top-banner-2

Chủ nhật, 10/09/2017, 02:01 GMT+7

Đưa quyền con người vào trường học năm 2025

Chủ nhật, 10/09/2017, 02:01 GMT+7

Sau giai đoạn thí điểm 2017- 2020, đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đưa nội dung quyền con người vào chương trình giảng dạy.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc đưa nội dung mới này vào giảng dạy nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh học sinh (HS) bởi nó giúp giới trẻ ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân cũng như tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác.

Được học về bình đẳng, tôn trọng

Theo đề án, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ thí điểm đưa nội dung quyền con người vào các cấp bậc giáo dục từ mầm non đến THPT ở 3 tỉnh, thành đại diện cho 3 miền (dự kiến mỗi cấp 2 trường). Đối với giáo dục ĐH, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo (3 trường/khối trường); đối với giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành nghề đào tạo (3 trường/khối trường).

Cũng trong giai đoạn này sẽ xây dựng nội dung chương trình giáo dục về quyền con người (có môn học độc lập và tích hợp môn học) trong các cấp học, ngành học và trình độ đào tạo.

Cụ thể, hoàn thiện nội dung quyền con người trong các môn học đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật đã được định hướng về nội dung trong đổi mới chương tình giáo dục phổ thông (chương trình tổng thể). Bổ sung nội dung quyền con người vào giáo trình pháp luật đại cương dùng trong các trường ĐH không thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính. Xây dựng giáo trình quyền con người dùng chung trong các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp thuộc khối ngành luật, hành chính, nội chính.

Đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

Theo đề án, chương trình được xác định cụ thể cho từng cấp học và chương trình đào tạo. Cụ thể, đối với trẻ em mẫu giáo, bước đầu hình thành nhận biết được quyền và tôn trọng quyền của người khác. HS tiểu học bước đầu hiểu được một số kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ của con người, của công dân; từ đó hình thành kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và của người khác, thái độ tôn trọng quyền con người. HS THCS hiểu được kiến thức cơ bản về quyền và nghĩa vụ công dân cao hơn so với HS tiểu học; các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định để từ đó phát triển kỹ năng tự bảo vệ quyền của bản thân và của người khác, củng cố thái độ tôn trọng quyền con người.

Với HS THPT, đề án đưa ra mục tiêu hiểu được kiến thức cơ bản về quyền con người cao hơn HS THCS; xây dựng thái độ, ý thức tôn trọng quyền con người, quyền công dân, sự khoan dung, bình đẳng, đoàn kết dân tộc và quốc tế.

quyen-con-nguoi-vanhoadoanhnhan

Việc đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy cho học sinh là rất bổ ích và cần thiếtẢnh: TẤN THẠNH

Muộn còn hơn không

Cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Jean Piaget (Hà Nội), cho rằng việc giáo dục về quyền con người vốn đã được đưa vào chương trình các cấp học, như ở môn đạo đức ở giáo dục tiểu học, giáo dục công dân đối với HS THCS, THPT nhưng khá mờ nhạt. Thêm vào đó, với phương pháp giáo dục còn nặng về lý thuyết, những bài học đạo đức chưa ngấm vào ý thức HS. Do đó, việc đưa quyền con người vào chương trình giảng dạy cho trẻ là rất cần thiết.

Thầy Nguyễn Quốc Vương - Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), người từng nhiều năm học tập tại Nhật Bản - đánh giá việc Chính phủ phê duyệt đề án có thể coi như một mốc đánh dấu sự chuyển biến trong tư duy của Chính phủ cũng như là ngành giáo dục về quyền con người. "So với các nước tiên tiến trên thế giới thì đúng là Việt Nam đi sau. Ở Nhật, nội dung giáo dục về quyền con người được đưa chính thức vào chương trình giáo dục quốc dân từ rất sớm. Từ năm 1947 trở đi, giáo dục nhân quyền dựa trên nguyên lý "tôn trọng con người" (tôn trọng nhân quyền), một trong 3 nguyên lý cơ bản của Hiến pháp 1946 đã được đẩy mạnh. Như vậy là ít nhất chúng ta đã muộn hơn họ 70 năm. Nhưng muộn còn hơn không" - thầy Vương bày tỏ.

TS Hà Việt Anh, Chủ nhiệm CLB Phát triển năng khiếu trẻ em Gentalent, cũng đồng tình việc đưa quyền con người vào giảng dạy. "Tất cả mọi người (kể cả trẻ em) cần phải biết mình có những quyền con người cơ bản nào để sống tự tin hơn, chuẩn mực hơn, từ đó biết tôn trọng quyền của người khác cũng như sự khác biệt của người khác" - TS Việt Anh nhấn mạnh.

Tránh nhồi nhét

Là một giáo viên (GV) miệt mài dạy giá trị sống như yêu thương, tôn trọng, bao dung, trung thực, khiêm tốn, trách nhiệm cho trẻ tại CLB Gentalent trong gần 4 năm qua, TS Hà Việt Anh thẳng thắn cho rằng rất khó khăn để đưa nội dung này vào giảng dạy một cách hiệu quả khi mà giáo dục trong nhà trường những năm gần đây thiên về nhồi nhét kiến thức mà xem nhẹ việc dạy đạo đức làm người, cách ứng xử trong gia đình, ở trường lớp, nơi công cộng. Dù vậy, TS Hà Việt Anh cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng "khó không có nghĩa là không thể làm được".

"Sau một thời gian dài loay hoay, mò mẫm tìm cách truyền thông tới trẻ về đề tài này sao cho các cháu dễ tiếp nhận nhất, tôi may mắn tìm thấy bộ sách "Hiểu về quyền trẻ em" của tác giả Aleix Cabrera. Qua những câu chuyện hấp dẫn cùng hình vẽ đáng yêu, bộ sách đã giúp tôi gửi gắm đến những học trò nhỏ 10 nguyên tắc cơ bản trong tuyên ngôn về quyền trẻ em một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu nhất" - TS Hà Việt Anh kể và cho rằng trẻ nhỏ thường tiếp nhận các thông tin rất hiệu quả thông qua những câu chuyện, trò chơi, bài hát, câu thơ. "Cho nên chỉ cần truyền thông đúng cách thì những nội dung tưởng chừng như khô khan, cứng nhắc như quyền con người sẽ được học sinh "thẩm thấu" rất nhanh và hiệu quả. Ví dụ như ở lớp học của tôi, sau khi cô trò cũng nhau tìm hiểu thông điệp chính của mỗi quyền của trẻ em, các học sinh được thực hành ngay các bài tập tại lớp và thuyết trình báo cáo về sự hiểu biết (có liên hệ đến bản thân). Nếu trẻ được giáo dục những điều tuyệt vời này từ tấm bé, khi lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt, biết sống có trách nhiệm với bản thân và người khác" - TS Hà Việt Anh khẳng định.

Nhà giáo Phạm Thị Yến cũng cho rằng để giáo dục quyền con người có hiệu quả cần phải đổi mới phương pháp dạy học, ví dụ thông qua các câu chuyện, bài học, vở kịch, tiểu phẩm, những bài học thực tế. Bên cạnh đó, bà Yến cũng nhấn mạnh quyền và nghĩa vụ luôn cần được giáo dục song hành, nếu chỉ nói đến quyền sẽ dẫn đến cách hiểu lệch lạc ở trẻ em, chỉ biết đến quyền mà không biết đến bổn phận, nghĩa vụ. 

Khâu quyết định: Giáo viên

Dù rất đồng tình với việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giảng dạy nhưng giới chuyên môn cũng đặt ra nhiều băn khoăn về nội dung dự kiến đưa vào các cấp học vẫn còn chung chung và mơ hồ.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Vương lại nhận xét các nội dung nêu ra trong đề án chỉ mang tính chất khái quát, hướng dẫn. Nhà giáo này còn chia sẻ trong giáo dục hiện đại, nhà trường, GV phải cố gắng tối đa để tự chủ về nội dung. Nội dung có phù hợp, khả thi hay không sẽ phụ thuộc lớn vào việc xây dựng nội dung chương trình chi tiết của từng GV. Để dạy một nội dung vừa rộng lớn vừa cụ thể như nhân quyền thì sự chủ động của GV trong nội dung cụ thể và phương pháp hướng dẫn HS đóng vai trò quyết định của sự thành công. Do đó, trong quá trình thí điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho GV để chuẩn bị đủ nguồn khi nhân rộng đề án.

Dù vậy, cũng theo thầy Vương, việc phê duyệt đề án ở tầm quốc gia đã là một bảo chứng tốt để GV dựa vào đó triển khai ý tưởng của mình trong thực tiễn giáo dục. "Nội dung giáo dục nhân quyền rất phong phú và thiết thực với đời sống. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để GV tiến hành các thực tiễn giáo dục của riêng mình. Hơn nữa, do đi sau, Việt Nam sẽ có điều kiện để học hỏi các nước khác cả về lý luận lẫn thực tiễn" - thầy Vương lạc quan.

Theo Yến Anh - nld.com.vn - 09/09/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đưa quyền con người vào trường học năm 2025

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc