top-banner-2

Thứ ba, 05/12/2023, 15:57 GMT+7

Cần tránh 'bẫy' lọc ngành khi thu hút đầu tư xanh

Thứ ba, 05/12/2023, 15:57 GMT+7

Đó là ý kiến nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?"do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 5/12 tại TPHCM.

Cần tránh 'bẫy' lọc ngành khi thu hút đầu tư xanh- Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu khai mạc Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế.

Tuy vậy, trên thực tế, do áp lực về chuyển đổi xanh trong khi thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường khiến nhiều địa phương trong thu hút đầu tư lại nghiêng về "lọc ngành", tức là ngành nào nghe có vẻ ô nhiễm là từ chối, thay vì xem xét các tiêu chí phát thải có đáp ứng yêu cầu hay không.

Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, KCN trong thu hút nhà đầu tư. Từ đó, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư chung của cả nước.

Vì vậy, cần hiểu đúng về tăng trưởng xanh và thu hút đầu tư xanh để không ảnh hưởng đến chiến lược phát triển chung của đất nước.

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - người vừa tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP28- chia sẻ, cập nhật đến tối 4/12, có 22 nước tham gia COP28 đã nhất trí tăng sản lượng điện hạt nhân lên gấp 3 lần cho đến năm 2050. Ngoài ra, 50 công ty dầu mỏ lớn nhất, đại diện cho 40% sản lượng toàn cầu, cam kết đạt mức phát thải ròng khí metal gần bằng 0 và chấm dứt hoạt động xử lý khí thải bằng cách đốt bỏ vào năm 2030.

Còn các ngân hàng, định chế tài chính lớn toàn cầu đều có cam kết chung chung, đẩy mạnh nỗ lực nhưng chưa đưa ra lộ trình cụ thể về việc ngừng cung cấp tín dụng cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Sử thừa nhận, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, nên ứng xử với nó như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi của nhiều quốc gia.

Cần tránh 'bẫy' lọc ngành khi thu hút đầu tư xanh- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ tham luận tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Doanh nghiệp xác định phát triển xanh thì ngành gì không quan trọng

Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, khi đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng 17 tiêu chí mà Liên Hợp Quốc đưa ra, như: Kiểm soát, giảm thải khí thải; sản xuất không gây ô nhiễm môi trường; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; có trách nhiệm với xã hội, với người lao động và quản trị minh bạch...

Ngay từ đầu, nếu đặt mục tiêu tiếp cận các tiêu chí trên thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải. Đơn cử, nếu sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thì phát thải khí CO2 sẽ ở mức lớn nhất, trong khi sử dụng khí thì lượng CO2 phát thải giảm còn khoảng 50 - 60%. Công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải cũng phải đạt tiêu chuẩn A. Lúc đó, ngành nào không còn quan trọng.

Cần tránh 'bẫy' lọc ngành khi thu hút đầu tư xanh- Ảnh 3.

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Muốn 'lọc ngành' cũng phải có lộ trình

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chuyển đổi xanh là cơ hội lớn, đồng nghĩa với việc đi kèm thách thức rất nhiều.

Thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi xanh là chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao thì phải định hướng chọn công nghệ cao, do các tập đoàn hàng đầu dẫn dắt. Chính sách hiện nay có lối mở nhưng khi thu hút công nghệ cao vào thì lại đặt ra những thách thức về thể chế.

Một thách thức nữa theo vị chuyên gia này là vấn đề vốn để chuyển đổi. Chúng ta đang theo hướng tiếp cận với các quỹ đầu tư, quỹ tài chính lớn trên thế giới, đó là cách giải quyết hiệu quả nhưng không hề dễ dàng.

Thứ ba là thách thức chính từ nội tại, đó là doanh nghiệp Việt quá nhỏ, muốn chuyển đổi rất khó cả về tiềm lực và năng lực. Ngoài ra, hạ tầng, nguồn đất tại các địa phương cũng đang vô cùng hạn hẹp, không còn dư địa cho phát triển mới các khu công nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi hành động phải ráo riết hơn, quyết liệt hơn, chuyển các khu công nghiệp cũ sang thành công nghiệp sinh thái, từng bước biến thành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh.

Theo ông Thiên, lọc ngành phải được hiểu theo nghĩa rộng, không phải bỏ ngay lập tức mà phải có lộ trình, tính toán xem bỏ cái gì trong ngành đó, thu hẹp như thế nào... Chính sách cấu trúc ngành phải tạo ra được hệ thống, có lộ trình để giảm dần những "cú sốc" cho doanh nghiệp, nền kinh tế, cũng như đảm bảo việc làm của người lao động.

Còn ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh cần tránh "bẫy" lọc ngành, chú trọng công nghệ vì hệ thống kinh tế là một chuỗi giá trị mà chúng ta đang khuyến khích phát triển hệ sinh thái, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phải tránh tư duy xanh hóa ngay lập tức mà cần có lộ trình phù hợp để phát triển kinh tế xanh.

Ông Lộc đề xuất, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng trưởng xanh với lộ trình phù hợp, cần lồng ghép được vào chiến lược phát triển các ngành, địa phương để đảm bảo mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn.

(Nguồn: Baochinhphu.vn)

 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cần tránh 'bẫy' lọc ngành khi thu hút đầu tư xanh

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc