: vấn đề suy thoái, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ và trách nhiệm cá nhân. Một trong những biện pháp cơ bản ngày đó Đảng đã triển khai đó là phê bình, tự phê bình trong toàn Đảng, từ Trung ương trở xuống, như cách nói ví von là cuộc “tắm rửa từ đỉnh đầu xuống”. Đây là một biện pháp quyết liệt, triển khai trong toàn Đảng, cùng với các biện pháp về tổ chức, công tác tư tưởng... để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 5 năm sau, trên cơ sở kết quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tập trung vào những vấn đề yếu kém, những cách làm chưa hiệu quả, còn tồn đọng. Như trong vấn đề phê bình và tự phê bình, Đảng ta không phê bình một cách chung chung mà tập trung vào cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chủ chốt; kết hợp phê bình, tự phê bình với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý. Và kết quả là trong nhiệm kỳ XII, Đảng ta đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện Trung ương quản lý. Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta đã kiểm tra, xử lý nhiều cán bộ cao cấp như thế, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy công tác xây dựng Đảng được triển khai quyết liệt hơn, tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở kết quả của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII sẽ tập trung vào những điểm chưa tốt; một lần nữa khẳng định, nhấn mạnh lại để khắc sâu ý thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên rằng nhiệm vụ xây dựng Đảng không được ngơi nghỉ mà phải làm liên tục. Đối với những người có khuyết điểm, sai phạm cần nhớ rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục, nên những ai đã “nhúng chàm” thì nên sớm dừng lại. Điều này có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, cảnh báo, giáo dục rất lớn. 3 khoá liên tục - Đại hội XI, XII, XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là hội nghị đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. PV: Như ông phân tích, ở mỗi Hội nghị Trung ương đều có sự kế thừa và phát triển mới, trong đó, Đảng ta luôn chú trọng phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”? PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Trên thế giới không có Đảng nào cầm quyền lâu như Đảng ta. Có thể nói đây là mặt phải của tấm huân chương. Tuy nhiên, nó có mặt trái của cầm quyền mà từ xưa Lênin đã cảnh báo đó là, cầm quyền thì các Đảng sẽ có 2 nguy cơ lớn là sai lầm về đường lối và quan liêu, thoái hóa, xa dân. Quan liêu, thoái hóa, xa dân sẽ dẫn đến nguy cơ Đảng mất quyền lãnh đạo và sụp đổ. Không chỉ có Đảng Cộng sản có những nguy cơ này mà các chính đảng trên thế giới đều như vậy. Với Đảng Cộng sản, bài học về sự suy thoái của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn còn nguyên giá trị. Mang danh Đảng Cộng sản nhưng Đảng không giữ được mình, suy thoái; cán bộ, đảng viên đặc quyền, đặc lợi, hư hỏng, không phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Liên Xô, nên Đảng Cộng sản Liên Xô đã sụp đổ. Đối với Đảng ta, trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái thì rõ ràng chúng ta đứng trước nguy cơ. Đối chiếu với lời dạy của Lênin, cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ đi vào vết xe đổ đó. Ý thức được điều đó, vì sự sống còn của Đảng, không còn cách nào khác chúng ta phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mặc dù nhiệm vụ kinh tế là trung tâm, nhưng nếu không xây dựng Đảng thì dù xây dựng kinh tế đạt được thành tựu thì sẽ bị phá nát bởi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Như thực tế thời gian qua cho thấy, một cán bộ hư hỏng có thể làm tổn thất hàng nghìn tỷ đồng, công sức của triệu người lao động có thể bị một người phá hỏng hết. Còn nhiều thách thức cần đối diện PV: Bối cảnh đất nước ta hiện nay đặt ra những thách thức gì trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông? PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Trong điều kiện hiện nay, có nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng. Gần 40 năm đổi mới thành công, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu: Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân đi lên, lòng dân phấn khởi, tin Đảng và ủng hộ Đảng. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta triển khai các mặt của công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong quá trình đổi mới, chúng ta thực hiện theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Mà kinh tế thị trường định hướng XHCN thì trước hết phải tuân theo quy luật khắt khe của kinh tế thị trường đó là phân hóa giàu – nghèo, phân hóa lợi ích, chạy theo đồng tiền. Những yếu tố này đã chi phối và hiện nay cho thấy phân hóa giàu - nghèo không chỉ ngoài xã hội mà phân hóa ngay trong Đảng. Đều là đảng viên, nhưng có người có điều kiện, thu nhập rất tốt, điều kiện sinh hoạt rất cao, nhưng có một bộ phận đảng viên hiện nay vẫn phải kiếm ăn qua ngày, bán sức lao động làm thuê. Cùng chung một mục đích lý tưởng, nhưng điều kiện sinh sống, lợi ích khác nhau thì làm sao để thống nhất tư tưởng. Đó cũng là thách thức. Đặc biệt là lợi ích đồng tiền, chủ nghĩa cá nhân sẽ phát triển. Như vừa qua, một loạt cán bộ cấp cao đã “ngã gục” trước đồng tiền, bị lợi ích cá nhân chi phối dẫn đến làm trái quy định của Đảng và Nhà nước.... Những thách thức đó đang đặt ra yêu cầu Đảng ta phải liên tục, thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn. Kinh tế thị trường làm cho lợi ích đồng tiền, chủ nghĩa cá nhân phát triển PV: Vậy theo ông, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng ta trong thời gian tới là gì? PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Chúng ta phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây không chỉ là quy luật và khoa học tổ chức cũng đã chỉ ra, để kéo dài tuổi thọ của tổ chức thì phải thường xuyên tự đổi mới, loại bỏ yếu tố đã lỗi thời, lạc hậu. Theo đó, chúng ta tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trước hết là chặn đứng tình trạng suy thoái; tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, suy thoái, cần làm tốt công tác cán bộ theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, làm sao chọn đúng cán bộ, có phẩm chất, bản lĩnh, trong sạch thì mới xây được nền tảng vững chắc cho Đảng. PV: Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa thế nào đối với việc hoàn thiện chính sách của Nhà nước nhằm góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, thưa ông? PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 sẽ ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật, chính sách để xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, ngăn chặn suy thoái trong đội ngũ công chức Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đó sẽ khắc phục những khó khăn đang đặt ra, trong đó có phòng, chống dịch bệnh. Bộ máy tốt, cán bộ tốt thì chúng ta sẽ khắc phục được. PV: Xin cảm ơn ông!. Theo Hương Giang - Kim Anh - vov.vn - 07/10/2021 Link nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-hoi-nghi-trung-uong-4-o-3-nhiem-ky-lien-tiep-deu-ban-xay-dung-chinh-don-dang-896101.vov Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|