Quốc hội thông qua danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện |
Thứ tư, 23/11/2016, 11:08 GMT+7 |
Sáng qua 22.11, Quốc hội đã thông qua "Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư" với 83,16% đại biểu đồng ý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng xuất khẩu gạo là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế. Hơn nữa để đẩy mạnh liên kết giữa người sản xuất lúa với doanh nghiệp xuất khẩu thì xuất khẩu gạo cần phải được quản lý chặt chẽ, do đó xin giữ như dự thảo luật. Về kinh doanh xuất khẩu gạo, trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định để đảm bảo an ninh quốc gia, quốc phòng và các lợi ích công cộng liên quan đến sản phẩm gạo. Cụ thể, việc cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, các yêu cầu về dự trữ lưu thông… đã được quy định khá rõ trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Do đó, yêu cầu về điều kiện đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để đảm bảo cho lợi ích công cộng là chưa phù hợp. Trong khi đó, các điều kiện kinh doanh hiện nay của hoạt động xuất khẩu gạo chủ yếu liên quan đến quy mô của doanh nghiệp, như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Ông Thanh cũng cho biết, đa số đại biểu tán thành với việc giữ điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô (290/439 chiếm 66,05%). Cùng với đó là đề xuất bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được 348/439 (chiếm 79,3% đại biểu) tán thành. Dự thảo trình Quốc hội thông qua có hai điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017. Ngoài ra, một số ngành có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2017 là: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô. Luật giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này. Quốc hội cũng bãi bỏ Khoản 1 Điều 19 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Điều 151 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; bổ sung điểm g (kinh doanh pháo nổ) vào Khoản 1 Điều 6; thay thế Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bằng Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật này. Trước đó, trong bản kiến nghị gửi đến Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ một số ngành ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện là: kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; kinh doanh dịch vụ in; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; kinh doanh dịch vụ quảng cáo; kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo VCCI, Luật Đầu tư quy định: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". VCCI cho rằng, khi xác định một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các lý giải phải hướng đến mục tiêu trong quy định mang tính pháp lý trên. Tuy nhiên, một số ngành, nghề được đề nghị giữ lại/bổ sung vào danh mục lại xuất phát từ lý do là đã được quy định và thực hiện ổn định trong các văn bản pháp luật khác. Theo Motthegioi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|