TP.HCM: Hơn 150.000 tỷ đồng đầu tư giao thông công cộng |
Thứ tư, 18/11/2015, 15:34 GMT+7 |
Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, TP.HCM sẽ đầu tư 151.693 tỷ đồng để phát triển các dự án giao thông công cộng.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Quang Huy Cụ thể với số tiền 151.693 tỷ đồng được TP.HCM đầu tư vào các dự án giao thông công cộng, trong đó vốn ngân sách là 23.417 tỷ đồng, vốn tư nhân 10.564 tỷ đồng và vốn ODA 117.712 tỷ đồng, thành phố sẽ tập trung ưu tiên đầu tư để hoàn thành một số dự án và công trình cụ thể. UBND TP HCM đã đề ra mục tiêu tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố kết nối trực tiếp với các dự án, công trình trọng điểm do trung ương đầu tư như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đầu tư các trục đường đối ngoại kết nối với vùng thành phố, khép kín vành đai 2, xây dựng vành đai 3, các nút giao thông trọng điểm như Mỹ Thủy, Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh; Cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, hầm chui tại ngã tư An Sương, nút giao thông An Phú, nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, mở rộng các tuyến thuộc cửa ngõ thành phố như quốc lộ 50, quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), đường Tân Kỳ - Tân Quý. Trong đó thành phố ưu tiên đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) để đưa vào khai thác năm 2019, đẩy nhanh tiến độ của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (cầu Sài Gòn - Cần Giuộc), hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh BRT trên trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ vào năm 2018, khai thác hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (Bạch Đằng - Linh Đông; Bạch Đằng - Lò Gốm) vào năm 2016. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các bến xe buýt, bố trí làn đường dành riêng cho vận tải hành khách công cộng trên toàn địa bàn. Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo các bến bãi hiện có (bến xe quận 8, Chợ Lớn, Tân Phú và An sương) để giải quyết nhu cầu đậu đỗ cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn chỉnh bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây mới cùng các bến xe buýt Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Xa lộ Hà Nội, Tân Thuận Đông. Với kế hoạch dự kiến, đến năm 2020, tổng số lượng xe buýt hoạt động sẽ là gần 4.000 xe, tăng hơn 1.150 xe so với hiện tại. Theo Sở GTVT TP HCM, để giao thông công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt, taxi) đảm nhận được từ 20 - 25% lượng vận tải hành khách và các công trình trên hoàn thành đúng vào năm 2020 như quy hoạch, vận tải hành khách công cộng sẽ vận chuyển được khoảng hai triệu lượt hành khách mỗi ngày. Trong đó xe buýt thường đạt khoảng 1,135 triệu lượt, xe buýt nhanh (BRT) đạt khoảng 28,3 nghìn lượt, taxi và các loại hình khác đạt hơn 800 nghìn lượt. Theo Motthegioi Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|