Lo cạnh tranh tầm quốc gia: Vietnam Airlines kêu gọi VietJet, Jetstar cùng kết nối |
Thứ tư, 15/01/2014, 10:30 GMT+7 |
Một năm trước, lãnh đạo tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) lo “thị trường hàng không nội địa bị cạnh tranh khốc liệt chưa từng thấy” nhưng năm nay, lãnh đạo VNA lại lo “cạnh tranh ở tầm quốc gia với các nước khác” chứ không chỉ còn là câu chuyện nội bộ giữa Vietnam Airlines với Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines – JPA. Mới đây, chủ tịch hội đồng thành viên Vietnam Airlines, ông Phạm Viết Thanh cho biết, một trong những kiến nghị được tổng công ty này đặc biệt nhấn mạnh với lãnh đạo bộ Giao thông vận tải, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo lợi thế cho ngành hàng không Việt Nam trong năm 2014. Đó là phải làm sao có giải pháp để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không nói chung, từ các hãng hàng không, công ty dịch vụ mặt đất, đơn vị quản lý bầu trời… kết nối lại với nhau, tạo nên sức mạnh tập thể để cạnh tranh “ở tầm quốc gia” với các hãng hàng không các nước khác, chứ không chỉ là cuộc cạnh tranh nội bộ của các hãng hàng không nội địa. Đến tận bây giờ, các hãng hàng không nội địa vẫn cạnh tranh khốc liệt với nhau. “Bài toán năm 2014 của VNA không phải cạnh tranh với JPA, với VietJet Air thế nào mà là của ngành hàng không với các quốc gia khác, tức là cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau vì năm 2015 chúng ta phải mở cửa bầu trời (theo thoả thuận thị trường hàng không chung của các nước Asean – hay còn gọi là “bầu trời mở Asean” – PV). Đây không là việc riêng của VNA, của cục vụ nào thuộc bộ Giao thông mà làm sao để cả công ty cảng, quản lý bầu trời, ba nhà vận chuyển cùng có giải pháp để tạo lợi thế khi hội nhập”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh. Chủ tịch VNA dẫn chứng, trong năm 2013, giá vé các đường bay từ châu Âu sang Việt Nam đã giảm đáng kể. Nếu trước đây các đường bay này VNA cạnh tranh chủ yếu với các hãng hàng không của Pháp và Đức thì trong năm qua, các hãng hàng không của Đức đã phải nhường chỗ cho các hãng hàng không đến từ Trung Đông, ví dụ như Emirates. Còn nhớ, một năm về nước, tại hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chính ông Thanh từng than rằng “chưa bao giờ cạnh tranh nội địa lại khủng khiếp đến vậy”. Bài toán năm 2014 của VNA là của cả ngành hàng không với các quốc gia khác, tức là cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau vì năm 2015 chúng ta phải mở cửa bầu trời. Dẫu vậy, theo ông Thanh, các giải pháp tiết kiệm đã được thực hiện hết, việc cắt giảm chi phí gần như đã chạm ngưỡng. Đơn cử như số lượng lao động đến ngày cuối cùng năm 2013 đã trở về bằng con số của cuối năm 2011. Thêm vào đó, dư địa từ nguồn khách nội địa cũng hầu như không còn… “Cho nên với số lượng lao động không tăng mà doanh thu dự kiến năm 2014 vẫn phải tăng 10% so với năm qua sẽ rất khó! Chỉ còn cách phải tổ chức lại khâu sản xuất, cắt bớt khâu trung gian. Như việc dự kiến tăng thêm 10% giờ bay đối với đội tàu bay A321”, ông Thanh nói. Tuy nhiên, vẫn theo ông Thanh, các giải pháp trên sẽ phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối lên trên hết, bởi chính yếu tố an toàn tuyệt đối trong suốt 17 năm qua là một trong những tiêu chí để hành khách lựa chọn hãng hàng không này. Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, bộ này đã giao cho thứ trưởng Phạm Quý Tiêu làm đầu mối để kết nối các đơn vị liên quan trong lĩnh vực hàng không để lắng nghe kiến nghị cụ thể, giải quyết hoặc kiến nghị Chính phủ nhằm có cơ chế thuận lợi để nâng cao cạnh tranh quốc gia về hàng không. Riêng với Vietnam Airlines, bộ trưởng cũng yêu cầu tổng công ty đổi mới hơn nữa quản trị doanh nghiệp, đồng thời lưu ý cùng với nâng cao dịch vụ là phải hạ giá thành hơn để tăng tính cạnh tranh. Theo VnEconomy
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|