4 điều không nên nói với những người đang tuyệt vọng |
Viết bởi Lê Linh |
Thứ bảy, 16/09/2017, 13:11 GMT+7 |
Trong những lúc buồn bã, tuyệt vọng nhiều khi an ủi không hợp lý lại chẳng khác nào một gáo nước lạnh tới người nhận. Khi bè bạn hoặc một người thân trong gia đình đang tức giận, buồn chán hay bị tổn thương, chúng ta thường cố gắng làm điều gì đó để cải thiện tâm trạng của họ. Tuy nhiên nếu không biết an ủi bằng lời nói một cách hợp lí thì chính những nỗ lực của chúng ta lại vô tình khiến tình trạng của người đó thêm tồi tệ. Chịu đựng những cảm xúc tiêu cực luôn là điều khó khăn, đó chính là lí do tại sao chúng ta muốn tìm mọi cách để rũ bỏ chúng. Có thể bạn từng được dạy rằng không nên dễ xúc động mà phải mạnh mẽ và đừng để lộ cảm xúc của mình cho ai khác; bạn được nghe rằng mình quá đa cảm hay những cảm xúc đó là do lỗi của bạn và rằng tất cả chúng đều có hại. Điều đó không hoàn toàn đúng. Và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu được tại sao nếu muốn an ủi ai đó trong lúc buồn thương hay chán nản, hãy trò chuyện với họ bằng sự cảm thông, quan tâm nhưng đừng nói với họ rằng: “Không có gì nghiêm trọng đâu. Đừng lo.” Nếu ai đó đang âu lo và thất vọng, phủ nhận hay chối bỏ cảm xúc đó sẽ càng làm trầm trọng thêm sự căng thẳng. Họ sẽ càng cảm thấy đơn độc và mong rằng liệu bạn có thể cùng trải nghiệm cảm xúc đó với họ. Trong trường hợp này, bạn hãy tìm hiểu xem điều gì đang làm họ lo lắng và lí do tại sao. Hãy tò mò để hiểu. Bạn không phải giải quyết vấn đề của họ, chỉ cần ở bên cạnh khi họ đang lo lắng. “Hãy nghĩ một cách tích cực” Nếu suy nghĩ tích cực dễ dàng đến vậy thì chúng ta không có gì phải bàn cả! Đúng là thay đổi cách nghĩ có thể giúp thay đổi cảm xúc của một người. Ai cũng muốn mình nghĩ tích cực nhưng để thực hiện được điều đó thì không hề dễ dàng chút nào. Dó đó, thay vì nói với người đang tuyệt vọng rằng “hãy nghĩ tích cực”, bạn nên đặt câu hỏi để hiểu vấn đề của họ, liệu điều gì có thể khiến họ cảm thấy tốt hơn. Có thể giải pháp của bạn không có nhiều tác dụng ngay lúc đó, nhưng điều quan trọng là bạn ở bên họ lúc khó khăn và hướng họ nhận ra rằng “luôn luôn có một con đường”. Cũng có những phương pháp giúp người đang thất vọng vượt qua những cảm xúc tiêu cực và hình thành những thói quen tốt, nhưng hãy nhớ rằng mỗi thay đổi đều cần phải trải qua thời gian rèn luyện nhất định. “Đừng có dễ xúc động hay bi kịch như thế nữa” Một số người rất nhạy cảm với những sự việc dễ xúc động. Điều đó không có gì là xấu cả. Trên thực tế, những người có độ nhạy cảm cao thường là những người có khả năng thấu cảm đáng kinh ngạc. Họ có thể rất sáng tạo, rất biết quan tâm chăm sóc đến người khác và là những người có nhiều tiềm năng. Nhạy cảm có thể là một món quà tuyệt vời nếu bạn có khả năng quản tốt những cảm xúc đến với mình. “Bạn cần phải lý trí hơn” Các vấn đề về cảm xúc cần những giải pháp có tính cảm xúc, chứ không phải những “phương thuốc” lý trí. Bạn cảm thấy buồn chán, điều đó không sai, chỉ là những cảm xúc đó đang trong trạng thái không tốt. Cảm xúc thực hiện rất nhiều chức năng quan trọng. Sự logic và lý trí cũng rất quan trọng, nhưng nếu bỏ qua mọi cảm xúc mà chỉ làm theo lý trí thì bạn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong những trải nghiệm sống của mình. Bởi vậy, chúng ta cần kết hợp cả hai yếu tố này. Kinh nghiệm hay trải nghiệm của mỗi người luôn có những giá trị và ý nghĩa nhất định với người đó. Khi bạn đánh giá những trải nghiệm của người khác căn cứ trên những gì bạn từng trải thì điều đó có nghĩa là bạn đang lạc xa với cảm xúc của họ, khuyên họ nên làm thế này, thế kia và cho rằng “nếu là họ bạn sẽ hành động khác”. Để giúp đỡ người khác vượt qua những cảm xúc tiêu cực, đôi khi chỉ cần bạn có mặt và trao cho họ hơi ấm của tình thân mà thôi! Theo Khánh An - ttvn.vn - 16/09/2017 Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|