Giám sát hóa đơn tính tiền điện, tránh 'phù phép' gấp đôi, gấp ba |
Thứ ba, 08/07/2014, 08:39 GMT+7 |
Liên quan đến biến động mạnh về hóa đơn tính điện, ngành điện đang kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát EVN, ghi chỉ số công tơ hàng tháng. Giá điện tiếp tục là chủ đề gây "nóng" tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều nay (7/7). Trong đó, báo giới liên tục chất vấn tình trạng hóa đơn "tăng- giảm" đột biến trong tháng 6, thậm chí, tại địa bàn Sóc Sơn, Hà Nội có tới 200/300 công tơ bị ghi thiếu tiền điện. Nội thành Hà Nội, nhiều hộ gia đình có hóa đơn tiền điện bị đội lên gấp 2 lần, thậm chí gấp nhiều lần so với các tháng trước. Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành lại bị hạ bớt đi so với thực tế dùng. Ngành điện đang kêu gọi người dân cùng tham gia giám sát EVN, ghi chỉ số công tơ hàng tháng. Có mặt tại phiên họp báo tháng này, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) khẳng định, tất cả trường hợp báo nêu có địa chỉ cụ thể, Tổng công ty đã cử đơn vị quản lý xuống làm việc cụ thể với khách hàng. Qua làm việc giải thích và trao đổi, khách hàng đã đồng ý với cách kiểm tra của công ty, một số khách hàng không đồng ý thì phía Điện lực đã đưa công tơ đi kiểm định. Riêng trường hợp tại Sóc Sơn, Điện lực Sóc Sơn đã có báo cáo và tạm đình chỉ 2 công nhân ghi chỉ số công tơ điện. Về việc hóa đơn tiền điện ở nội thành Hà Nội "đội" lên gấp 2 gấp 3 so với bình thường, ông Trung nói, trong quá trình ghi chỉ số hóa đơn có thể có sai sót, nếu phát hiện sai phạm, EVN HANOI sẵn sàng hủy hóa đơn điện và in lại. Ngoài ra, vị đại diện này cũng thêm rằng, việc tăng hóa đơn điện không phải do áp dụng biểu giá tính điện mới từ ngày 1/6/2014, thậm chí đơn giá điện từ 1/6 làm giảm chi phí tiêu dùng cho khách hàng. Cùng nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải một lần nữa nhấn mạnh, ngày 1/6 Bộ Công thương chỉ thay đổi biểu giá tính điện chứ không phải tăng giá. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải cũng lưu ý rằng, thời gian tới, không chỉ điện mà cả xăng dầu sẽ tiến tới giá thị trường. "Tôi cũng nghe về vụ việc 2 công nhân tại Sóc Sơn vi phạm. Trước mắt đã xử lý cho thôi việc và sẽ có biện pháp xử lý đúng để không ảnh hưởng tới điện sinh hoạt của người dân", người phát ngôn Bộ Công thương nói. Ông Hải cũng chia sẻ, "nhiều người dân xung quanh nhà tôi cũng thắc mắc hóa đơn điện giảm hơn so với các tháng trước. Thực tế, nếu tiền điện bù theo 3 mức thì giá giảm đi chứ không phải tăng lên". Hiện tại, Bộ Công thương đã yêu cầu kiểm tra, trong 100 số hộ khiếu nại về giá điện thì 72% số khiếu nại dùng trên 400 số; 28% dùng trên 100 - 400 số; không có trường hợp nào dùng dưới 100 số. Dưới 100 số là những người dùng ít, hộ nghèo. Nếu thành phần đó mà tăng vài số thì là vấn đề lớn - ông Hải nói. "72% số khiếu nại dùng trên 400 số mà khiếu nại, thì phải xem lại cụ thể như thế nào, là vấn đề gì?" Về phía Cục Điều tiết Điện lực, Phó Cục trưởng Đinh Thế Phúc phân tích, những biến động mạnh trong hóa đơn tiền điện có thể do tăng giá điện, có thể do sản lượng điện dùng tăng cao do mùa nắng nóng. Thực tế, ngày 1/6 là điều chỉnh thông số tính giá bán điện chứ ko phải tăng giá điện. Giá điện sinh hoạt giảm. So sánh biểu giá bán điện mới - dùng 100 số giảm 825 đông; 200 số giảm 19.800 đồng; 400 số giảm 38.000 đồng. Biểu giá điện mới cùng sản lượng thì giá điện dùng sẽ giảm chứ không phải tăng, ông Phúc tái khẳng định. Ông Phúc cũng kêu gọi, toàn dân tham gia vào việc giám sát ngành điện, ghi chỉ số công tơ hàng tháng. Đến ngày ghi chỉ số công tơ thì có thể giám sát, xem cùng ngành điện. "Cám ơn báo chí, nhờ báo chí mà biết được việc hóa đơn tiền điện tăng cao" - đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) chia sẻ. Theo Fica Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|