top-banner-2

Thứ năm, 30/05/2013, 10:40 GMT+7

Dự án xây hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang trước nguy cơ chậm tiến độ

Thứ năm, 30/05/2013, 10:40 GMT+7

Dự án trọng điểm, đa mục tiêu xây dựng hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Vũ Quang, Hà Tĩnh) với vốn đầu tư 6.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ đang có nguy cơ chậm tiến độ, không có mặt bằng bởi người dân khu vực lòng hồ bị giải tỏa đồng loạt viết đơn… từ chối vào khu tái định cư (TĐC). Như vậy, đồng nghĩa với việc, các khu TĐC được đầu tư hàng trăm tỉ đồng đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.

Khu tái định cư Hói Trung hiện chưa có điện nước và đất nông nghiệp cho người dân sản xuất


Được phê duyệt từ năm 2006, Dự án hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang là dự án trọng điểm lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Tổng diện tích của hồ thủy lợi Ngàn Trươi là 775 triệu m3 nước, lớn gấp 2,5 lần diện tích hồ thủy lợi Kẻ Gỗ. Toàn bộ diện tích hai xã Hương Quang, Hương Điền (huyện Vũ Quang) nằm hoàn toàn trong khu vực lòng hồ; 100% dân cư thuộc diện phải di dời, bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất. 60 hộ dân thuộc thị trấn Vũ Quang cũng nằm trong diện di dời để nhường đất xây dựng đập ngăn của hồ (vị trí nằm gần khu vực thị trấn, tiếp giáp với đường mòn Hồ Chí Minh).

Để phục vụ mục đích di dân, BQL dự án đã tiến hành xây dựng 3 khu TĐC, bao gồm Khe Ná – Khe Gỗ; Hói Trung (hay còn gọi là Hói Trùng) và tái định cư Đồng Nậy cho 60 hộ dân tại Tổ 1 thị trấn Vũ Quang. Dự tính, hai khu TĐC Khe Ná – Khe Gỗ; Hói Trung tập trung hơn 400 hộ dân thuộc hai xã Hương Quang, Hương Điền. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, công tác di dân vẫn là một mớ rối bời với nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, bức xúc… của các hộ dân.

Một m2 đất đền bù... hai gói mì tôm

Theo người dân, họ hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Dự án hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, nhưng ổn định đời sống của hàng ngàn người dân cũng là vấn đề chính quyền cần đảm bảo hài hòa. Một trong những lý do khiến vẫn còn rất nhiều hộ bám trụ lại đất cũ và đang có đơn khiếu kiện UBND huyện Vũ Quang là do giá đất đền bù quá thấp và việc kiểm kê chưa thỏa đáng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, mức giá đền bù đối với đất nông nghiệp, đất ở tại khu vực nông thôn (xã vùng III) thuộc dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang và tài sản trên đất (gồm nhà cửa, cây cối hoa màu…) UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kèm theo QĐ số 01/2009. Theo bộ đơn giá này, đất nông nghiệp bị thu hồi được đền bù 9.700 đồng/m2. “Một mét đất nông nghiệp của chúng tôi chưa mua được… hai gói mì tôm” – chị Phạm Thị Hà (thôn Đăng, xã Hương Điền) xót xa.

Bên cạnh đó, quy định về việc người dân phải có “sổ đỏ” ở nơi chuyển đến mới được tự tái định cư cũng khiến nhiều người bức xúc. “Người dân xã vùng sâu, vùng xa như chúng tôi làm gì có tiền mua đất. Trước khi về Hương Quang, Hương Điền, phần lớn bà con đều thường trú ở huyện Đức Thọ. Bây giờ, chúng tôi vẫn còn họ hàng ở quê, được người thân giúp đỡ về chỗ ở… Việc bắt người dân phải có giấy tờ chuyển nhượng, mua bán đất… mới cho tự TĐC, thực chất là “ép” người dân vào khu TĐC tập trung” – anh Trần Quốc Toản, xã Hương Điền bức xúc.

Đặc biệt, điều khiến dư luận bất bình là chính lãnh đạo địa phương có đất bị thu hồi lại cố tình làm sai lệch hồ sơ để hưởng lợi. Trong bản kết luận các nội dung tố cáo đối với một số cán bộ xã Hương Quang làm sai lệch hồ sơ địa chính tham ô tiền của nhà nước cũng đã khẳng định: Ông Nguyễn Đình Tiến - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND, ông Hà Đồng Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Viết Hiền, nguyên xóm trưởng xóm Kim Thọ đã thiếu trung thực và khách quan dẫn đến nhận “thừa” 72,2 triệu đồng. Trong đó, riêng ông Nguyễn Đình Tiến lĩnh “dư” 57,1 triệu đồng.

