top-banner-2

Thứ năm, 16/05/2013, 09:10 GMT+7

9 nút cần gỡ cho DN

Thứ năm, 16/05/2013, 09:10 GMT+7

Khẳng định DN trên địa bàn Thành phố đang tiếp tục khó khăn và đề xuất một số ý kiến nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà DN đang phải đối mặt là quan điểm của Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) trong buổi họp khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn do Đoàn đại biểu Quốc hội TP chủ trì mới đây.

Ảnh minh họa

Chủ tịch HUBA Huỳnh Văn Minh chia sẻ, với vai trò của mình, từ thực tiễn Hiệp hội đã có nhiều dự báo, kiến nghị và được Chính phủ tiếp thu, đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, gần đây nhiều kiến nghị của cộng đồng DN chưa được giải quyết, họat động DN ngày càng khó khăn. DN đang dần mất lòng tin, nền kinh tế khủng hoảng chưa có điểm dừng, dự báo quý 2 sẽ khó khăn hơn quý 1, các DN trong nước chưa có dự án và phương án đầu tư tốt, DN nước ngoài chần chờ xem xét sự thay đổi chính sách như thế nào… dẫn đến nguy cơ tái nghèo, tăng nghèo.

Nặng chống, nhẹ xây

Nguyên nhân mà ông Minh chỉ ra chủ yếu là do cơ chế chính sách “nặng chống – nhẹ xây”, kềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa đảm bảo được an sinh, xã hội. Việc siết chặt đầu tư, siết tín dụng dẫn đến thiếu nguồn vốn, doanh nghiệp đang dần chết đi một con số đáng kể, và số DN mới ra đời còn non trẻ không thể thay thế được những DN có bề dày đã mất đi. Chính sách hỗ trợ DN chưa kịp thời và triển khai còn chậm. Các Bộ, ngành chưa thật sự quan tâm, chăm lo đến “sức khỏe” của DN

Ông Minh cho rằng, thời điểm này nên đưa ra câu hỏi để làm rõ “Vì sao lại có tình hình này và phải đánh giá cho đúng sự thật”. Vị đại diện cho Hiệp hội DN ở khu vực đầu tàu kinh tế cả nước nhấn mạnh: “Đề nghị tháo ngay các cơ chế chính sách để xây dựng lòng tin cho DN và phải để nền kinh tế tự vận hành theo cơ chế thị trường, chứ không nên áp dụng cơ chế nặng về hành chính như hiện nay”...

Báo cáo về tình hình khó khăn của DN, Phó Chủ tịch thường trực Phạm Ngọc Hưng nêu ra 5 vấn đề lớn về hàng tồn kho, sức mua giảm, nguồn vốn, chính sách và lãi suất. Cụ thể, về hàng tồn kho, khó khăn lớn nhất của DN từ năm 2012 kéo đến nay không còn là vấn đề chi phí vốn mà là giải quyết hàng tồn kho. Vòng quay hàng tồn kho chậm lại buộc DN phải cân đối vòng quay các tài sản khác để bù đắp vốn lưu động: giãn nợ phải trả tăng tiền ứng trước của người mua (chiếm dụng vốn lẫn nhau). Những mặt hàng tồn kho lớn nhất hiện nay là: Bất động sản, Vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng), trang trì nội thất, hàng tiêu dùng nội địa… Để giải quyết lượng hàng tồn kho, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đã dùng rất nhiều biện pháp khuyến mãi, giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng, nhưng sức mua vẫn rất yếu do thu nhập của người lao động còn thấp. Đối với thị trường bất động sản: giá nhà đất đã giảm mạnh, nhưng với giá hiện tại vẫn đang còn rất cao đối thu nhập của người lao động. Các mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm xuống giá dẫn đến thu nhập của người nông dân giảm, lượng người thất nghiệp ngày càng tăng do các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất… làm cho đời sống của người dân ngày càng khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua.

Vốn là muôn thuở

Ông Hưng cũng cho biết mặc dù vốn không phải là khó khăn lớn nhất của DN hiện nay, nhưng vẫn luôn là một trong những khó khăn của DN. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm theo công bố của các ngân hàng lãi suất cho vay giao động từ 10% đến 13% nhưng thực tế rất ít DN vay được vời mức lãi suất này.  Bên cạnh đó sự thay đổi chính sách thường xuyên đã gây rất nhiều bất lợi cho DN như cách tính thuế và phí (nhất là cách thính giá đất, thuế đất), một số nghị định không phù hợp, chậm sửa đã làm cản trở sự phát triển của DN, Nghị định không đi vào cuộc sống, DN đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp như: Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 71/2010/NĐ-CP… Các chính sách vĩ mô còn thiếu hỗ trợ tích cực cho DN. Cụ thể, thuế suất của VN so với các nước trong khu vực còn cao. Theo một công trình nghiên cứu, mức huy động ngân sách (thuế) của nước ta lên đến 27% GDP, trong khi các nước trong khu vực chỉ 17-18%. Lãi suất ngân hàng của VN so với các nước trong khu vực thuộc vào hàng cao nhất, chưa kể nhiều yếu tố không tên khác làm tăng chi phí cho DN.

9 kiến nghị của HUBA

1, Kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng hóa tồn kho để giúp doanh nghiệp giảm giá bán, thu hồi vốn để tái sản xuất; Giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp xuống 20% đối với tất cả các ngành nghề (thời gian áp dụng từ ngày 01/07/2013) ngoài mục đích hỗ trợ doanh nghiệp còn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

2, Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện đầu tư và có chính sách hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại và quảng cáo đối với các doanh nghiệp nhằm giúp giải quyết lượng hàng tồn kho và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

3, Doanh nghiệp rất cần cơ chế chính sách ổn định lâu dài thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đây là mong muốn hàng đầu, mong muốn cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp...;

4, Đối với Ngân hàng, đề nghị cho phép các doanh nghiệp được đảo nợ thay cho mua bán nợ. Có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8% đến 10%/năm, đồng thời giảm bớt thủ tục không cần thiết; cho phép các doanh nghiệp thế chấp hàng hóa hoặc các dự án có tính khả thi...;

5, Đất, vàng, USD là những loại hàng hóa đặc biệt, nhạy cảm. Vì vậy, khi Nhà nước muốn thay đổi chủ trương chính sách cần đưa ra tham khảo ý kiến với các đối tương chịu tác động trước khi ra quyết định để tạo sự đồng thuận cao, đưa chủ trương vào cuộc sống;

6, Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan ban ngành sớm triển khai Nghị Quyết 02/NQ-CP một cách rõ ràng và đồng bộ, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, cứu nền kinh tế. Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ giải quyết tạm thời kiến nghị Chính phủ có chính sách ổn định trong thời gian dài, tránh tình trạng doanh nghiệp đang hoạt động từ lãi chuyển thành lỗ do thay đổi chính sách như thời gian qua (thay đổi tỷ giá USD, cách tính thuế, biểu thuế đất...);

7, Nhanh chóng và kiên quyết cho điều chỉnh những chủ trương, chính sách không còn phù hợp, không đi vào cuộc sống được như Nghị định 69/2009/NĐ-CP, Nghị định 71/2010/NĐ-CP...;

8, Tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn, nhân lực, cơ chế chính sách) nhằm tạo điều kiện cho họ vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn này;

9, Hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp: Trong năm 2013, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng phục hồi và tái cấu trúc DN mà rộng hơn là bảo đảm dòng di chuyển vốn, nhân lực, công nghệ cũng như sự vận hành ổn định toàn bộ thị trường để gia tăng giá trị mới. Vấn đề là cần có định hướng cơ bản để huy động hiệu quả nguồn lực, đẩy nhanh quá trình phục hồi và tái cấu trúc doanh nghiệp để vừa vượt qua khó khăn vừa đạt mục tiêu bao trùm của cả giai đoạn - đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Theo dddn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

9 nút cần gỡ cho DN

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc