Đề xuất tăng kỳ nghỉ cho học sinh: Có dám thay đổi tư duy quản lý? |
Viết bởi Mai Ngọc | |
Thứ hai, 24/02/2020, 14:45 GMT+7 | |
Không thể bắt trẻ em vùng xa xôi hẻo lánh phải giống trẻ em ở miền xuôi. Chính sách công bằng trong giáo dục không có nghĩa là cào bằng cho tất cả. Đưa ra quan điểm bình luận về đề xuất cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra mới đây, Ths Nguyễn Sóng Hiền, chuyên gia giáo dục, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Giáo dục học ĐH New Castle (Australia) cho rằng không nên quy định cứng nhắc 4 kỳ nghỉ mỗi năm. Ths Nguyễn Sóng Hiền cho rằng không nên quy định cứng nhắc mỗi năm 4 kỳ nghỉ. (Ảnh: NVCC) PV: Ông có bình luận gì về đề xuất cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm, thay vì nghỉ duy nhất một kỳ nghỉ hè như hiện nay? Ths Nguyễn Sóng Hiền: Hầu hết các quốc gia trên thế giới hệ thống giáo dục phổ thông đều có hai học kỳ chính. Do sự khác biệt về văn hoá, điều kiện tự nhiên và xã hội, sự phân chia học kỳ này có sự khác nhau. Ở Mỹ, học kỳ 1 bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 3, học kỳ 2 từ tháng 10 đến tháng 4. Tại Australia kỳ học 1 bắt đầu từ tháng 8 kết thúc vào cuối tháng 12 và kỳ 2 từ tháng 1 đến tháng 5. Tại Nhật, học kỳ 1 bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 9. Học kỳ sau từ tháng 10 đến tháng 3. Tuy nhiên, ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển này, các trường học có quyền tự chủ cao, bởi vậy các trường có thể tuỳ vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường để phân chia hai học kỳ chính thành 3 hay 4 học kỳ nhỏ tạo ra những kỳ nghỉ ngắn giữa các học kỳ nhỏ chứ không tập trung nghỉ vào một thời điểm nhất định như kỳ nghỉ hè ở Việt Nam. Chẳng hạn ở Australia, hầu hết các trường phổ thông đều chia thành 4 học kỳ nhỏ, mỗi học kỳ dài khoảng 10 tuần (2.5 tháng), thời gian nghỉ giữa kỳ từ 1-2 tuần. Chỉ duy nhất kỳ nghỉ cuối năm là 6 tuần vì dồn chung cả nghỉ Tết và nghỉ giữa kỳ. Đối chiếu với Việt Nam hiện nay, kỳ nghỉ hè kéo dài dẫn đến các trường phải dồn lịch học và lịch dạy liên tục trong 9 tháng, khiến học sinh bị quá tải và áp lực về tiến độ hoàn thành chương trình. Điều này cũng khiến cả thầy và trò đều mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Sự khác biệt lớn nhất dễ nhận thấy giữa giáo dục Việt Nam và các nền giáo dục phát triển khác là tính tự chủ trong giáo dục còn hạn chế hay nói cách khác duy trì sự “đồng phục” trong hệ thống nhà trường còn tồn tại quá lâu. Điều này đến sự bị động trong mọi hoạt động giáo dục, làm giảm thiểu sự linh hoạt và ứng phó kịp thời với các sự kiện của xã hội. Chỉ có tự chủ, các cơ sở giáo dục mới có thể phát huy hết khả năng và sự chủ động của mình cũng như gánh vác lấy tránh nhiệm và sứ mệnh của mình được giao phó. Chỉ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm mới có tư duy đổi mới mới thúc đẩy sự phát triển trong hệ thống giáo dục. Các trường học chung một khuôn mẫu. Học sinh đào tạo như nhau dù chúng rất khác biệt. Theo đó, tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT có thể quy định chung 2 kỳ nghỉ trong năm phù hợp với các kỳ thi quan trọng của mỗi cấp. Dựa trên hai kỳ nghi chung đó các địa phương và các trường có thể phân chia các kỳ nghỉ nhỏ hơn phù hợp với các điều kiện khí hậu, địa lý, bối cảnh văn hoá, kinh tế và xã hội của mỗi địa phương. PV: Để thay đổi các kỳ nghỉ của học sinh hiện nay, theo ông cần có những bước đi cụ thể ra sao? Ths Nguyễn Sóng Hiền: Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT cần giao quyền tự chủ hơn cho các trường cũng như các địa phương chủ quản trong các hoạt động giáo dục, để các địa phương chủ động hơn trong hoạt động giáo dục do mình chủ quản, tiến tới xây dựng cơ chế tự chủ trong trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tôi cho rằng không nên quy định cứng nhắc chia thành 2 kỳ hay 4 kỳ nghỉ vì đặc điểm khí hậu, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam rất khác nhau. Nếu rập khuôn sẽ gây ra nhiều bất cập trong quá trình vận hành và phát triển giáo dục ở mỗi vùng miền, địa phương. PV: Nếu giao việc cân đối, quyết định thời gian các kỳ nghỉ trong năm dài ngắn ra sao cho các địa phương, liệu có gặp trở ngại gì khi áp dụng vào thực tế không, thưa ông? Ths Nguyễn Sóng Hiền: Tại nơi tôi đang nghiên cứu và làm việc như Australia, quyền tự chủ về giáo dục ở mỗi trường và bang rất cao, từ đó tạo ra cơ chế linh hoạt trong quá trình vận hành và phát triển hệ thống giáo dục của mỗi vùng. Không bao giờ tồn tại cơ chế rập khuôn và mệnh lệnh trong điều hành và quản lý giáo dục ở những quốc gia có nền giáo dục phát triền như vậy. Còn tại nước ta hiện nay, điều đáng quan ngại nhất là năng lực quản lý và điều hành giáo dục của đội ngũ quản lý giáo dục. Liệu các giám đốc sở GD-ĐT, các hiệu trưởng các trường phổ thông có dám thay đổi tư duy quản lý giáo dục của mình khi cơ chế tự chủ được thực thi. Xây dựng bất kỳ chính sách giáo dục nào đều cần cái nhìn tổng thể để có thể áp dụng một cách đa dạng và linh hoạt cho các vùng miền. Xây dựng chính sách giáo dục phải tôn trọng sự khác biệt vùng miền, tôn trọng sự đa dạng của văn hoá mỗi địa phương, tôn trọng và quan tâm đến những vùng giáo dục bị bất lợi như các vùng cao, vùng hải đảo... không thể bắt trẻ em ở những nơi vùng xa xôi hẻo lánh, những vùng dân tộc thiểu số có nhiều bất lợi về điều kiện giáo dục phải giống trẻ em ở miền xuôi, thành phố. Chính sách công bằng trong giáo dục không có nghĩa là cào bằng cho tất cả. Do đó, việc thiết kế 2,3,4 hay 5 kỳ nghỉ hãy để cho các địa phương và mỗi trường tự quyết miễn là đảm bảo đúng tiến độ của chương trình tổng thể. PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - 24/2/2020 Link nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/de-xuat-tang-ky-nghi-cho-hoc-sinh-co-dam-thay-doi-tu-duy-quan-ly-1014027.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|