“Thả” dân vào rừng ?

Hơn nữa, theo các quy định hiện hành thì nơi tái định cư phải có điều kiện tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ nhưng theo người dân, hai khu tái định cư dù được quy hoạch khá hoành tráng với mức kinh phí đến thời điểm hiện tại lên tới 350 tỉ đồng nhưng lại thua xa với nơi ở cũ. Đó cũng là lý do hàng loạt hộ dân đã đồng loạt viết đơn từ chối không vào khu tái định cư.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, khu TĐC Hói Trung (hay còn gọi là Hói Trùng) được tạo lập trên diện tích đất VQG Vũ Quang. Con đường dẫn vào khu TĐC này là con đường độc đạo, và khu dân cư được đặt ở vị trí… cuối đường. Đi thẳng vào bên trong là lõi rừng, bao bọc xung quanh là đất rừng thuộc VQG Vũ Quang quản lý. TĐC Hói Trung dành cho gần 300 hộ dân thuộc xã Hương Quang. Nguyên bản, trước đây khu TĐC này là rừng hoang vu. Khi Ban chuyên trách đi khảo sát đã quyết định “khai hoang” để đưa hàng ngàn con người vào… sâu trong rừng.

Khu TĐC Khe Ná – Khe Gỗ được xây dựng để làm nơi định cư mới cho hơn 100 hộ dân thuộc xã Hương Điền. Từ đường mòn Hồ Chí Minh đi theo trục đường nhỏ liên xã chừng hơn 10 km, trong đó phần lớn đã xuống cấp, TĐC Khe Ná – Khe Gỗ nằm trong rừng phòng hộ với hơn 150 ô đất đã được san ủi, tương ứng với khoảng hơn 150 hộ dân định cư. Nếu quan sát, sẽ không khó nhận ra TĐC Khe Ná – Khe Gỗ được xây dựng tại một thung lũng nhỏ, bám theo ba quả đồi. Điểm chung của hai khu này là đất đai khá cằn cỗi. Ngoài các công trình trụ sở UBND, trường học, trạm y tế... được thiết kết khá “hoành tráng”  thì hiện tại cả hai khu TĐC này vẫn chưa có điện nước và chưa có khu vực quy hoạch đất dành cho sản xuất nông nghiệp.

Theo anh Trần Quốc Toản - xã Hương Điền: Mỗi hộ dân ở Hương Quang, Hương Điền trung bình bị thu hồi từ 6.000 m đất trở lên, bao gồm đất ở, đất nông nghiệp và đất rừng; có hộ bị thu hồi trên 30.000 m2.  Trong khi đó, khu TĐC mới cách xa khu đất cũ, không đảm bảo điều kiện tối thiểu như nước sinh hoạt, nước sản xuất...

Thông tin từ ban quản lý dự án, mỗi hộ sẽ được chia 400 m2 đất ở, 600m2 đất vườn và trung bình từ 1 – 3 ha đất rừng. Tuy nhiên, khi người dân hỏi Ban chuyên trách vị trí đất sản xuất sẽ giao cho dân ở đâu, thì vẫn chưa có câu trả lời. “Người dân chúng tôi không có nghề phụ, chỉ biết làm nông nghiệp và trồng rừng được nhà nước giao khoán 50 năm. Với diện tích mới được giao chỉ bằng một góc nhỏ so với diện tích cũ, đời sống người dân sẽ không được đảm bảo” – anh Toản lo lắng.

“Bán bò đi tậu ễnh ương”

Trên thực tế có dự án khi người dân được đền bù thu hồi đất rất ít, nhưng khi tái định cư thì lại phải bỏ ra rất nhiều.

