Sắp có quy định mới về nhập khẩu thiết bị cũ |
Viết bởi Nam Anh |
Thứ năm, 21/12/2017, 09:41 GMT+7 |
Ngày 20-12, Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản 2017 tại TP HCM do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP HCM (JBAH) tổ chức đã giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của các DN Nhật. Về ý kiến của JBAH muốn biết diễn biến mới liên quan kiến nghị của tổ chức này đối với quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng trên 10 năm vào Việt Nam gây cản trở hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất của các DN Nhật trong thời gian qua, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho rằng việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được quy định cụ thể tại Thông tư 23 ban hành năm 2015 nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu máy móc, thiết bị quá cũ vào Việt Nam. Ngay từ khi ban hành, quy định này đã vấp phải sự phản ứng của DN trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu đưa các nội dung quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương cho phù hợp thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Nghị định mới được soạn thảo theo hướng bỏ quy định "tuổi" chung cho tất cả các loại máy móc, thiết bị nhập vào Việt Nam mà sẽ có tiêu chuẩn riêng cho từng loại. Các bộ, ngành sẽ đề xuất "tuổi" cho máy móc, thiết bị ngành mình sử dụng, những máy móc, thiết bị không thuộc sự quản lý của bộ, ngành sẽ áp dụng theo Thông tư 23. Chẳng hạn, máy móc, thiết bị cho ngành cơ khí và công cụ có thể đã qua sử dụng đến 20 năm; máy móc, thiết bị ngành chế biến lương thực, thực phẩm thì không quá 10 năm… Đông đảo doanh nhân Nhật tham dự Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản 2017 Ngoài vướng mắc về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực môi trường - đời sống, pháp luật - lao động, thuế, hải quan cũng được trao đổi, giải đáp trực tiếp hoặc ghi nhận để kiến nghị lên cấp trên. Theo đánh giá của JBAH, các cơ quan chức năng TP HCM đã phản hồi nhanh, tích cực và có chấn chỉnh, cải thiện những bất hợp lý do các DN Nhật phản ánh. Cụ thể, hải quan đã xử lý tốt kiến nghị cung cấp danh mục cấm nhập khẩu và địa điểm cung cấp thông tin về danh mục cấm nhập khẩu, giúp giảm các trường hợp bị xử lý không hợp lý và đã cải thiện tình trạng thu lệ phí không chính thức khi thông quan. Riêng lĩnh vực thuế, vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn liên quan đến các yêu cầu bất hợp lý của nhân viên thuế trong thủ tục hoàn thuế. Hội nghị bàn tròn DN Nhật Bản là hoạt động thường niên giữa chính quyền TP HCM và JBAH đã được duy trì suốt 16 năm qua nhằm hiện thực hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư của TP HCM, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP HCM không chỉ kêu gọi đầu tư mà còn hỗ trợ các DN trong suốt quá trình hoạt động tại TP. Chính quyền TP HCM luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến đóng góp của cộng đồng DN Nhật Bản, vì lợi ích của các DN và sự phát triển chung của TP. Theo ông Tuyến, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Nhật Bản hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ ba và là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại TP HCM với 1.110 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt 3,95 tỉ USD. Theo Thanh Nhân - nld.com.vn - 21/12/2017 Link nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/sap-co-quy-dinh-moi-ve-nhap-khau-thiet-bi-cu-20171220205800702.htm Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|