Luật Đất đai sửa đổi tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ hai, 23/02/2015, 13:52 GMT+7 |
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia đồng thời là điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế-xã hội. Tháng 7/2014, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên dịp đầu Xuân về nội dung này, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết một số ý kiến về thực hiện Luật Đất đai 2013 tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trước đây của người dân và doanh nghiệp. Năm 2014, ngành tài nguyên môi trường đã triển khai thành công nhiều hoạt động, trong đó nổi bật nhất là việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, góp phần tháo gỡ những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Ông Đào Trung Chính: Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2014. Cho đến nay, Luật đã quy định cụ thể những yêu cầu của Nhà nước đối với người sử dụng đất như bảo hộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; quy định quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi đủ điều kiện, kể cả trường hợp sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 cũng nhấn mạnh đến quyền được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó chú trọng hơn đến vấn đề an sinh xã hội như tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi; mở rộng quyền cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. Một điều đặc biệt là, Luật Đất đai 2013 đã quy định mở rộng hơn quyền tiếp cận đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, kinh doanh. Với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì việc áp dụng các quy định về thu hồi đất, hình thức giao đất, cho thuê đất đều bình đẳng như nhau. Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung những điều khoản mới về nâng cao vai trò giám sát của người dân. Ông có thể đưa ra những ví dụ điển hình cho thấy sự giám sát của người dân đã góp phần quản lý đất đai hiệu quả hơn? Ông Đào Trung Chính: Một trong những điểm đổi mới nổi bật của Luật mới này là tăng cường giám sát của người dân thông qua các tổ chức chính trị, mặt trận tổ quốc, cũng như sự tham gia trực tiếp của người dân vào các việc mà cơ quan Nhà nước ra quyết định hành chính về đất đai. Đơn cử như từ khâu quy hoạch, Luật quy định việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất các cấp phải lấy ý kiến của người dân. Sau khi có ý kiến của người dân thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có báo cáo tiếp thu và giải trình. Hay như vấn đề thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua danh mục các dự án thu hồi đất. Trong Luật Đất đai 2013, Quốc hội cũng đã yêu cầu phải hạn chế trường hợp Nhà nước thu hồi đất, thay vào đó phải tăng cường các giải pháp là người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Trên cơ sở đó, những trường hợp thuộc diện thu hồi thì được giao trách nhiệm cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh (đại diện cho người dân) xác định danh mục các dự án thu hồi đất. Trường hợp bồi thường hỗ trợ tái định cư cũng vậy, Luật quy định, trước khi phê duyệt phương án bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước phải xem quyền lợi của người dân đã đồng thuận và việc bố trí đất đã thỏa đáng hay chưa để có phương án điều chỉnh hợp lý. Để triển khai hiệu quả theo đúng yêu cầu Luật đã đề ra, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố số điện thoại (043.7957889) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, kịp thời có hướng giải quyết và xử lý. - Nói về việc giám sát đất đai, hiện nay có một số ý kiến cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu trong Luật Đất đai 2013 vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có chế tài xử lý. Vậy theo ông, trong việc giám sát lĩnh vực “nóng” này có cần phải quy định chế tài hay không, hoặc nếu không có chế tài thì cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu như thế nào? Ông Đào Trung Chính: Thực tế thì chúng ta đã có hẳn quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho người dân. Luật cũng đã có đề cập đến quy định xử phạt hành chính đối với việc cơ quan quản lý không cung cấp thông tin về đất đai. Theo tôi, nếu nói không có chế tài thì cũng không phải, tuy nhiên có một thực trạng là các cơ quan và người đứng đầu có thực hiện đầy đủ và nghiêm các quy định của Luật hay không thì quá trình triển khai cần phải có kiểm tra, giám sát để có sự điều chỉnh hợp lý. - Liên quan đến thị trường bất động sản, có ý kiến cho rằng trong thời gian qua chính sách về đất đai đã có tác động tích cực tới các hoạt động của thị trường. Những tác động này đã được quy định như thế nào, thưa ông? Ông Đào Trung Chính: Phải khẳng định là chính sách, pháp luật về đất đai có mối quan hệ rất chặt chẽ với thị trường bất động sản. Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cũng đã có những đổi mới đồng thời sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường bất động sản. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 đã quy định chặt chẽ về điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Luật cũng đưa chế tài mạnh về thu hồi đất mà không bồi thường đối với dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng sẽ giúp lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực để triển khai dự án... Ngoài ra, Luật còn quy định việc xây dựng khung giá đất, bảng giá đất định kỳ 5 năm nhưng khi có biến động thì điều chỉnh cho phù hợp với thị trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tính thu thuế, phí, bảo đảm Nhà nước không bị thất thu, góp phần hình thành một thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Thông qua quy định việc tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, xã hội hóa dịch vụ tư vấn xác định giá đất, việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng sẽ góp phần cải thiện hơn các dịch vụ hỗ trợ thị trường bất động sản, tạo điều kiện để thị trường hoạt động công khai, minh bạch. Theo DDDN
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|