Một điểm bất hợp lý tại hai dự án TĐC tập trung Hói Trung, Khe Ná – Khe Gỗ không thuộc diện làm nhà cho dân TĐC, chỉ giao đất không có hạ tầng. Mỗi hộ dân nhận đất sẽ phải trả thêm tiền chênh lệch do đất ở được phân bổ gần với trục đường nội bộ. Vô hình trung, người dân nhường đất cho dự án bỗng nhiên mất nhà, mất đất sản xuất, phải đi… mua đất ở một nơi không đủ đảm bảo sinh sống, không có tư liệu sản xuất... Lấy ví dụ: một hộ dân thuộc nhóm đất ở vùng III của xã vùng III (mức đền bù là 38.000 đồng/m2), khi ra nơi ở mới được phân đất gần mặt đường sẽ phải đóng thêm tiền chênh lệch. Giá đất gần đường được áp giá 100.000 đồng/m2, người dân sẽ phải đóng phần chênh lệch 62.000 đồng. Điều này có nghĩa với việc người dân nhận tiền đền bù đất giá thấp để mua đất TĐC giá cao.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quốc Đạt - Trưởng Ban dân vận huyện ủy  huyện Vũ Quang cho rằng: việc người dân khiếu kiện chính quyền và từ chối vào khu tái định cư tập trung làm ảnh hưởng tới tiến độ dự án, nhất là chỉ còn gần ba tháng (15/8) là thời điểm 100% các hộ dân phải đến nơi ở mới đang đến gần. Sở dĩ huyện chọn thời điểm trên vì muốn tổ chức khai giảng cho các cháu học sinh tại khu TĐC mới. Hiện nay chúng tôi đang tích cực vận động người dân.

Nhưng, với thực trạng trên, nếu chính quyền không tìm được phương án giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của  người dân và khi người dân vẫn kiên quyết từ chối đến khu ở mới, thì rất có thể lễ khai giảng tại Khe Ná, Hói Trung sẽ… không có học sinh và không chỉ có thế.


Ông Trần Ngọc Vinh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Yêu cầu cấp thiết sửa Luật Đất đai

Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cuối năm 2012 cho biết, hàng năm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm gần 70% tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo trên tất cả các lĩnh vực và có khoảng 70% khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên tổng số các khiếu nại, tố cáo về đất đai. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai cho thấy có 47,8% khiếu nại, tố cáo của công dân là đúng và có đúng có sai.

Báo cáo giám sát nhận định một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo là do một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở năng lực yếu, hạn chế về kiến thức pháp luật, một bộ phận sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận. Căn cứ vào các số liệu trong các báo cáo cho thấy, số cán bộ làm sai, làm trái liên quan đến đất đai nhiều, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng kết quả xử lý, hình thức xử lý cán bộ vi phạm, mức độ xử lý thỏa đáng hay chưa vẫn chưa được làm rõ.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính đòi hỏi cấp bách phải sửa Luật Đất đai.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo một phần là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập như giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán… có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán.

Ví dụ ở hai mảnh đất thuộc hai tỉnh cách nhau có một bờ mương. Giá sàn của nhà nước quy định thấp nhất là 5 triệu và trần cao nhất là 10 triệu. Một địa phương áp dụng mức giá đền bù 6 triệu,  một địa phương áp trần tối đa 10 triệu. Như vậy, sẽ khó tránh khỏi phát sinh khiếu kiện.

Đối với vấn đề tái định cư, về nguyên tắc thì thì cuộc sống của người dân phải tốt hơn, sinh kế phải đảm bảo thì mới thuyết phục được người dân đến nơi ở mới. Vì vậy, khi thu hồi đất của người dân phải tính toán một cách rất cụ thể. Thứ nhất là khi thu hồi đất phải ổn định chỗ ở cho người dân như thế nào? Thứ hai là sinh kế của họ ra sao?

Nhưng trên thực tế có dự án khi người dân được đền bù thu hồi đất rất ít, nhưng khi tái định cư thì lại phải bỏ ra rất nhiều. Chẳng hạn một hộ dân khi nhận đền bù được 200 triệu nhưng khi chuyển đến nơi ở mới phải đóng 250 triệu tiền đất tái định cư. Vậy làm sao họ có tiền để đóng? Về vấn đề này, khi góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tôi đã nói rằng những trường hợp như vậy, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để làm sao đảm bảo điều kiện ở nơi ở mới phải thực sự tốt hơn. Vừa qua, tôi được biết ở một số nơi này nơi khác làm chưa đúng như vậy mới xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Đặc biệt đối với các dự án tái định cư ở vùng sâu, vùng xa thì cần được quan tâm một cách đầy đủ.  Bởi đối với họ  bên cạnh việc cơ sở hạ tầng thì cần phải cung cấp tư liệu sản xuất. Phải tạo điều kiện cho người dân ngay khi đến nơi ở mới có đất canh tác hoặc đất rừng để đảm bảo kế sinh nhai. Nếu đơn thuần chỉ dồn người  dân vào khu tái định cư, cung cấp lương thực cho họ thì không đúng với mục đích chủ chương của nhà nước.

 

Theo dddn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dự án xây hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang trước nguy cơ chậm tiến độ

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc