top-banner-2

Thứ sáu, 13/06/2014, 09:04 GMT+7

Doanh nghiệp điêu đứng vì...'1 tỷ đồng' trong Thông tư 29

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ sáu, 13/06/2014, 09:04 GMT+7

Quy định DN phải đầu tư mua sắm tài sản cố định có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên mới được kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ là làm khó nhiều DN trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Lập DN rồi lại làm thủ tục giải thể chỉ sau 3 tháng được cấp phép, Cty TNHH MTV Phương Nguyên Phương (Đồng Nai) là một trong rất nhiều DN mới thành lập đã “chết dở” vì những bất cập từ Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 1/4/2014.

Sau 4 năm kinh doanh cung cấp các mặt hàng quần áo tự thiết kế, bà Nguyễn Thị Thu Phương đã thành lập Cty TNHH MTV Phương Nguyên Phương vào tháng 3/2014 để có tư cách pháp nhân giao dịch với khách hàng, đặc biệt là các DN. Theo quy định của Thông tư 219/2013/TT-BTC (TT 219), những Cty mới thành lập như Phương Nguyên Phương phải có tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; DN mới thành lập nếu có doanh thu trên 1 tỷ đồng mới được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, do không đáp ứng được những điều kiện trên, Cty TNHH MTV Phương Nguyên Phương vẫn phải sử dụng hóa đơn bán hàng trực tiếp như trước đây, nộp thuế GTGT theo tỉ lệ phần trăm doanh thu và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

vhdn-thong-tu-29

Những Cty mới thành lập phải có tài sản cố định từ 1 tỷ đồng trở lên mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; DN mới thành lập nếu có doanh thu trên 1 tỷ đồng mới được hoàn thuế GTGT.

Thiếu thực tế

Bà Nguyễn Thị Thu Phương – Giám đốc Cty TNHH MTV Phương Nguyên Phương cho biết: “Vấn đề đạt được doanh thu 1 tỷ đồng một năm thì DN của tôi không thể đạt được. Vì đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu xâm nhập vào thị trường đồng phục ở các KCN. Do vậy, mới đây tôi đã phải làm thủ tục giải thể DN”.

Trên thực tế, đáp ứng điều kiện xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ là rất khó khăn đối với DNNVV trong năm đầu tiên hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trước mắt, nhiều DN mới thành lập đã tính đến việc thỏa thuận ngầm với khách hàng không lấy hóa đơn đầu vào hoặc nhờ các DN khác xuất hóa đơn VAT cho đối tác của mình.

Một DN khác của Đồng Nai - ông Đào Ngọc Sơn – Giám đốc Cty Nam Chí Phát chia sẻ: “Với những hợp đồng giá trị trên 100 triệu thì đa số các DN đều có nhu cầu xuất hóa đơn đỏ mà không chấp nhận hóa đơn trực tiếp. Hiện tại Cty của tôi rất vướng mắc về vấn đề này. Thay vì chúng tôi được trực tiếp xuất hóa đơn thì bây giờ phải thuê một Cty khác có thể xuất hóa đơn VAT làm thay cho chúng tôi. Trong kinh doanh mà làm lâu dài thế này thì sẽ dễ bị mất khách hàng”.

Có thể, quy định DN mới thành lập phải đáp ứng tiêu chí mua sắm tài sản trên 1 tỷ đồng mới được sử dụng phương pháp khấu trừ thuế hạn chế tình trạng DN thành lập mới với mục đích mua bán hóa đơn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Cty Luật Việt Á, trên thực tế, có rất nhiều DN mới thành lập là đơn vị thương mại, dịch vụ, tư vấn nên việc đầu tư ban đầu không cần thiết phải mua sắm tài sản đến 1 tỷ đồng. Đây chính là bất cập của Nghị định 219.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: “các DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ gặp nhiều bất lợi đối với quy định này. Bởi vì, khi họ mua nguyên vật liệu đầu vào sẽ bị tốn thuế giá trị gia tăng đầu vào là 10%, tuy nhiên, đầu ra họ chỉ được sử dụng hóa đơn trực tiếp. Điều này đã gián tiếp gây thiệt hại 10% chi phí thuế cho DN, giảm sự canh tranh giữa các DN hoạt động lâu năm và DN mới thành lập”.

Chờ mong sự điều chỉnh         

Trước những điều bất hợp lý mà các DN mới thành lập cũng như chính DN mình đang phải gánh chịu, ông Sơn đề nghị Bộ Tài chính cần sớm điều chỉnh quy định này, tốt nhất là điều chỉnh mức đầu tư tối thiểu khoảng 100 – 200 triệu trở lên hoặc cho DN cam kết sẽ đầu tư tài sản cố định có giá trị 1 tỷ đồng trở lên theo lộ trình từ khi thành lập đến 3 năm sau chẳng hạn.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Cty Luật Việt Á: Quy định DN có doanh thu 1 tỷ trở lên trong năm 2014 thì từ năm 2015 sẽ được sử dụng hóa đơn thuế GTGT cũng chưa hợp lý. Bởi lẽ, có những DN chỉ cần 6 tháng đầu năm đã có doanh thu 1 tỷ cũng buộc phải sử dụng hóa đơn bán hàng đến hết năm 2014. Đây là một thiệt thòi cho DN. Nên chăng, trong trường hợp DN có thể đạt được mức doanh thu 1 tỷ đồng trong 6 tháng thì cũng có thể được xuất hóa đơn GTGTngay thay vì phải đợi đến hết năm 2014 sang năm 2015. Nếu cứ quy định cứng nhắc như TT 219, các DN lỡ hết cơ hội kinh doanh. Mặt khác, quy định này có thể sẽ phát sinh tình trạng các DN mua bán hóa đơn lẫn nhau để đáp ứng quy định, đáp ứng nhu cầu xuất hóa đơn GTGT của khách hàng. Mà thực tế là đa số các DN mới thành lập phải “xoay” bằng cách này. Như vậy, vô tình lại tạo thêm đất sống cho các DN mua bán hóa đơn.

Ông Tuấn cho rằng, để khuyến khích các DN nhỏ và siêu nhỏ mới thành lập và tạo điều kiện cho các DN này có môi trường cạnh tranh lành mạnh, có lẽ cần xem xét và sớm điều chỉnh lại quy định này. Nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các DN rất cần những điều luật, quy định mang tính bệ đỡ và công bằng thay vì phải gồng mình gánh thêm những hệ lụy từ luật lệ.

Theo DDDN

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nghiệp điêu đứng vì...'1 tỷ đồng' trong Thông tư 29

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc