Luật Biểu tình sẽ được thông qua vào năm 2015 |
Thứ hai, 02/06/2014, 09:03 GMT+7 |
Sau nhiều lần đề nghị đi đề nghị lại, chiều 30/5 dự án Luật Biểu tình cũng đã được quyết định thời gian đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua. Với đa số phiếu tán thành, chiều 30/5 Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Trước thềm kỳ họp thứ bảy, dự án Luật Biểu tình vẫn chưa xuất hiện ở chương trình xây dựng luật năm 2015 và cũng chưa rõ thời điểm được trình ra Quốc hội. Thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2015 Luật Biểu tình, Luật Về hội, Luật Tiếp cận thông tin... Có ý kiến đề nghị cho ý kiến dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2015. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật Biểu tình đã được bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015). Các dự án Luật Về hội và Luật Tiếp Cận thông tin cũng được bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 để triển khai quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết. Tại nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung vào chương trình thông qua tại kỳ họp này Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (theo quy trình tại một kỳ họp). Cũng thông qua ngay tại kỳ họp thứ 7 là nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Luật Hộ tịch (sửa đổi) được bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Còn được bổ sung vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 8 là nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới. Quốc hội cũng nhất trí chuyển từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang kỳ họp thứ 8 các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Để hỗ trợ các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chuẩn bị dự án, trong nghị quyết của Quốc hội lần này đã quy định “tăng kinh phí hỗ trợ xây dựng pháp luật, bảo đảm kinh phí xây dựng dự án luật, pháp lệnh đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cả nhiệm kỳ và hằng năm”. Theo Vnexpress Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|