top-banner-2

Thứ sáu, 29/03/2013, 09:45 GMT+7

Áp dụng biện pháp tự vệ : Cần suy tính thiệt - hơn

Thứ sáu, 29/03/2013, 09:45 GMT+7

Trong khi các DN XK cá tra đang lao đao vì vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ thì tại VN TCty Công nghiệp Dầu thực vật VN (Vocarimex) đã kiến nghị Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với các DN nhập khẩu dầu ăn. Tính đến nay, VN chưa áp dụng biện pháp tự vệ đối với một ngành hàng nào. Liệu lần này có phải một ngoại lệ ?

Dầu ăn và kính nổi là hai mặt hàng được DN chủ động đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ
Xét về bản chất, biện pháp tự vệ là một “công cụ phải trả tiền”. Để bảo vệ cho ngành sản xuất dầu ăn, Chính phủ VN sẽ phải bồi thường cho các nhà nhập khẩu.

Nên thận trọng với biện pháp tự vệ

Theo Hội đồng tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thuộc VCCI, nếu áp dụng áp dụng biện pháp tự vệ là Chính phủ sẽ phải đền bù cho các đối tác thương mại bị ảnh hưởng. Để bảo vệ một ngành này các ngành khác có thể bị ảnh hưởng, vì vậy Chính phủ bao giờ cũng sẽ thận trọng khi đưa ra quyết định.

Biện pháp tự vệ là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số mặt hàng khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Nó được sử dụng để đối phó với các hành vi thương mại hoàn toàn bình thường (không có hành vi vi phạm pháp luật hay cạnh tranh không lành mạnh) nên về hình thức biện pháp tự vệ được coi là đi ngược lại chính sách tự do hoá thương mại của WTO. Tuy nhiên, đây là biện pháp được thừa nhận trong khuôn khổ của WTO (với các điều kiện hạn chế chặt chẽ để tránh lạm dụng). Lí do là trong hoàn cảnh buộc phải mở cửa thị trường và tự do hoá thương mại, các biện pháp tự vệ là “van an toàn” mà hầu hết các nước nhập khẩu là thành viên WTO mong muốn. Với chiếc van này, nước nhập khẩu có thể ngăn chặn tạm thời luồng nhập khẩu để tránh được những đổ vỡ cho ngành sản xuất nội địa trong một số trường hợp đặc biệt khó khăn.

Vì sao nói đây là một công cụ phải trả tiền, vì các nước được phép áp dụng nó để bảo vệ sản xuất nước mình nhưng phải “trả giá” cho những thiệt hại mà biện pháp này gây ra đối với các nhà sản xuất nước ngoài (như một hình thức cân bằng trong cam kết thương mại với nước khác). Cụ thể các nước áp dụng biện pháp tự vệ phải bồi thường thương mại cho các nước có hàng hoá bị áp dụng biện pháp tự vệ với những điều kiện nhất định. Nếu nước này không tuân thủ, WTO cho phép các nước liên quan được áp dụng các biện pháp trả đũa.

Dầu ăn thiệt hại đến đâu ?

Theo đơn của Vocarimex yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với thuế suất 2% tính trên giá trị nhập khẩu của lô hàng đối với 2 dòng sản phẩm là dầu nành tinh luyện và dầu cọ tinh luyện. Để đủ điều kiện được áp dụng biện pháp tự vệ, DN này phải chứng minh được những thiệt hại mà sản phẩm nhập khẩu cùng loại gây nên. Đồng thời, họ cũng phải đáp ứng điều kiện của Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào VN. Theo Pháp lệnh quy định, “Bộ Công Thương tiến hành điều tra khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức đại diện cho ngành sản xuất trong nước với điều kiện toàn bộ hàng hóa do tổ chức đó sản xuất chiếm ít nhất 25% sản lượng hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước”.

Nếu áp dụng biện pháp tự vệ là Chính phủ sẽ phải đền bù cho các đối tác thương mại bị ảnh hưởng.

Vocarimex đang chiếm 28,27% tổng sản lượng được sản xuất trong nước, nên đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ đại diện để khởi kiện (25%). Bên cạnh đó, 3 Cty khác gồm Cty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Cty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Cty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của nguyên đơn. Hiện, Vocarimex, Tường An, Cái Lân, Nhà Bè chiếm 97,81% tổng sản lượng sản xuất hàng hoá tương tự với dầu thực vật nhập khẩu. Theo Vocarimex, dầu thực vật nhập khẩu vào VN tăng cao trong thời gian gần đây. Thị phần của Vocarimex và các DN trong nước liên tục giảm từ năm 2009 đến nay. Đặc biệt, năm 2012, sau khi thuế nhập khẩu dầu ăn giảm còn 0%, nhiều loại dầu thực vật nhập khẩu đã ồ ạt tràn vào thị trường VN, gây điêu đứng cho nhiều DN trong trước. Cụ thể, trong cả năm 2012, lượng dầu nhập khẩu vào VN ước đạt trên 604.375 tấn, tăng gấp đôi so với lượng nhập khẩu năm 2011 và 2010. Riêng Vocarimex, doanh thu và lợi nhuận năm 2012 giảm một cách đột biến so với các năm trước. Cụ thể, doanh thu giảm 66% và lợi nhuận ròng giảm 197% so với năm 2011.

