top-banner-2

Thứ năm, 20/01/2022, 12:04 GMT+7

Hà Giang vẫn còn 1.300 thôn bản đặc biệt khó khăn

Thứ năm, 20/01/2022, 12:04 GMT+7

Ở Hà Giang hiện có 192 xã đồng bào vùng dân tộc, với trên 1.300 thôn bản đặc biệt khó khăn. Điện, đường, trường, trạm vẫn là ước mong của đồng bào sinh sống nơi vùng cao núi đá nơi đây.

Trong số 9 thôn bản ở xã Sủng Cháng, thôn Sủng Chớ và Lù Cao Ván đặc biệt khó khăn nhất, có lẽ chẳng nơi nào nghèo hơn. Thôn Sủng Chớ có 66 hộ dân thì có tới 54 hộ nghèo, thôn Lù cao Ván có 32 hộ dân có 27 hộ nghèo. Là vùng cao núi đá, thiếu đất sản xuất, người dân nơi đây thu nhập chủ yếu trông chờ vào một vụ ngô, gia đình nào khá hơn nuôi được một vài con bò, con lợn theo các dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo.

Tới xã Sủng Cháng vào một ngày mưa bụi, đường lên thôn Sủng Chớ vẫn chỉ là đường đất, nên không thể đến được bằng xe máy. Chỉ cách trung tâm xã chừng 5km, nhưng phải sau gần 2 tiếng đi bộ, chúng tôi mới gặp được anh Sình Nỏ Pó, Bí thư chi bộ thôn Sủng Chớ. Chuyện trò với nhà báo, anh Pó nói tiếng Kinh chưa rõ, lúc lại lẫn cả tiếng Mông. 

ha-giang-van-con-1300-thon-ban-dac-biet-kho-khan

Nhiều thôn bản ở Hà Giang vẫn còn khó khăn.

"Không có ruộng chỉ trồng được vụ ngô. Có gì cũng không đi chợ bán được, có con bò đi bán cũng không vì không có đường"- anh Pó nói. 

Xã Sủng Cháng nằm ở khu vực vùng cao núi đá của huyện Yên Minh, đất sản xuất, nước sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, nên cuộc sống của trên 4.000 hộ dân gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 20 triệu đồng/năm. Hiện xã có trên 500 lao động đăng ký đi lao động ngoài tỉnh. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 các doanh nghiệp phía Nam ngừng hoạt động, nên 250 lao động người Sủng Cháng mất việc làm buộc phải quay trở về địa phương. Tiền chưa thấy đâu chỉ thấy mang theo về dịch Covid-19. Ông Ngô Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Sủng Cháng, cho biết: Hiện xã có khoảng 70% là hộ nghèo. Mặc dù được sự quan tâm của các cấp, các ngành với nhiều chương trình hỗ trợ nhưng đời sống của bà con vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại.

"Năm vừa rồi cũng được các cơ quan ban ngành các doanh nghiệp hỗ trợ 130 tấn xi măng cũng đổ được 2,5km đường mới chỉ được một nửa. Bà con cũng chỉ khắc phục được phần nào, khi được hỗ trợ tiếp, bà con sẽ tiếp tục huy động nhân công làm tiếp"- ông Ngô Văn Nghĩa cho biết.

Hà Giang có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 42%. Sau 5 năm thực hiện các chương trình, dự án, biện pháp xóa đói giảm nghèo, theo cấp độ từ cực kỳ khó khăn xuống khó khăn, Hà Giang đã giảm được 6 xã vùng 3, 38 xã vùng 2, nhưng lại tăng 41 xã vùng 1 và vẫn còn trên 1.300 thôn bản đặc biệt khó khăn. Ông Đặng Đình Nhiêu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, cho biết: Giai đoạn từ năm 2016- 2020 các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông và điện lưới cấp xã, tiếp theo sẽ thực hiện ở các thôn bản.

Giao thông tới nhiều thôn bản vẫn chưa có.

"Nỗ lực của nhân dân các dân tộc ở vùng khó khăn cũng đã góp sức thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Nguồn lực hỗ trợ Nhà nước và tại chỗ sức lực của nhân dân rất quan trọng. Hỗ trợ của Nhà nước rất quý nhưng thực tế cũng phải cần sức dân rất lớn. các chương trình lớp học, nhân dân hiến đất rất là lớn cũng phải có công sức của các cấp các ngành vào cuộc và nhân dân ủng hộ"- ông Đặng Đình Nhiêu cho biết.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những ngày này bà con tại nhiều thôn bản đã bắt đầu mổ lợn, làm bánh chuẩn bị đón Tết với niềm tin, hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn trong một năm mới. Những bếp lửa hồng như được sưởi ấm thêm qua sự sẻ chia của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm khắp nơi trên cả nước hướng về vùng biên cương còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.

theo Mạnh Phương / VOV.VN - 20/01/2022

link nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/ha-giang-van-con-1300-thon-ban-dac-biet-kho-khan-post919451.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hà Giang vẫn còn 1.300 thôn bản đặc biệt khó khăn

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc