Không có đặc quyền cho DNNN trong Luật DN sửa đổi |
Viết bởi lehang | ||
Thứ sáu, 14/03/2014, 12:53 GMT+7 | ||
Chiều 13/3, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã cho ý kiến về 2 dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.
Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các ý kiến đều cho rằng dự Luật quy định một chương riêng về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ dễ gây “phản cảm” khi đây là văn bản quy định về loại hình pháp lý doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Nếu quy định sẽ làm sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp, có thể tạo ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không nên quy định Chương về DNNN mà chuyển nội dung này sang Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, vẫn có thể thiết kế Chương về DNNN tại dự Luật. Theo đó, chỉ cần quy định vấn đề quản trị đặc thù chứ không có quy định về quyền lợi cho DNNN. “Ý tứ của quy định này là tiền của Nhà nước giao cho doanh nghiệp tiêu thì Nhà nước phải có cách biết được số tiền đó được dùng có hiệu quả không? Do vậy, cần làm rõ những hoạt động nào của DNNN khác với các doanh nghiệp khác”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói thêm về việc có thể quy định một Chương riêng về DNNN tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo dự thảo Luật, các vấn đề của DNNN được quy định tại Chương VII, xác định vai trò và chức năng của DNNN và từng DNNN, xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, quy định cụ thể về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn Nhà nước trong doanh nghiệp, nguyên tắc quản trị DNNN dưới hình thức công ty TNHH MTV; yêu cầu công khai thông tin định kỳ và bất thường. Ngoài nội dung trên, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh dự kiến sau khi thành lập ở hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án này sẽ là một bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp như quy định của Hiến pháp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng được cơ hội kinh doanh… Trước những lo ngại về hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp sẽ giảm đi khi quy định như trên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ không xảy ra chuyện này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, sắp tới giấy đăng ký kinh doanh sẽ có các phụ lục ghi các ngành nghề bị cấm và các ngành nghề có điều kiện, doanh nghiệp cứ “chiểu” theo đó mà hoạt động. Sau 1 năm hoạt động, doanh nghiệp phải quay lại cơ quan cấp phép báo cáo về hoạt động, số lượng lao động và các yêu cầu khác. Nếu thấy doanh nghiệp hoạt động vi phạm pháp luật, cơ quan cấp phép sẽ báo cho cơ quan có trách nhiệm để xử lý. Việc “hậu kiểm” hoạt động của doanh nghiệp cũng được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ công khai để toàn xã hội giám sát thì sẽ hiệu quả hơn là chỉ có Nhà nước giám sát. Giữ lại 4 loại dự án phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư Đối với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự thảo đã bỏ nhiều loại dự án phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chỉ giữ lại 4 loại dự án muốn được triển khai thì phải có loại giấy này gồm: Dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất; dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện; dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; dự án thuộc diện hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Quy định này được áp dụng thống nhất cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Giải thích lý do này, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Giấy chứng nhận đầu tư trên thực tế không có ý nghĩa nhiều với doanh nghiệp, tạo gánh nặng trong thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư và trùng lặp chức năng quản lý Nhà nước. Trong quá trình làm dự án, doanh nghiệp không đáp ứng đủ các tiêu chí của dự án thì khi ra cơ quan thuế cũng không được hưởng ưu đãi như ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Việc bỏ loại giấy này ở nhiều loại dự án đầu tư cũng không làm giảm công cụ quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư cần cấp loại giấy này để thực hiện các thủ tục liên quan như huy động vốn thì cơ quan Nhà nước vẫn có thể cấp. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quy định này của dự án Luật. Đối với cơ chế đầu tư ra nước ngoài, dự án Luật cũng bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan quản lý ngoại hối. Tuy nhiên có ý kiến e ngại quy định này gây khó khăn đối với cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, hơn nữa cơ quan quản lý ngoại hối cũng không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư. Tuy nhiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cách này sẽ thay đổi phương thức quản lý Nhà nước sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài (chứ không quản lý toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp) trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm nhà đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành, góp phần cải cách thủ tục hành chính. Góp ý vào nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sẽ phải làm rõ hơn vai trò quản lý của Nhà nước với các loại hình doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài thì không cần phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng với DNNN đầu tư ra nước ngoài thì cần kiểm soát chặt chẽ. Hiện 2 dự án Luật trên đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến rộng rãi. Sắp tới, Chính phủ sẽ họp để cho ý kiến, trước khi chuyển sang các cơ quan của Quốc hội thảo luận. Theo Chinhphu Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|