ASEAN sắp chung múi giờ |
Thứ ba, 31/03/2015, 09:30 GMT+7 |
Một múi giờ thống nhất và phù hợp cho toàn khối ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Giấc mơ về một “cộng đồng” thật sự ở Đông Nam Á với hơn 600 triệu người đang đến gần khi nhiều đề xuất kết nối xuyên biên giới và mang tính thực tiễn cao đã được các thành viên trong khối ASEAN đưa ra bàn thảo. Một trong số đó là vấn đề về múi giờ. Mới đây, Indonesia và Malaysia đã đề nghị ASEAN nên dùng chung một múi giờ để nâng cao tinh thần đoàn kết và tính kết nối toàn khối - một đề nghị từng được Singapore kêu gọi thực hiện vào năm 1995 và Malaysia, thêm một lần nữa, đề xuất vào năm 2004. Về phương diện kinh tế, một múi giờ thống nhất và phù hợp cho toàn khối ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Theo đó, một giờ giấc sinh hoạt chung sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra đồng thời, giảm thời gian giao dịch cũng như tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng hơn trong các giao dịch chứng khoán vì khi đó tất cả các sàn giao dịch thành viên sẽ đồng loạt mở cửa cùng thời điểm, bảo vệ cho nhà đầu tư trước những diễn biến bất ngờ của thị trường. Bài học về việc chọn múi giờ phù hợp có thể thấy từ quốc đảo Singapore. Về mặt địa lý, Singapore đáng lẽ có cùng chung múi giờ GMT+7 với Việt Nam, Thái Lan nhưng các nhà lãnh đạo Singapore đã chọn thời gian đi sớm hơn một tiếng, tức GMT+8 để trùng với múi giờ Hồng Kông, Thượng Hải và chỉ trễ 1 tiếng so với Nhật, vốn là các thị trường chứng khoán lớn nhất ở châu Á. Điều này mang lại sự công bằng hơn cho các nhà đầu tư, đặc biệt trước những thông tin bất lợi trên toàn cầu. Ví dụ, nếu đêm hôm trước chứng khoán Mỹ lao dốc thì sáng ngày hôm sau, các nhà đầu tư ở Nhật, rồi đến Hồng Kông, Singapore sẽ bán tháo trước khi thị trường chứng khoán trễ hơn như Việt Nam mở cửa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, người nào hành động trước chắc chắn sẽ thu được khoản lợi nhuận không nhỏ và thị trường chứng khoán ở đó sẽ thu hút được vốn đầu tư nhiều hơn. Ngoài Singapore thì Malaysia và Philippines cũng là những thị trường tài chính quan trọng trong khu vực có cùng chung múi giờ GMT+8. Thêm vào đó, sự đồng bộ về thời gian làm thủ tục, thời điểm xuất và nhập hàng hóa ở các cảng biển, thời điểm tổ chức hội họp giữa chi nhánh các quốc gia, lịch trình công tác, chi trả qua hệ thống ngân hàng hay sự đồng bộ về thời điểm khởi hành và đến của các chuyến bay hàng không… chắc chắn cũng sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Lợi ích lớn là thế, nhưng việc thực hiện là không dễ dàng. Năm 1993, Thái Lan đã từng nghĩ đến chuyện di chuyển múi giờ sang GMT+8 để cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2001, thêm một lần nữa, ý tưởng này được Thủ tướng Thaksin Shinawatra đề xuất nhưng đã không được thông qua. Về đề xuất lần này của Malaysia và Indonesia thì chưa biết có thành công hay không, nhưng các quốc gia thành viên khác đang cân nhắc kỹ, đặc biệt là việc chọn múi giờ nào phù hợp cho cả khu vực. Nếu dựa theo kinh nghiệm thành công của Singapore, có thể GMT+8 sẽ là lựa chọn phù hợp, vì đó là khung thời gian trùng với các thị trường lớn khác và hiện cũng đã có 5/10 thành viên trong khối sử dụng múi giờ này. Ngoài ra, hiện 10 quốc gia tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) có lãnh thổ địa lý đang trải dài từ múi giờ GMT+6.30 (Myanmar) đến một phần lãnh thổ phía Đông của Indonesia (GMT+9), tức trải rộng trên khung thời gian 90 phút. Vì thế, việc lựa chọn một múi giờ có giá trị trung hòa như GMT+8 sẽ cân bằng được lợi ích tổng thể cho các thành viên. Chỉ có một điều lo ngại là thói quen sinh hoạt của người dân sẽ phải thay đổi. Người dân ở những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào sẽ phải thức dậy sớm hơn 1 tiếng so với trước đây để hòa chung nhịp sống với cả cộng đồng AEC. Liệu điều này sẽ khả khi và lợi ích mang lại có đủ khiến các quốc gia này chịu “hy sinh”? Thực ra, khoảng chênh lệnh 90 phút về múi giờ cho toàn bộ ASEAN vẫn còn khá khiêm tốn. Một quốc gia rộng lớn như Trung Quốc có mức độ trải rộng lãnh thổ từ Đông sang Tây còn lớn hơn cả khu vực ASEAN, nhưng người dân ở đây chấp nhận chỉ dùng chung một múi giờ vì thấy được những lợi ích to lớn về sự đồng bộ trong các hoạt động kinh tế và giao thương. Hiện tại, các cuộc thảo luận để cho ra đời một cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào cuối năm nay đang diễn ra rất sôi nổi với nhiều nội dung khác nhau. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 được tổ chức vào giữa tháng 3 tại Malaysia, các quốc gia thành viên đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong việc kết nối khu vực tài chính - tiền tệ như góp vốn vào Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN, tăng cường hoạt động của Diễn đàn Thuế nhằm mục đích hài hòa thủ tục và thuế suất, về tiến độ thực thi cơ chế một cửa trong hợp tác hải quan, tiến độ thực hiện những cam kết về mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 trên 3 lĩnh vực là phát triển thị trường vốn, tự do hóa tài khoản vốn và tự do hóa dịch vụ tài chính. Đặc biệt, tại hội nghị lần này, các bộ trưởng khối ASEAN cũng tái khẳng định sẽ cam kết thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thích hợp nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính cho toàn khu vực. Theo Nhịp cầu đầu tư Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|