Theo ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Cạnh tranh, Bộ Công Thương: “Với vụ việc Vocarimex, cục Cạnh tranh đang điều tra và sẽ công bố quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ thương mại theo đề nghị của DN này hay không trong vòng 6 tháng tới”.

Liệu những số liệu các DN dầu ăn đưa ra có đáng để Bộ Công thương cho áp dụng biện pháp tự vệ hay không? Và cái giá phải trả để cứu các DN này thế nào? Ai mới là người cuối cùng trả giá? Những câu hỏi này vẫn đang được đưa lên bàn cân nhắc. Bởi suy cho cùng đây là một câu chuyện hoàn toàn mới đối với các nhà quản lí kinh tế VN.               

LS Nguyễn Văn Hải - Cty luật Mayer Brown:
Hành lang pháp lý chưa đủ rộng

Nếu chứng minh được việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước thì VN cũng có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ tương tự. Tuy nhiên, từ trước đến nay VN chưa thể áp dụng bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Vào năm 2008, VN đã điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng kính nổi nhưng sau đó qua điều tra không có cơ sở để áp dụng biện pháp phòng vệ. Ngoài ra, VN cũng đang điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành tinh chế NK. Hiện nay, việc điều tra đang được tiến hành nên cũng chưa biết là có thể áp dụng được biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng này hay không.

Sở dĩ VN chưa thể áp dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ nền sản xuất trong nước vì hệ thống pháp luật và hàng lang pháp lý cho vấn đề này ở VN mới được xây dựng, còn thiếu sót. Bên cạnh đó, các DN cũng thiếu chủ động và kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ của các DN VN để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh:
Hiểu biết của DN còn hạn chế

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của DN mình trên thị trường nội địa trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, các DN VN có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiểu biết của các Hiệp hội, DN VN về quyền được sử dụng, các thủ tục, phương pháp và kỹ năng cần thiết để sử dụng các công cụ này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Vinamit:
Cẩn trọng với DN Trung Quốc

Trong chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc cuối tháng 3 vừa qua, tôi được biết Chính phủ Trung Quốc đang triển khai một loạt chính sách hỗ trợ DN Trung Quốc đẩy hàng hóa đi các nước, tập trung vào những nước lân cận, trong đó có VN. Trung Quốc đang tìm mọi cách để phủ hàng hóa tại thị trường VN một cách nhanh và sâu nhất. Hơn nữa, một số DN Trung Quốc có tiềm lực tài chính mạnh cũng đang xúc tiến việc mua lại các xưởng, nhà máy của DN VN để xâm nhập thị trường nước ta. Mục đích là để có sẵn hệ thống phân phối, dễ dàng đưa hàng vào VN. Đáng nói, phía Trung Quốc sẵn sàng mua lại các DN thua lỗ, do họ có thể hưởng thuế ưu đãi trong nước từ việc khai báo lỗ này, đồng thời nắm quyền kiểm soát DN.

 

Kính nổi từng đề nghị sử dụng biện pháp tự vệ

Năm 2009, Cty Kính nổi Viglacera và Cty TNHH Kính nổi VN cho rằng, kính nổi nhập khẩu tăng nhanh về số lượng, giá lại thấp hơn kính nội địa nên ngành kính nội địa có thể phải ngừng sản xuất. Do đó, hai Cty này yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách đánh thuế đối với kính nhập khẩu trong vòng bốn năm, cụ thể là áp thuế 0,6 USD/m2 kính.

Tuy nhiên, các DN nhập khẩu - gia công kính nổi đã bày tỏ sự lo ngại kính nội địa lập lại thế độc quyền về cung cấp kính nổi nguyên liệu. Kính nổi được nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công thành kính xây dựng, kính trang trí nội thất, kính ôtô... Sau khi điều tra, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương kết luận sự gia tăng hàng nhập khẩu cũng là một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác cùng tác động đến kính nổi trong nước. Đặc biệt, vào thời điểm điều tra thì ngành sản xuất trong nước đang có dấu hiệu hồi phục. Do đó không còn phù hợp để áp dụng biện pháp tự vệ nữa.

Thêm một mặt hàng bị cạnh tranh không lành mạnh ?

Tập đoàn Mỹ Lan cho biết, trong lĩnh vực in và đóng gói bao bì nhiều nhà sản xuất từ Trung Quốc đang cung cấp bản in offset vào thị trường VN với giá dưới giá thành sản xuất với sự hỗ trợ của Chính phủ nước này. Cụ thể, giá thành một mét bản in offset sản xuất khoảng 72.000đ, nhưng họ chỉ bán tại VN với giá 60.000đ. Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Mỹ Lan khẳng định: “DN Trung Quốc được nhận hỗ trợ 13% từ Chính phủ Trung Quốc”.

 Theo dddn.com.vn

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Áp dụng biện pháp tự vệ : Cần suy tính thiệt - hơn

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc