Chạy đua thử nghiệm thuốc trị nCoV |
Viết bởi Mai Ngọc | |
Thứ năm, 06/02/2020, 10:56 GMT+7 | |
Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) đã nộp đơn xin cấp giấy phép để sử dụng thử nghiệm thuốc Remdesivir của Công ty Gilead Science (Mỹ). Nỗ lực tìm phương pháp điều trị hiệu quả bệnh viêm phổi do virus corona mới (nCoV) gây ra đang được đẩy nhanh giữa lúc tổng số ca nhiễm trên toàn cầu tăng lên 24.561 và số trường hợp tử vong là 492 người, trong đó có 490 nạn nhân ở Trung Quốc đại lục. Đáng chú ý, các bệnh nhân nhiễm nCoV tại Trung Quốc sắp được cho dùng thử một loại thuốc của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Science (Mỹ). Ông Merdad Parsey, Giám đốc điều hành Công ty Gilead Science, cho biết loại thuốc kháng virus có tên Remdesivir này đã chứng tỏ hiệu quả trong việc đối phó virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), virus tương tự nCoV, bên trong phòng thí nghiệm. Thuốc này đang được sử dụng trong 2 cuộc thử nghiệm với các bệnh nhân nhiễm nCoV có triệu chứng vừa và nặng ở Trung Quốc. Theo trang Bloomberg, Gilead Science đang tặng đủ liều thuốc Remdesivir để điều trị cho 500 bệnh nhân ở Trung Quốc và sẽ tăng cường nguồn cung trong trường hợp thuốc chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Các bệnh viện Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc thử nghiệm và kết quả sớm nhất sẽ có sau vài tháng tới, theo ông Parsey. Theo tờ South China Morning Post, Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) hôm 21-1 đã nộp đơn xin cấp giấy phép để sử dụng thử nghiệm thuốc Remdesivir. Thuốc này vẫn chưa được phê duyệt hoặc cấp phép ở bất cứ nơi nào trên thế giới nhưng sẽ được đưa vào thử nghiệm ở Trung Quốc. Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện Remdesivir và Chloroquine, một loại thuốc trị sốt rét 80 năm tuổi, có "hiệu quả rất cao" trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhằm tìm biện pháp đối phó nCoV. Tuy nhiên, Viện Virus học Vũ Hán cho hay 2 loại thuốc này đòi hỏi phải trải qua một số cuộc thử nghiệm lâm sàng nữa để biết rõ hơn về hiệu quả của chúng đối với người nhiễm nCoV. Theo Viện Virus học Vũ Hán, việc nộp đơn xin cấp phép vì lợi ích quốc gia và sẽ không đòi bản quyền nếu các công ty dược phẩm nước ngoài hợp tác với Bắc Kinh để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đang bắt tay với hãng dược Regeneron để phát triển thuốc điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV bằng cách sử dụng một loại thuốc giúp tăng tỉ lệ sống sót ở người nhiễm virus Ebola. Hai bên sẽ cùng phát triển các kháng thể đơn dòng để đối phó virus corona mới. Đây là một hướng chữa trị khác so với cách sử dụng thuốc kháng virus và trị cúm đang được xem là những biện pháp điều trị khả thi. Hồi năm ngoái, sản phẩm REGN-EB3 (hỗn hợp 3 kháng thể đơn dòng) của Regeneron đã giúp cải thiện đáng kể tỉ lệ sống ở bệnh nhân Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Công ty này cũng từng phát triển thuốc trị Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) theo cách tương tự. Với 11 ca nhiễm được xác nhận tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này hôm 4-2 đã cấp phép cho một số phòng thí nghiệm y tế công cộng có thể tự xét nghiệm chẩn đoán các trường hợp nhiễm nCoV. Theo kế hoạch, công tác xét nghiệm sẽ được thực hiện với bộ dụng cụ xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phát triển.
Theo Xuân Mai/Cafebiz.vn - 6/2/2020 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|