Cắt giảm điều kiện kinh doanh, vẫn mang tính cơ học |
Thứ hai, 15/01/2018, 08:09 GMT+7 | |
Nhiều điều kiện kinh doanh được cho là đã cắt giảm nhưng thực tế lại “vô nghĩa”. Việc cắt giảm chưa thực sự tạo ra sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Trong năm qua, nhiều bộ ngành đã nghiêm túc, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) gây khó cho doanh nghiệp (DN), tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho cộng đồng DN. Tính đến cuối tháng 12/2017, đã có 5 bộ thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi các ĐKKD. Bộ Công thương là đơn vị đầu tiên thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm 675 ĐKKD trong tổng số 1216 ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ (chiếm 55%). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ 118/345 ĐKKD (chiếm 34,2%. Bộ Xây dựng cũng đề xuất bãi bỏ 89/215 ĐKKD (chiếm 41,3%). Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 ĐKKD (chiếm 16%). Tuy nhiên, việc cắt giảm ĐKKD này tại các bộ đa phần mới chỉ dừng lại ở mức rà soát, hầu hết chưa có phương án thực hiện cụ thể. (Ảnh KT) Cắt giảm ĐKKD, “có mà như không” Đánh giá về việc cắt giảm ĐKKD, nhiều ý kiến cho rằng “cắt mà như không cắt”, việc cắt giảm đang dừng ở mức dùng các chiêu thức mang tính kỹ thuật để cắt giảm số lượng nhưng chất lượng của việc cắt giảm này lại không có giá trị thực tế. Điển hình như: theo công bố của Bộ Công thương, nhóm ngành kinh doanh thực phẩm sẽ cắt giảm 215 ĐKKD, một số ĐKKD cắt giảm như: cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương… Tuy nhiên, trên thực tế, kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào đều phải đăng ký giấy tờ trên. Như vậy, việc cắt giảm ĐKKD như trên rơi vào tình trạng “có cũng như không”. Hay với ngành nghề hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công thương bỏ điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng cần có tên miền hợp lệ và tuân thủ quy định về quản lý thông tin trên internet, tuy nhiên, các DN cho rằng việc cắt giảm điều kiện này cũng không có nhiều ý nghĩa vì nó không giúp hoạt động của DN thông thoáng hơn… Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện các Bộ vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh. Các quy định về điều kiện chung (như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; môi trường; an toàn lao động;…) mặc dù đã được quản lý bởi các cơ quan như Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội… nhưng các Bộ khác vẫn quy định quản lý cả những điều kiện này. “Có nhiều ĐKKD chưa thực sự là bãi bỏ bởi trong văn bản đó lại tham chiếu vào một điều khoản cụ thể tại văn bản khác thay vì liệt kê chi tiết các ĐKKD đó ra, như vậy thực tế ĐKKD đó chưa bị bỏ. Hay như có 1 số ĐKKD trước đây là các ĐKKD nhỏ thì giờ gộp lại thành 1 ĐKKD lớn”, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết. Theo đại diện Hiệp hội Gas, mặc dù, Bộ Công thương đã tuyên bố xóa bỏ thủ tục xác nhận, khai báo hóa chất, nhưng một năm qua vẫn không thực hiện. Mọi lô hàng khí hóa lỏng đều phải qua thủ tục này. Doanh nghiệp phải lên Cục Hóa chất, Bộ Công thương 2 lần chỉ để xác nhận đã khai báo, rất mất thời gian của doanh nghiệp. “Để nhập khẩu hóa chất vào Việt Nam, làm thủ tục thông quan nguyên liệu, doanh nghiệp phải mất thời gian làm hồ sơ đăng ký hóa chất, theo luật là 3 ngày nhưng thường không bao giờ trong 3 ngày có thể nhận được hồ sơ mà phải mất gần 1 tuần. Việc chậm trễ này làm ảnh hưởng tới tiến độ lô hàng của doanh nghiệp”, bà Dương Hương Giang, Công ty TNHH Kenbono Kasei Việt Nam, cho biết. Cắt giảm ĐKKD, cần đi vào thực chất Theo Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Vietsky, nhiều ĐKKD không cần thiết vẫn được giữ lại hoặc quy định chung chung, không rõ ràng. Trong số các ĐKKD đã bãi bỏ, sửa đổi thì ½ số điều kiện thuộc diện sửa đổi chỉ đơn thuần là diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho DN. “Việc cắt giảm ĐKKD về mặt kỹ thuật chứ không tạo ra môi trường dễ dàng tiếp cận hơn đối với DN, bởi nếu như tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thì sẽ cắt giảm một cách toàn diện những điều kiện cản trở kinh doanh. Nhưng thực tế, rất nhiều ĐKKD mà Bộ Công thương quản lý vẫn tạo rất nhiều rào cản, làm cho DN gặp khó khăn như lĩnh vực khí gas, chuyển nhượng quyền… Động thái giảm mấy trăm ĐKKD này cũng chỉ là sự tự điều chỉnh về mặt kỹ thuật, còn nếu thực sự muốn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thì cần cắt giảm sâu và thực chất hơn nữa”, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều DN mong muốn nhất hiện nay không phải việc ra liên tiếp các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hay Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp mà điều quan trọng những cải cách đi vào thực chất hơn. “Việc rà soát ĐKKD – một bộ phận quan trọng của xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh, không phải là công việc làm một lần. Đây là công việc phải làm định kỳ ít nhất là hàng năm hoặc 6 tháng/lần. Phải có sự thay đổi trong tư duy, cách thức quản lý. Cơ quan soạn thảo văn bản phải có ý thức cầu thị hơn, lắng nghe hơn ý kiến từ cộng đồng DN.”, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.
Theo Cẩm Tú - vov.vn - 15/01/2018 Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-van-mang-tinh-co-hoc-718676.vov
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|