Nét xưa ở làng cổ ven Hà Nội |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 17/06/2015, 11:45 GMT+7 |
Đến thăm những ngôi làng cổ vài trăm năm tuổi, bạn sẽ được tận hưởng không gian êm đềm của đồng quê và khám phá lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Làng Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai không chỉ được biết đến với nghề truyền thống làm giò chả, mà còn nổi tiếng với chiếc cổng làng cổ. Trước cổng làng là chiếc cầu cong rộng hơn 2 mét, dài khoảng 10 mét, bắc qua con mương khá rộng. Xưa kia con mương này là hào sâu vây quanh làng, trên bờ là hàng tre quanh năm xanh tốt. Tất cả tạo thành thế tường cao hào sâu chắc chắn để chống cướp vào làng. Sau này dân làng còn mở thêm nhiều lối ra đồng thuận tiện cho việc đi lại. Trên gác cổng làng có treo bức đại tự: "Mỹ Tục Khả Phong" nghĩa là Phong tục đẹp được ban tặng. Tương truyền vào năm Tự Đức thứ 33, tức 1880, vua Tự Đức kinh lý phương bắc đã ban tặng danh hiệu cao quý này cho 6 làng của Hà Tây (cũ), trong đó có Ước Lễ. Ở Ước Lễ ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc cổ kính. Đến đây, bạn sẽ ấn tượng bởi kiến trúc nhiều hơn là làng nghề. Bởi lẽ, từ chiếc cổng làng cho đến những mái nhà còn giữ lại nhiều dáng dấp cổ xưa. Ước Lễ bây giờ không có cái nhộn nhịp tấp nập như nhiều làng nghề truyền thống khác. Ngược lại, người vắng vẻ, không gian yên tĩnh. Ảnh trên là giếng cuối làng Ước Lễ. Đường đi: Từ Hà Nội, bạn theo đường Nguyễn Trãi thẳng hướng Hà Đông, đi theo phố Quang Trung đến ngã ba Ba La rẽ trái theo quốc lộ 21B hướng đi Vân Đình. Đi tiếp chừng 16 km đến ngã tư Vác, xã Dân Hòa bạn rẽ trái, di chuyển khoảng 5 km qua làng Tri lễ, rẽ phải là đến làng Ước Lễ. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15 km về phía tây, nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Bên cạnh những cánh cổng, ngôi chùa, ngôi đình được xếp hạng, nhiều ngôi nhà cổ trong làng vẫn vẹn nguyên lối kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc kiểu Pháp cách đây hơn 100 năm. Cự Đà được biết đến là “làng doanh nhân”. Từ những năm đầu thế kỷ 19, nhiều người ra Hà Nội buôn bán, làm ăn phát đạt, có điều kiện xây nhà đẹp. Nơi đây còn nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Từ lâu, tương của làng Cự Đà có tiếng thơm ngon và đi vào ca dao như một thương hiệu: "Tương Cự Đà - cà làng Đám". Làm tương là nghề cổ nhất của làng và đến nay nhiều gia đình vẫn coi đây như một cái nghiệp không thể bỏ. Người dân Cự Đà làm tương từ các nguyên liệu như gạo nếp, đỗ tương, nước mưa và muối trắng. Cổng ngõ nào cũng chạy ra đến bờ sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Quy hoạch tự nhiên của làng theo đúng mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại. Cũng giống như những ngôi nhà cổ trên phố, ở Cự Đà, nhà có hai tầng, ban công - đặc trưng của phương Tây, cửa vòm, gạch hoa lát cột, mảnh sứ đập ra ghép lại trang trí mặt tiền theo phong cách mosaic. Đường Đi: Đi từ trung tâm Hà Nội đến ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, bạn men theo đường Nguyễn Xiển, đến đường Kim Giang thì rẽ phải, đi dọc bờ mương. Khi gặp ngã tư Phan Trọng Tuệ - Kim Giang, bạn đi thẳng tiếp qua cầu Hữu Hòa, rẽ trái men theo sông Nhuệ. Đi qua các thôn Hữu Chung, Hữu Thanh Oai, Phú Diễn là đến Cự Đà (đoạn đường khoảng 3 km tính từ cầu Hữu Hòa). Làng có cổng và biển ghi “Đình Vật Làng Cự Đà”. Làng Đông Ngạc có tên nôm là làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, nằm ở bên bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long. Nơi đây có vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng. Nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng khi đến đây vì chỉ cách trung tâm thủ đô chừng 10 km mà làng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt. Đến thăm Đông Ngạc, du khách cũng sẽ được giới thiệu đến các ngôi nhà thờ tổ của dòng họ Phan, Phạm, Hoàng, Đỗ, Nguyễn vẫn được con cháu giữ gìn những di vật có giá trị. Đông Ngạc là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Nhiều người còn gọi đây là "làng tiến sĩ" do có các vị tiến sĩ Hán học và Tây học. Ngày nay làng là 2 phường Đông Ngạc và Đức Thắng. Trên hình là giếng mắt rồng trước đình làng. Đình làng được xây dựng từ thế kỷ 17 trên thế đất cao ráo, với lối kiến trúc cổ kính và còn giữ được nhiều hiện vật quý giá như bia đá, bộ tranh sơn mài từ thời Lê. Chùa của làng được xây dựng theo phong cách nghệ thuật từ thế kỷ 18-19, còn lưu giữ được quả chuông đồng đúc năm Diên Hưu thứ 2 (năm 1315), bia đá niên hiệu thời Thịnh Đức. Hiện nay làng còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm. Đường Đi: Từ trung tâm Hà Nội theo triền đê đường Âu Cơ đến chân cầu Thăng Long, đi qua 20 mét bạn sẽ thấy Đình Vẽ (hay đình Đông Ngạc) ngay bên trái đường. Có nhiều cổng vào làng, dễ nhất bạn có thể vào cổng ngay sát đình hoặc cổng sát với trường phổ thông Đông Ngạc. Theo vnepress.vn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|