top-banner-2

Thứ tư, 26/02/2014, 06:03 GMT+7

Có nên đôi co về nợ xấu?

Thứ tư, 26/02/2014, 06:03 GMT+7

Phần lớn nợ xấu không phát sinh từ các khoản nợ từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... mà chủ yếu do ngân hàng cho vay buôn bán bất động sản...

“Đây không phải thời điểm tranh cãi nợ xấu bao nhiêu nữa mà vấn đề quan trọng hơn là tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu cũ, hạn chế phát sinh nợ xấu mới”, đó là ý kiến của chuyên gia về bất đồng tỷ lệ nợ xấu giữa Ngân hàng Nhà nước và Moody’s diễn ra mới đây.

Bình luận về việc hãng Moody’s cho rằng tỷ lệ nợ xấu hiện lên tới 15% trong khi con số do Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 3,6% tính đến hết 2013 và nếu tính đúng đủ cả khoản nợ đã cơ cấu lại theo Quyết định 780 thì cũng chỉ 9%, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) nói: “Thời điểm này không cần phải đôi co về nợ xấu”.

Để xử lý nợ xấu, trước hết vẫn là tìm cách khôi phục sản xuất kinh doanh, làm cho dòng tiền doanh nghiệp hồi phục trở lại.

Nguy cơ đổ vỡ không còn

Theo ông Nghĩa, dù là tỷ lệ bao nhiêu thì hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kịch bản xử lý với hẳn hai đề án của Chính phủ. Đặc biệt là với công cụ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nguồn trích lập dự phòng rủi ro từ chính các ngân hàng được coi là những biện pháp rất quan trọng để xử lý nợ xấu trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay.

Và, với cách thức xử lý nợ xấu như trên, trong ngắn hạn, không cần lo lắng nhiều đến những nhân tố tiềm ẩn gây đổ vỡ hệ thống.

Bởi lẽ, năm 2011, nợ xấu theo chuẩn Việt Nam lên tới 14,7% trong khi các tổ chức quốc tế đánh giá khoảng 30%. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một chương trình tái cấu trúc tổng thể và kết quả là đưa nợ xấu xuống 5%, số lượng ngân hàng thương mại giảm tới 14 đơn vị, nhờ đó, tránh được nguy cơ đổ bể cho hệ thống.

Thứ hai, nợ xấu Việt Nam phần lớn là từ bất động sản và đến nay, có thể khẳng định chúng không còn nguy cơ đổ vỡ. Giá bán nhà đất hiện được cho là đã xuống đáy nhưng các nhà kinh doanh vẫn có lãi, kèm theo đó là niềm tin phục hồi đang rất mạnh mẽ, khác với những giả định bán tống bán tháo để xử lý ở một số nhà phân tích.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá cao so với mức bình quân ở các nước trong khu vực. Trong đó, một số ngành như dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng khá. HSBC mới công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt 51,5 điểm tính đến tháng 9/2013 và đến tháng 1/2014 tăng lên 53,5 điểm.

Thứ tư, mặc dù nền kinh tế vẫn khó khăn nhưng đầu tư nước ngoài tăng nhanh kể cả vốn đăng ký lẫn vốn thực hiện. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong trung hạn.

Ngoài ra, dù không nói ra nhưng toàn bộ tiền gửi của người dân được Chính phủ bảo lãnh gần như hoàn toàn, kể cả khi mức bảo hiểm chỉ 50 triệu đồng/món gửi (theo luật) và Chính phủ thường xuyên đưa ra điệp khúc “không được để ngân hàng đổ vỡ” mỗi khi hệ thống tổ chức tín dụng có vấn đề. Bằng chứng là trong mấy năm qua, mức tăng trưởng tiền gửi luôn gấp đôi tăng trưởng tín dụng.

Dừng chuẩn mực Basel?

Theo Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2013, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 142 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,55%/tổng dư nợ, giảm so với mức 4,73% của tháng 10/2013 nhưng tăng 19,9% so với cuối 2012 và giảm mạnh so với mức tăng 67% của cùng kỳ 2012.

Tuy nhiên, do sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm nên trong suốt năm 2013, nợ xấu liên tục tăng, duy chỉ có tháng 6/2013 giảm 2% và tháng 11/2013 giảm 3,1%.

Ông Nghĩa cho rằng, cội nguồn của nợ xấu là do tổng cầu đang suy giảm, doanh nghiệp phá sản nhiều, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ. Trong khi đó, đến tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước không thể chần chừ áp dụng Thông tư 02 và do đó, trên 300 nghìn tỷ nợ xấu do cơ cấu, giãn hoãn từ trước sẽ “lộ thiên”.

Vì thế, trong khi số nợ xấu đã công bố chưa xử lý xong thì nợ xấu chưa công bố và nợ mới sẽ lại nối đuôi nhau sinh nở thêm.

Bởi vậy, để xử lý nợ xấu, trước hết vẫn là tìm cách khôi phục sản xuất kinh doanh, làm cho dòng tiền doanh nghiệp hồi phục trở lại. Trong đó, các ngân hàng thương mại nên chấm dứt kiểu cho vay ngồi một chỗ rồi đòi hỏi tài sản thế chấp, khi doanh nghiệp gặp khó thì cắt rụp vốn lưu động hoặc giăng bẫy đòi nợ cũ rồi đóng sập cửa lại.

Xung quanh vấn đề này, ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thông Thuận (đơn vị cấp tôm giống cho nhiều tỉnh cả nước – PV) bức xúc: “Các ngân hàng cứ quen thói đòi tài sản bảo đảm là đất mới cho vay thì còn lâu tôi mới vay. Thế nên, tôi mời ra khỏi cơ quan và nói thẳng: đến mà cho mấy doanh nghiệp ôm đất mà cho vay!”.

Theo ông Thông, do có thị trường nội địa và xuất khẩu tốt, rất nhiều ngân hàng đến “ve vãn” để cho vay nhưng khi làm hồ sơ, từ các ngân hàng cổ phần cho đến Vietcombank, Agribank đều đòi thế chấp bất động sản và không coi trọng dòng tiền của doanh nghiệp.

Hai là, liên quan đến vấn đề áp dụng Thông tư 02, ông Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh Thông tư 02 theo hướng linh hoạt phù hợp hơn với thông lệ Việt Nam, dù có thể không trúng với thông lệ quốc tế.

Ví dụ, doanh nghiệp vay 4 món 4 ngân hàng, nếu có một món dính nợ xấu, nếu theo thông lệ quốc tế thì phải hạch toán cả 4 vào nợ xấu nhưng ở Việt Nam thì phải bóc tách, nợ xấu ở đâu, chỉ ghi nhận ở đó. Tuy nhiên, nếu làm theo như vậy thì đồng nghĩa với con đường tiếp cận với những chuẩn mực của Basel II và Basel III mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi lâu nay sẽ bị lùi một bước.

Ba là, phần lớn nợ xấu không phát sinh từ các khoản nợ từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... mà chủ yếu do ngân hàng cho vay buôn bất động sản, doanh nghiệp vay tiền làm dự án nhưng cũng đi ôm đất. Thế nên, phải xử lý được khối băng bất động sản càng nhanh, càng sớm càng tốt.

Theo VnEconomy

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Có nên đôi co về nợ xấu?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc