Xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao: Chỉ nên làm một số tuyến! |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ sáu, 16/11/2018, 16:03 GMT+7 |
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam rất đắt. Vì thế, nếu làm thì chỉ nên làm một số tuyến mà thôi chứ không nên đặt mục tiêu Bắc – Nam. Chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao rất đắt Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (nối Hà Nội với TP.HCM) tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng liệu việc xây dựng đường sắt tốc độ cao ở thời điểm hiện tại đã thật sự phù hợp hay chưa? Có lo ngại sẽ nợ công hay không. Dự án này có trị giá 58,71 tỷ USD, sẽ ưu tiên xây dựng trước hai đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM với mục tiêu đi vào vận hành trong năm 2032. Bên hành lang Quốc hội, PV đã lắng nghe những phân tích của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng đường sắt cao tốc, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vấn đề của đường sắt cao tốc là tính hiệu quả, tất nhiên là hiệu quả về kinh tế tài chính, kinh tế xã hội chứ không phải thuần túy về tài chính. Nhưng, hiệu quả kinh tế xã hội giống như đầu tư công cũng phải được đo bằng các tiêu chí khách quan, cuối cùng phải làm sao để nền kinh tế phát triển hơn, với chi phí không vượt quá khả năng của nền kinh tế. Cho nên, ngay cả đường sắt cao tốc, nhìn lại ở các nước không phải nước nào trình độ phát triển thấp cũng xông vào làm đường sắt cao tốc. Bước đầu tiên là cải tiến xây dựng hệ thống đường sắt tiện lợi, an toàn và đổi mới để đạt được chuẩn chung. Đó là, điều hiện nay Việt Nam nên làm chứ không phải đi vào cao tốc”. Nói về việc cải cách ngành đường sắt, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: “Đường sắt nước ta hiện nay có một đường, trong khi đó các nước khác có 2, 3 đường sắt. Chỉ riêng chuyện có nhiều đường sắt, tốc độ cũng đã nhanh lên rồi, chứ không phải tránh lẫn nhau. Hiện nay, khổ đường sắt nước ta quá nhỏ, không thể chạy nhanh được. Nên chỉ cần nâng chuẩn khổ đường sắt lên thì đã nhanh hơn. Hiện nay, cố gắng nên phủ mạng lưới đường sắt rộng hơn, nâng tốc độ bình quân lên khoảng 120km/h, làm cho tiện lợi hơn, làm cho đường sắt trở thành phương tiện công cộng phổ biến hơn với người dân, với hàng hóa”. Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao (Ảnh minh họa). “Tôi muốn nói rằng, đường sắt cao tốc là thứ mình chưa có, cái nên làm là cải cách mở rộng cái hiện hữu, bởi nhiều khu vực trong nước ta chưa có đường sắt, trong khi đó các nước khác mạng lưới đường sắt rất rộng khắp. Việc cải cách cái hiện hữu phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, phù hợp với nhu cầu cấp bách của Việt Nam. Còn đường sắt cao tốc xây dựng rất đắt, nên nếu làm thì chỉ nên làm một số tuyến, chứ không nên đặt mục tiêu Bắc – Nam. Ví dụ như tuyến đường sắt Bắc – Nam cần có một số tuyến làm cao tốc như: Đường sắt cao tốc Hà Nội – Vinh, còn từ Vinh vào trong TP.HCM lại đi thường cũng không vấn đề gì, nhưng điều kiện là đường sắt cũ phải được mở rộng, nâng cấp rồi, chứ không phải như đường sắt hiện nay. Còn nếu đặt ngay vấn đề phải xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tôi thấy tại các nước khác trình độ cũng như nước ta, họ cũng không làm vậy. Họ phải phát triển tương đối cao rồi mới làm cao tốc, bởi chi phí đắt đỏ, người dân không kham nổi hoặc Nhà nước phải bù lỗ rất lớn”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói. Phải phân kỳ, phân đoạn Cũng bày tỏ quan điểm của mình xoay quanh việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay: “Hình thù đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S, như vậy giao thông là chạy dọc nên việc xây dựng đường sắt là phương tiện rất tốt trong phát triển giao thông và trong bối cảnh đất nước trải dài, tạo ra sự kết nối khai thác thế mạnh của vùng này với vùng khác. Nên câu hỏi, Việt Nam có cần đầu tư đường sắt hay không, tôi cho rằng rất cần, bởi chúng ta chỉ có duy nhất một tuyến đường sắt và đã xây dựng hàng chục năm qua. Như vậy, việc xây dựng đường sắt phải đầu tư ở mức độ nào? Đầu tư đường sắt ở mức độ thông thường hay đường sắt cao tốc… điều này phụ thuộc vào vốn đầu tư. Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, đầu tư đường cao tốc chi phí quá lớn, còn đầu tư đường sắt bình thường thì tốn ít tiền hơn. Tuy nhiên, xu thế phát triển của thế giới không chỉ dừng lại ở tốc độ chậm, thời gian là vấn đề nên với xu thế như vậy, việc phát triển ở tốc độ cao và chuyển sang đường sắt cao tốc ở tốc độ cao là tất yếu. ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng việc xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao là cần thiết, nhưng cần phân kỳ, phân đoạn để không gây quá tải về đầu tư, phá trần nợ công. Tất nhiên, chi phí bỏ ra là đầu tư rất lớn, nhưng mục tiêu mà mình hướng đến là gì? Một tuyến đường sắt không chỉ hoạt động 50 năm, mà còn nhiều trăm năm. Muốn có một tuyến đường sắt hoạt động nhiều trăm năm thì rõ ràng phải đầu tư bài bản, kiên cố chứ không thể nói là đầu tư tạm thời rồi sau sửa lại sẽ vô cùng lãng phí và không bao giờ đuổi kịp được sự tiến bộ của thế giới. Nên, phải chấp nhận đầu tư cơ bản ngay từ đầu, đồng thời tạo ra nền tảng. Nên, không được đặt mục tiêu tiết kiệm mà đặt mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững và hiệu quả”. Trước băn khoăn về việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam mất nhiều vốn, vậy giải pháp nào để có thể hoàn thiện được dự án này? ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết thêm: “Phải phân kỳ, phân đoạn ra chứ không thể làm một mạch ngay được. Làm thế nào để vẫn đầu tư được cơ bản, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo không tạo ra sức chịu đựng quá lớn của nền kinh tế..." Theo Thanh Lam/Nguoiduatin.vn - 16/11/2018 Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/xay-dung-duong-sat-bac-nam-toc-do-cao-chi-nen-lam-mot-so-tuyen-a411146.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|