top-banner-2

Thứ bảy, 04/05/2013, 17:40 GMT+7

Tranh cãi quanh giải pháp mới tiêu thụ hàng tồn kho BĐS

Thứ bảy, 04/05/2013, 17:40 GMT+7

Kiến nghị giải pháp giải quyết hàng tồn kho BĐS mới đây của Sở Xây dựng TP. HCM đã nhận được sự tán thành của DN trên địa bàn, nhưng lại bị nhiều DN phía Bắc nghi ngờ về tính khả thi.

Giải pháp giải quyết hàng tồn kho của Sở Xây dựng TP. HCM được doanh nghiệp phía Nam đồng tình

Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp BĐS, Bộ Xây dựng và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp. Tại nhiều địa phương, đơn vị quản lý tiếp tục vận dụng chính sách một cách linh hoạt, đưa ra những giải pháp mới gỡ khó cho thị trường.

Mới đây, Sở Xây dựng TP. HCM khẳng định, đơn vị này sẽ không mua lại căn hộ tồn kho của doanh nghiệp, nhưng kiến nghị sẽ đứng ra làm đầu mối để những đối tượng thuộc diện ưu tiên mua nhà ở xã hội ký hợp đồng trực tiếp với chủ dự án và kiến nghị cho người mua được vay vốn với lãi suất ưu đãi là 6%/năm trong 10 năm. Ngoài ra, để giải quyết lượng hàng tồn của căn hộ thương mại có diện tích trên 70 m2, Sở Xây dựng TP. HCM đã đề xuất phần diện tích 70 m2 trở xuống được tính theo giá nhà ở xã hội, phần còn lại sẽ phải tính thêm tiền sử dụng đất.

Trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS tại TP. HCM đang hy vọng giải pháp linh hoạt, rất “mở” của đơn vị quản lý có thể gỡ khó cho doanh nghiệp, thì đại diện một số doanh nghiệp phía Bắc lại nghi ngờ tính khả thi của giải pháp này.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu (GP Invest), giải pháp này rất hay về mặt ý tưởng, nhưng khó áp dụng trong thực tế. Ông Hiệp cho rằng, khi Sở Xây dựng đứng ra làm đầu mối, người dân có nhu cầu mua nhà có thể sẽ không chọn lựa được dự án mà mình mong muốn, vì người mua rất dễ “bị” giới thiệu sang một dự án không phù hợp. Trong khi đó, việc tính diện tích ưu đãi và diện tích vượt hạn mức ưu đãi cũng sẽ gặp khó khăn, vì chưa có những tiêu chí rõ ràng trong vấn đề này.

Ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ Đô cũng hồ nghi tính thực tế của các giải pháp này. Theo ông Kiên, hiện có rất nhiều giải pháp nhằm giải phóng lượng hàng tồn căn hộ được đưa ra, nhưng giữa các giải pháp này có mâu thuẫn nên gây ra nhiều tranh cãi. Nguyên nhân của các tranh cãi vì hệ thống pháp lý chưa rõ ràng.

Với các giải pháp tháo gỡ căn hộ tồn kho được Sở Xây dựng TP. HCM đưa ra mới đây, ông Kiên cho rằng, rất khó đi vào thực tế. Chẳng hạn, cơ chế tính toán, định giá với diện tích vượt hạn mức sẽ ra sao, khi phần diện tích dưới 70 m2 được hưởng rất nhiều ưu đãi như ưu đãi thuế, miễn tiền sử dụng đất. Đó là chưa kể đến việc diện tích của những căn hộ này quá lớn, giá bán sẽ không phù hợp với những đối tượng có thu nhập thấp.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng e ngại tính khả thi của những ý tưởng này. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) phân tích, với người thu nhập thấp, các căn hộ có diện tích 40 - 50 m2, có giá bán từ 400 - 500 triệu đồng/căn là hợp lý. Còn căn hộ có diện tích trên 70 m2, có giá bán hàng tỷ đồng, người thu nhập thấp sẽ khó có khả năng tiếp cận.

Với giải pháp Sở Xây dựng sẽ đứng ra làm “trung gian”, đầu mối để giới thiệu người có nhu cầu và có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội với các dự án, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, không cần thiết. Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đã cập nhật thông tin đối tượng, điều kiện, mẫu đơn và cả các dự án lên trang mạng của Sở Xây dựng. Nếu muốn, người dân có thể tự in mẫu đơn, tự đi lấy xác nhận, tự chọn dự án, rồi làm việc với ngân hàng.

Ông Đạm cũng lưu ý việc cho vay lãi suất 6%/năm vẫn chỉ ở dạng dự thảo, mà chưa đi vào thực tế, vì vậy, khiến các giải pháp hiện nay rất dễ đi đến tranh cãi. Vì vậy, ông Đạm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chính thức mức lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội để người dân tính toán xem có dám vay mua nhà hay không.

Theo ĐTCK


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tranh cãi quanh giải pháp mới tiêu thụ hàng tồn kho BĐS

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc