Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Sẽ là một ‘ngôi sao cô đơn’? |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ tư, 06/03/2019, 14:31 GMT+7 |
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông khi đưa vào vận hành khai thác thương mại thì tốc độ sẽ nhanh hơn xe máy và giá vé rẻ hơn Grab.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ nhanh hơn xe máy và rẻ hơn Grab. Tuy nhiên, ông thừa nhận, nếu chỉ có một tuyến Metro thì vẫn chỉ là… "ngôi sao cô đơn", để phát huy hiệu quả phải kết nối giữa các loại hình vận tải khác như xe buýt, taxi, xe máy. Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này. Nhanh hơn xe máy và rẻ hơn Grab - Xin ông cho biết cơ sở tính toán xây dựng mức giá vé tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông? Ông Vũ Hồng Trường: Cách đây 2 năm, JICA (Nhật Bản hỗ trợ dự án kỹ thuật thành lập Công ty vận hành đường sắt đô thị trong đó giúp xây dựng chính sách giá vé. Phương án giá vé của Nhật xây dựng dựa trên kinh nghiệm chung trên thế giới tồn tại 3 cách tính giá vé là giá đồng hạng, giá vé theo khu vực, giá vé theo cự ly (theo chặng). Ở Việt Nam hiện nay đang áp dụng một hình thức là giá vé đồng hạng như xe buýt chia 3 loại tuyến (ngắn 7.000 đồng cho tuyến dưới 15km, 8.000 đồng cho tuyến từ 15-25km, 9.000 đồng với những tuyến dài trên 25km). Vé này có ưu điểm đơn giản, dễ quản lý nhưng có mặt hạn chế không khuyến khích những người đi chặng ngắn. Để có phương án giá vé, Công ty kết hợp thực tiễn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với kết quả điều tra khảo sát ý kiến của khách hàng rồi từ đó xây dựng nên chính sách giá vé, kế thừa sản phẩm của JICA tài trợ và cập nhật số liệu của Hà Nội sau đó đưa ra 3 phương án. Mức giá vé đưa ra dựa vào 5 căn cứ gồm thu nhập và chi trả của người dân tính toán sao cho phù hợp; so sánh cạnh tranh giữa các loại hình phương tiện vận tải; kết quả khảo sát ý kiến của người dân; tính toán dự toán chi phí vận hành; cân đối khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước từ đó đưa đc phương án giá vé. Mức trợ giá của Nhà nước đối với tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn đầu là hơn 50%. Cụ thể, về giá vé lượt, phương án một có giá là 6.000 đồng + 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Phương án 2 là giá 7.000 đồng + 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Phương án 3 giá mở cửa là 8.000 đồng tương đương xe buýt trung bình + 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Hà Nội Metro tính ra cự ly đi bình quân của hành khách theo khảo sát là 5,5km. Giá vé tháng cho đối tượng phổ thông là 150.000 đồng, 200.000 đồng và 250.000 đồng. Công ty kiến nghị áp dụng phương án hai đó là vé tháng 200.000 đồng và vé lượt là 7.000 đồng + 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Giai đoạn đầu áp dụng ưu đãi miễn giảm cho học sinh sinh viên, người già, công nhân tại các khu công nghiệp, người có công cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi… theo Nghị quyết 03 của thành phố Hà Nội nhưng chính sách miễn giảm chỉ có xe buýt nên lần này bổ sung thêm metro. Phương án trình phù hợp với khảo sát mong muốn của người dân Ngoài ra, Công ty cũng đề nghị thêm giá vé ngày là 30.000 đồng (tương đương 2 lần của toàn tuyến nhưng đi thoải mái trong ngày) vì 95% người được hỏi tối thiểu phải đi thiểu một lần và mời bạn bè đi cùng, mục đích là kéo thêm người thân đi. - So với xe buýt, giá vé đường sắt đô thị sẽ có điểm gì mới, thưa ông? Ông Vũ Hồng Trường: Đường sắt đô thị có điểm mới áp dụng giá vé theo chặng, đảm bảo tính công bằng khuyến khích người đi chặng ngắn, theo quy luật và khảo sát cự ly càng xa thì giá càng giảm, chống ùn tắc giao thông. Vé theo chặng xác định chính xác khách lên xuống ở các ga nhằm hoạch định quy hoạch tổ chức vận tải để không lãnh phí nguồn lực xã hội. Vé tháng đồng hạng giống xe buýt nhưng khác là hết tháng coi như hết giá trị sử dụng. Người đi công tác về vào giữa tháng sẽ không mua nữa vì nếu đi 5-10 ngày sẽ không rẻ hơn so với vé lượt. Mua vé đông vì tập trung những ngày cuối và đầu tháng. Riêng vé tháng đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ tính từ ngày bắt đầu mua cộng thêm 30 ngày. Hơn nữa, nếu hành khách đi một lượt giá vé theo chặng làm tròn, nhưng khách dùng thẻ ATM thanh toán thì sẽ trừ chính xác số tiền gốc chứ không tính giá tròn vé chặng. Giá vé này cao hơn xe buýt, dịch vụ tốt hơn, tốc độ lớn hơn gấp 2 lần so với xe buýt (đi hết 12 phút từ đầu ga Cát Linh-Hà Đông với tốc độ tàu 35km/giờ so xe buýt là 14-16km/giờ). Cũng giống như xe buýt từ những năm 2000 có tiêu chí "Xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy" thì Slogan của Hà Nội Metro sẽ là "Metro nhanh hơn xe máy và rẻ hơn Grab". Metro, xe buýt, taxi là… anh em một nhà - Nhiều người thắc mắc đến công nghệ kiểm soát thẻ vé trong trường hợp hành khách gian lận hành trình như đi 2 ga nhưng tới ga 3 xuống thì sẽ truy thu hay thanh toán ra sao? Ông Vũ Hồng Trường: Khi hành khách lên ga mua vé theo chặng sẽ có máy bán tự động và hiện số tiền trả, nạp tiền vào sẽ nhả vé. Khi vào hay ra đều phải nhét thẻ vé qua cửa soát vé, đúng cửa mới cho ra khỏi ga. Trong trường hợp đi quá số ga mà khách mua vé, cửa sẽ không mở và thông báo hành khách phải trả thêm tiền tương ứng với số ga khách xuống. Trường hợp không trả, gian lận, Công ty sẽ có quy chế và lực lượng an ninh để hỗ trợ trong việc thu tiền. Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đường sắt Hà Nội. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) - Một số ý kiến vẫn tỏ ra ái ngại trong việc bố trí điểm kết nối giao thông giữa các loại hình với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, ông giải thích như thế nào? Ông Vũ Hồng Trường: Một tuyến đường sắt đô thị chưa giải quyết được gì nhiều nhưng đánh dấu mở đầu phương thức giao thông công cộng mới và giữ vai trò chủ đạo tương lai của Hà Nội. Một tuyến Metro chỉ là… "ngôi sao cô đơn", để phát huy hiệu quả phải kết nối. Quan điểm cá nhân là đường sắt đô thị giữa các loại hình (taxi, buýt, xe máy) không phải là cạnh tranh mà là anh em một nhà cung cấp những dịch vụ tối ưu và cần thiết đồng thời hạn chế xe cá nhân . Hiện, Hà Nội có 34 tuyến xe buýt đang vận hành kết nối dọc-ngang với đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh chỉ còn 1-2 tuyến trùng để phục vụ khách đi chặng ngắn hoặc không đi Metro, còn lại điều chỉnh kết nối ngang để chung chuyển hành khách, tối thiểu điểm dừng đỗ có 2-3 tuyến xe buýt kết nối ngang, Sở cũng kẻ vẽ biển báo điểm lên nhà ga metro; ưu tiên vỉa hè 500m trở lại để trông giữ xe cá nhân. - Vậy, bao giờ dự án sẽ đưa vào vận hành khai thác thương mai, thưa ông? Ông Vũ Hồng Trường: Hà Nội vẫn chờ Bộ Giao thông Vận tải bàn giao, phấn đấu mốc ngày 1/4 tới đây. Phía Hà Nội lúc nào cũng sẵn sàng tuy nhiên hiện nhiều vấn đề chưa thực hiện xong và do nhà thầu quyết định, Hà Nội Metro không thể chủ động. - Xin cảm ơn ông. Theo Việt Hùng (TTXVN/Vietnam+)/CafeF.vn - 6/3/2019 Link nguồn: http://cafef.vn/tuyen-duong-sat-do-thi-cat-linh-ha-dong-se-la-mot-ngoi-sao-co-don-20190306104846297.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|