Chủ tàu bến Bạch Đằng đau đầu tìm bến đỗ mới |
Thứ hai, 02/03/2015, 09:45 GMT+7 |
30/3 là hạn cuối phải trả lại bến đỗ Bạch Đằng để Thành phố cải tạo, nhưng hiện chỉ có duy nhất một trong số 30 chủ tàu tìm được bến mới, còn lại vẫn đang loay hoay. Trước việc UBND TP HCM đề nghị tất cả các tàu du lịch và nhà hàng nổi ngưng hoạt động tại khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) từ ngày 15/1 để phục vụ việc cải tạo, chỉnh trang lại theo quy hoạch, nhiều doanh nghiệp đã đồng loạt kiến nghị lên cơ quan quản lý các đơn vị kinh doanh và đã được gia hạn thêm đến 30/3. Tuy nhiên, sắp đến hạn cuối di dời, nhiều chủ tàu cho biết họ vẫn chưa thể tìm được bến mới, có đơn vị tìm được nhưng phải chịu mức phí rất cao. Trong số 30 chủ tàu đang kinh doanh gần 60 phương tiện tại bến Bạch Đằng, duy nhất chỉ có một công ty đã chuyển sang bến mới là Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương. Bến Bạch Đằng có gần 60 phương tiện hoạt động gồm các loại tàu cánh ngầm, tàu chở khách du lịch và tàu nhà hàng. Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty cho hay, sau nhiều kiến nghị lên cơ quan chức năng, tình hình bến bãi vẫn chưa có sự thay đổi do vậy công ty ông quyết định chuyển sang Cảng hành khách tàu biển (thuộc Cảng Sài Gòn) cách đó không xa. “Chúng tôi không còn cách nào khác, việc thu hồi bến Bạch Đằng chỉ còn thời gian ngắn mà hoạt động kinh doanh nếu ngừng sẽ gặp rủi ro lớn và mất khách hàng nên để tồn tại chúng tôi phải tìm bến đậu mới. Nhưng tại cảng mới chúng tôi phải chịu giá cao gấp 3 lần so với trước đây”, ông Lâm nói. Cụ thể, ông cho hay, trước đây, nếu một tháng ông đóng 40 triệu đồng tiền bến bãi thì nay sang cảng mới giá lên đến 120 triệu đồng. Bởi lẽ, đây là cảng hành khách tàu biển, giá bến bãi được tính theo giá quốc tế. Mặt khác, tại đây các hãng tàu nước ngoài cũng cập bến nhiều nên để có bến đậu tốt không hề đơn giản. Công ty này thừa nhận, họ đang phải “thắt lưng buộc bụng” tính toán lại kế hoạch kinh doanh. Trước mắt, công ty sẽ tinh giảm biên chế nhân sự khoảng 10%, đồng thời, đẩy mạnh tăng năng suất lao động, tìm cách triển khai thêm một vài hoạt động khác để tăng doanh thu. “Mới đây công ty đã bán một chiếc tàu với giá rất rẻ, và đang rao bán thêm 3 chiếc nữa. Trước đó, chúng tôi đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để mua, nhưng đến nước này thì chỉ còn cách bán đổ bán tháo. Bởi lẽ, nếu để lại cũng chỉ phơi nắng, phơi sương mà không có bến bãi đậu”, ông Lâm bộc bạch. Cũng vẫn còn đang lúng túng, đại diện Công ty Du lịch Sông Xanh cho biết cũng đang mải miết tìm bến đỗ dù trước đó đã đàm phán với Cảng hành khách tàu biển để xin mức giá phù hợp, nhưng không được. “Nếu chúng tôi chuyển sang bến mới thì giá thuê sẽ tăng lên gần 4 lần. Bởi lẽ, trước đây giá thuê ở bến Bạch Đằng chỉ 10 triệu một tháng nhưng qua cảng mới chúng tôi phải trả 35 triệu đồng, các chi phí khác cũng sẽ đội lên cao, công ty chắc chắn gặp khó khăn”, đại diện Sông Xanh nói. Một số chủ tàu đã chuyển sang cảng dành cho tàu khách biển nhưng mức phí tại đây cao gấp 3-4 lần bến cũ. Đơn vị này cũng thừa nhận, hiện họ vẫn chưa có quyết định di dời, “Chúng tôi chưa có cách nào khác chỉ mong chờ hướng xử lý của cơ quan chức năng”, đại diện công ty nói. Cũng chờ hướng xử lý mới từ cơ quan chức năng, đại diện các hãng tàu khác như Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Phong (River Tour), Công ty Hoàng Triều… cho hay, họ vẫn chưa tìm được bến đậu mới. “Hầu hết các bến khác đều không thuận tiện cho du khách nên chúng tôi vẫn đang chờ sự sắp xếp và quyết định của UBND TP HCM. Chúng tôi tin lãnh đạo Thành phố sẽ có tầm nhìn chiến lược đúng đắn và đảm bảo yếu tố du lịch được tạo thuận lợi”, Giám đốc Công ty Hoàng Triều, bà Liêu Thị Phượng nói. Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết đã tiếp tục có công văn gia hạn cho các tàu du lịch và tàu nhà hàng được hoạt động tại bến Bạch Đằng đến ngày 30/3, thay vì thời hạn 15/1 và trước đó là ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, sở này cũng cho biết, sau khi cải tạo, các tàu có được đậu và hoạt động tại bến Bạch Đằng nữa hay không sẽ do UBND Thành phố quyết định. Bến Bạch đằng là địa điểm du lịch nổi tiếng của TP HCM. Hiện, bến có gần 60 phương tiện hoạt động gồm các loại tàu cánh ngầm, tàu chở khách du lịch và tàu nhà hàng. Giữa năm 2013, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đầu tư khai thác và quản lý bến Bạch Đằng, biến cảng này thành cảng du lịch để phát triển du lịch đường sông cùng các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí khác. PV - Theo Vnexpress
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|