top-banner-2

Thứ hai, 16/10/2017, 15:05 GMT+7

Đề xuất hỗ trợ người dân có ‘nhà biến thành hầm’ do nâng đường

Viết bởi Nam Anh   
Thứ hai, 16/10/2017, 15:05 GMT+7

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 8.431 nhà dân bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường, hẻm. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng nhà biến thành hầm khiến nước tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn. Trong khi đó, pháp luật lại chưa có quy định hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng.

nha-bien-thanh-ham-do-nang-duong-vanhoadoanhnhan

Sở Xây dựng TP.HCM đã có tờ trình về mức hỗ trợ cho chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông có cao độ chênh lệch so với cao độ hiện hữu.

Sở Xây dựng cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố đã có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường, hẻm có thu hồi đất. Những hộ dân bị ảnh hưởng đều được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Tuy nhiên, thành phố cũng có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp nhưng không mở rộng đường, hẻm. Các hộ dân có một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở bị hạn chế sử dụng lại không được bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước không thu hồi đất. Trong khi đó, pháp luật cũng chưa có quy định hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cao độ các tuyến đường, hẻm được nâng lên lớn hơn hoặc bằng 2m trong khi cao độ nền hiện hữu nhà dân là 1,3-1,4m. Một số nhà dân không đủ điều kiện để nâng nền lên cho đồng bộ dẫn đến nền nhà thấp hơn cốt cao độ hoàn thiện của nền đường, hẻm.

Chưa kể, một số tuyến hẻm chỉ nâng cấp độ mà không xây dựng hệ thống thu gom nước chảy tràn. Điều này đã khiến nước tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn, không kết nối được giao thông, không đấu nối hệ thống thoát nước ra cống chính gây ngập cục bộ.

Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất hỗ trợ 262.070 đồng/m2 đối với trường hợp sửa chữa cải tạo nâng nền, 398.192 đồng/m2 đối với cải tạo mặt bằng và chi phí cải tạo mặt tiền cộng cấp thoát nước khoảng 12,1 triệu đồng/trường hợp.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, mức độ ảnh hưởng được hỗ trợ là những trường hợp nền nhà dân chênh lệch với mặt đường, hẻm từ 0,3m trở lên hoặc nhà còn khả năng cải tạo hoặc không còn khả năng cải tạo sau khi nâng cấp đường, hẻm.

Việc hỗ trợ được thực hiện theo 2 phương án, đó là hỗ trợ bằng tiền mặt không hoàn lại, lấy từ nguồn kinh phí thực hiện dự án, thuộc chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư (không áp dụng cho dự án ngoài ngân sách) hoặc là hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn ưu đãi đối với những trường hợp có nhu cầu vay.

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, tổng số nhà bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường, hẻm là 8.431. Cụ thể, tại quận 6 từ năm 2004 đến 2007, tiểu dự án nâng cấp đô thị cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm khi nâng đường đã khiến nhà dân thấp hơn mặt đường 0,5m.

Đến năm 2014, dự án tiếp tục triển khai thi công phần mở rộng, đã nâng cấp 36 tuyến đường và cụm hẻm trên địa bàn quận 6 với chiều dài hơn 10km. Cốt nền cao hơn nền nhà dân 0,5-1m đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người dân. Hiện nay, vẫn còn 617 hộ bị ảnh hưởng chưa có khả năng tự sửa chữa, nâng cấp nhà ở.

Tại quận Bình Tân cũng có 539 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc nâng đường Kinh Dương Vương. Quận 8 có 27 dự án đang triển khai, ảnh hưởng đến hơn 7.000 hộ dân. Tương tự, các quận Bình Thạnh, Thủ Đức cũng có tình trạng nhà biến thành hầm khi các dự án đi qua.

Được biết, sau khi HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết này, UBND quận huyện sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, xác định các hộ gia đình bị thiệt hại… Sau đó, gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp và tiến hành bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng ngay trong năm 2017.

Theo Phan Diệu - motthegioi.vn - 13/10/2017


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đề xuất hỗ trợ người dân có ‘nhà biến thành hầm’ do nâng đường

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc