Hoàn thiện thể chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền |
Thứ năm, 10/09/2015, 10:29 GMT+7 |
Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Bộ Quốc phòng cho biết, Nghị định 112/2014/NĐ-CP đã quy định tương đối chi tiết, cụ thể từ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý cửa khẩu biên giới đất liền… Tuy nhiên, còn một số nội dung cần hướng dẫn cụ thể để việc tổ chức thực hiện Nghị định được thống nhất, đồng bộ và hiệu quả như: 1- Nguyên tắc, trình tự xác định phạm vi khu vực cửa khẩu biên giới đất liền; trình tự thực hiện hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền. 2- Hướng dẫn cụ thể về thủ tục giấy tờ trên từng tuyến biên giới đối với người, phương tiện xuất, nhập cảnh; công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất, nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng đối với người, phương tiện xuất, nhập cảnh và hoạt động trong khu vực cửa khẩu; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu; công tác kiểm tra, giám sát biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng tại các cửa khẩu biên giới đất liền thực hiện Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS). 3- Mẫu và vị trí cắm biển báo khu vực cửa khẩu, các loại biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền; quy định về hệ thống barie kiểm soát tại cửa khẩu biên giới đất liền; phân luồng kiểm soát và thiết lập dây chuyền kiểm soát tại cửa khẩu biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. 4- Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và trách nhiệm của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam trong xây dựng, quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền. Nhằm hoàn thiện thể chế hoạt động quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, bảo đảm việc triển khai thi hành Nghị định số 112/2014/NĐ-CP được đầy đủ, thống nhất, hiệu quả, theo Bộ Quốc phòng, việc ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định là rất cần thiết. Bộ Quốc phòng đã dự thảo Thông tư gồm 5 chương, 22 điều và 4 phụ lục. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định quản lý người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát của bộ đội biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; xác định phạm vi khu vực cửa khẩu, thay đổi thời gian làm việc, hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền… Giấy tờ của người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Theo dự thảo, công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền phải có một trong các loại giấy tờ như: Hộ chiếu (Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông) hoặc Hộ chiếu thuyền viên, Giấy thông hành biên giới, Giấy thông hành xuất nhập cảnh, Giấy thông hành hồi hương, Giấy thông hành, Giấy phép xuất nhập cảnh và các giấy tờ khác có giá trị tương đương. Công dân Việt Nam cư trú ở tỉnh biên giới, khu vực biên giới sang tỉnh biên giới, khu vực biên giới nước đối diện thực hiện theo quy định của Hiệp định về Quy chế biên giới, cửa khẩu đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước láng giềng trên từng tuyến biên giới. Cụ thể, tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, cư dân biên giới Việt Nam được sử dụng giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới để xuất, nhập cảnh hoạt động tại vùng biên giới đối diện của Trung Quốc. Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Lào, công dân thuộc tỉnh biên giới của Việt Nam được sử dụng giấy thông hành biên giới để xuất, nhập cảnh hoạt động tại tỉnh biên giới đối diện của Lào. Công dân cư trú trong khu vực biên giới của Việt Nam được sử dụng giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận biên giới để xuất, nhập cảnh hoạt động tại khu vực biên giới đối diện của Lào; đối tượng dưới 15 tuổi chưa có giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận biên giới được đi kèm với người có giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận biên giới để sang khu vực biên giới đối diện của Lào. Đối với tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia, cán bộ, công chức thuộc tỉnh biên giới của Việt Nam được sử dụng giấy thông hành biên giới để xuất, nhập cảnh hoạt động tại tỉnh biên giới đối diện của Campuchia; công dân khu vực biên giới của Việt Nam được sử dụng giấy chứng minh biên giới để xuất, nhập cảnh hoạt động tại khu vực biên giới đối diện của Campuchia. Theo Baochinhphu.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|