Đào tạo ĐH trong 3 năm: Chỉ sinh viên có học lực khá giỏi mới đáp ứng kịp |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ bảy, 12/11/2016, 09:58 GMT+7 |
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có sự thay đổi về thời gian đào tạo ở bậc đại học từ 4-5 năm xuống còn 3 năm, riêng ngành Y vẫn giữ nguyên.
Lý giải rõ hơn về những thay đổi này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, thay đổi thời gian đào tạo đại học theo hướng rút ngắn sẽ khắc phục được những nhược điểm hiện có của giáo dục đại học. Thứ trưởng cho biết, hiện nay, khung thời gian đào tạo đại học đang được áp dụng ở nước ta là 4 năm (với hệ cử nhân), 5 năm (hệ kỹ sư) và 6 năm (hệ bác sỹ) kể từ khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Việc giảm học đại học còn 3 năm không đồng nghĩa với cắt giảm khối lượng kiến thức hay chất lượng đào tạo. Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích, hiện nay, khi đào tạo theo tín chỉ, nhiều sinh viên đã có thể hoàn thành chương trình đào tạo đại học trong 3 năm. Khung thời gian cơ cấu hệ thống (tính theo năm) chỉ mang tính quy ước để dễ so sánh. Thực tế cần xem xét bằng thời lượng thực học/khối lượng kiến thức tính bằng tín chỉ khi so sánh hay đối chiếu các hệ thống đào tạo khác nhau (thể hiện trên khung trình độ quốc gia). Chia sẻ với PV, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng việc áp dụng bậc đại học xuống còn 3 năm cũng sẽ rất vất vả cho sinh viên và không tạo hứng thú. Có những môn chỉ cần tham khảo tài liệu, đọc sách là có thể hiểu được mà không cần phải cả buổi ngồi ở giảng đường, hoàn thành bài thi. “Theo tôi thì có những khoa có thể học 3 năm, nhưng có những khoa cần phải học tới 4-5 năm để học sinh có thể nắm vững lý luận cũng như thực hành đầy đủ trước khi bước ra ngoài xã hội, thực hiện trọng trách của mình” – PGS Văn Như Cương khẳng định. Cùng chung tâm trạng lo lắng như PGS Cương, GS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng đại học Xây dựng lo lắng cho hay việc các trường đại học cho sinh viên học 3 năm sẽ không đảm bảo chất lượng. "Không cần so sánh 3 năm hay 4 năm, nhưng kể cả lịch học cho sinh viên của nước ta rất khác với các nước. Bởi lẽ thời gian cho sinh viên nghỉ Lễ, Tết rất nhiều, thời gian học của nước ta lại không thể linh hoạt như nước ngoài được nên để đáp ứng yêu cầu đầu ra, chúng ta phải đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, đảm bảo như các nước tiên tiến khác mới có thể cho sinh viên học 3 năm đại trà được" - ông Hùng cho hay. TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng) cho biết: Nếu rút hệ đại học xuống còn 3 năm, buộc các giáo viên phải biết lựa chọn chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, giáo trình cụ thể, không đi lan man. Phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động. Ông Khuyến cũng cho rằng đòi hỏi để ngay lập tức các giáo viên chắt lọc những kiến thức chủ chốt nhất để giảng dạy cho sinh viên, đáp ứng đủ nhu cầu thực tế thì cũng còn khá khó khăn vì bối cảnh chương trình đào tạo đại học của nước ta thực sự lỗi thời so với các nước. Bên cạnh đấy, ông Khuyến cũng chỉ ra hướng đi cho các sinh viên đáp ứng được thực tế để nhận bằng đại học chỉ sau 3 năm đó, các các sinh viên cần cân nhắc xác định tốc độ học tập của mình. Nếu không có nhu cầu ra trường sớm thì không nên chọn việc học với tốc độ cao vì rất dễ đuối sức và sẽ không hoàn thành tốt kế hoạch học tập. Ngược lại những sinh viên giỏi, cần được khuyến khích học vượt để họ đạt được trình độ cao ở lứa tuổi còn trẻ. Đây là những thông tin sinh viên cần cân nhắc để quyết định lựa chọn hình thức cũng như phương pháp học tập thích hợp cho bản thân. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì cho rằng việc đào tạo sinh viên trong thời gian 3 năm là hoàn toàn khả thi vì hiện nay nhà trường cũng đã chuyển hệ thống đào tạo theo tín chỉ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hệ thống dạy theo tín chỉ này được rút ngắn trong thời gian 3 năm đối với các sinh viên đảm bảo học lực khá giỏi và tập trung toàn bộ cho quá trình học. "Trong thời đại công nghệ bùng nổ thông tin, có rất nhiều thông tin từ các môn học, học sinh hoàn toàn có thể tự tra cứu và học được luôn trên internet nên thời gian giảng dạy của các giáo viên cũng giảm bớt đi, khối lượng kiến thức sinh viên tiếp thu trong quá trình học trên giảng đường cũng cụ thể hơn, đáp ứng đúng những thắc mắc của các sinh viên trong quá trình tiếp thu kiến thức. Việc quy định linh động thời gian đào tạo giúp các trường chủ động trong việc xây dựng chương trình đào tạo của mình. Các trường có thể lựa chọn hướng đào tạo rút ngắn thời gian thông qua việc xây dựng các môn học tích hợp và tăng cường các chương trình thực tế tại doanh nghiệp, đặc biệt là các trường kinh tế." - ông Triệu khẳng định. Theo Motthegioi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|