top-banner-2

Thứ sáu, 27/05/2016, 10:02 GMT+7

Điều 'quan trọng nhất' mà Tổng thống Obama mang tới Việt Nam

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 27/05/2016, 10:02 GMT+7

Nếu ai đó cho rằng những thứ mà chúng ta nói đến một cách rất ồn ào mấy ngày qua, là "món quà" quan trọng nhất mà Obama mang đến cho người Việt, thì có lẽ chúng ta đã lầm.

Những cái được "nho nhỏ, vừa vừa" của người Việt từ cuộc Tổng thống Mỹ viếng thăm, đương nhiên, được nhắc đến rất nhiều.

1. Chủ quán bún chả Liên Hương ở Hà Nội, nơi ông Obama gọi hai suất bún chả, hai chai bia, đang sống trong những ngày "phiêu linh" nhất. Quán không chỉ đông nghẹt khách nội địa mà còn xuất hiện trên báo chí toàn cầu.

Chỉ cần ông bà chủ quán dựng một cái biển nhỏ: "Bạn muốn ngồi chiếc bàn mà Tổng thống Mỹ đã từng ngồi?", thì khỏi phải nói, chiếc bàn đó sẽ kín lịch đặt hàng tháng.

Tôi đã đến ngọn núi ở Hàn Quốc, nơi có ngôi nhà trong phim "Bản tình ca mùa đông" và nhận thấy rằng: Không một du khách nào bỏ qua việc ngồi chụp hình tại bàn ăn mộc mạc của đôi tình nhân.

Cũng giống như khi đọc bản giới thiệu của khách sạn 5 sao Metropole Hà Nội, người ta đều thấy đập vào mắt câu chuyện: Nơi đây đã từng được vua hề Charlie Chaplin nghỉ lại.

Có thể nói, không một quán bún chả nào ở Việt Nam, cho đến thời điểm này, có được cái "trích ngang" hoành tráng đến cỡ ấy.

Bức ảnh Tổng thống Obama ăn bún chả cùng đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain được ông Bourdain đăng tải trên trang Instagram của mình.

2. Tấm ảnh ông Obama cầm chai bia Hà Nội uống ngon lành, đã được Cty này cùng fan chia sẻ và lan tỏa chóng mặt.

Thậm chí có tờ báo còn nói rằng, bia Hà Nội được cứu bàn thua trông thấy, trong tình cảnh bia Sài Gòn đang bành trướng ngay trên sân nhà của Bia Hà Nội.

3. Vietjet, với sự bí mật đến phút chót, đã có cú quảng bá để đời khi ký hợp đồng 11,3 tỉ đô la với Boeing trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước.

Ai cũng hiểu từ hợp đồng khủng đến thị phần khủng và chất lượng phục vụ tương xứng, vẫn còn một chặng đường rất dài, nhưng vẫn phải dành cho CEO Nguyễn Thị Phương Thảo những lời thán phục.

4. Một ngôi chùa sẽ nhiều phật tử lui tới hơn; những người trẻ được truyền cảm hứng nhiều hơn, doanh nghiệp được tiếp thêm hy vọng... nhờ sức hút mạnh mẽ của Tổng thống Obama.

Thậm chí những người nghèo, bình dân nhất, làm nghề bán cafe sữa đá, trà đá, kẹo cao su cũng có thứ để kể, để khoe với xã hội về cú bắt tay và những câu chào hỏi thân thiện của vị nguyên thủ siêu cường.

Báo chí và Facebook Việt Nam thì khỏi nói, ngập tràn thông tin, lượt truy cập tăng chóng mặt.

TT Obama thăm chùa Ngọc Hoàng ngày 24/5. Ảnh: Zing.

5. Các thống kê cho thấy, có những chuyến công du của Tổng thống mà nước Mỹ phải chi đến hơn 100 triệu đô la. Không lực Một. Dàn siêu xe. Cả ngàn tấn hàng cùng cả ngàn quan chức, đặc vụ, nhân viên phục vụ.

Nhưng cơ bản người Mỹ không phàn nàn về những chi phí đó, vì nó MINH BẠCH và HIỆU QUẢ, xứng đáng với vị thế đất nước.

Minh bạch thì rõ rồi, vì nó công khai một cách hiển nhiên. Còn hiệu quả? Mỗi cử chỉ nhỏ của Tổng thống và những người tháp tùng, đều có tạo ấn tượng mạnh và quảng bá thông minh về một siêu cường giàu có, hoành tráng, chuyên nghiệp, thân thiện.

(Thương hiệu đất nước không thể hoàn hảo nếu chỉ xây dựng trên vài thứ quanh quẩn kiểu nem rán và nón lá, như Táo quân đã nhắc nhở trong Gặp nhau cuối năm).

Sự MINH BẠCH VÀ HIỆU QUẢ của nước Mỹ, khiến người Việt thấy cần phải đoạn tuyệt với những dự án cả ngàn tỉ bỏ hoang; những kỷ lục bánh chưng bánh dầy tràn phè trong khi nhiều người vẫn thiếu đói; những công sở đồ sộ nhưng xa lạ với nhân dân.

Đó là một món quà quý mà Obama vô tình mang cho người Việt.

Một món quà khác cho người Việt là bài học về sự LẮNG NGHE.

Dường như Obama và trợ thủ của ông đã nghe cực rõ những lời phàn nàn rất mới rằng tại sao đi hơn 50 nước trên thế giới, cuối nhiệm kỳ ông mới đến Việt Nam?

Và ông khéo léo nhận lỗi "lẽ ra tôi phải đến Việt Nam sớm hơn" và chuyển bất lợi thành lợi thế hoàn hảo:

"Người Mỹ có câu: Giữ lại điều tốt đẹp nhất đến phút cuối. Việt Nam là một đất nước đặc biệt và tươi đẹp. Tôi đã nói với ngài Chủ tịch nước rằng, đáng tiếc là khi tôi đến có quá nhiều cuộc họp nên không thăm Việt Nam được nhiều".

Nhiều quan chức Việt Nam nhiệm kỳ này đã và đang tỏ ra có đôi tai thính nhạy trước tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nhưng để sự lắng nghe này trở thành hiện tượng phổ biến, sẽ còn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực.

Tính CHUYÊN NGHIỆP cũng là một món quà Tổng thống Mỹ vô tình mang đến đất nước đang còn thiếu điều ấy.

1-dieu-quan-trong-nhat-tong-thong-obama-van-hoa-doanh-nhan 

Lẩy Kiều, dẫn Lý Thường Kiệt, Trịnh Công Sơn, Văn Cao; thích đều món ăn uống ở cả hai miền nam Bắc; cầm đũa điệu nghệ và những cái khoác vai dân thường như bè bạn... là sự tinh tế một cách cực kỳ chuyên nghiệp của Tổng thống và dàn trợ lý chuẩn bị cho sự hoàn hảo của sếp lớn và dĩ nhiên, của cả nước Mỹ.

Một trong những món quà tuyệt vời nữa mà người Việt tự tặng cho mình là thái độ đối với khách quý.

Thái độ ấy thể hiện sự tinh tế của nhân dân. Họ yêu quý ai thực lòng, họ coi ai là bạn thì họ không giấu giếm sự nồng nhiệt khi chào đón. Tại sao một vài khách khác không được nhân dân chào đón hồ hởi như vậy?

Nhưng theo tôi, tất cả những thứ đó, đều không phải món quà lớn nhất mà người Việt có được nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama.

6. Trong khi Mỹ bán được cả trăm máy bay, và sắp bán được nhiều vũ khí cho Việt Nam, thì "món quà lớn nhất" mà người Việt nhận được là gì?

Hãy thôi ồn ào để nghĩ kỹ hơn một chút.

Tại sao Obama được đón tiếp nồng hậu như vậy? Tại sao mỗi hành động và cử chỉ, câu nói, dù rất nhỏ của một người, lại có sức công phá, lay động công chúng đến như vậy?

Tại con người Obama, hẳn rồi, vì ông rất khác với Bill Clinton, Bush. Nhưng chưa đủ.

Cái chủ yếu làm nên một "Obama có sức công phá lớn" chính là vị thế Tổng thống của một siêu cường - một đất nước khiến phần còn lại của thế giới phải ngưỡng mộ, kính phục, thậm chí sợ hãi.

Thế thì, nghĩ thật kỹ sẽ thấy: "Món quà thực sự và lớn nhất" mà người Việt Nam "nhận được" chính là ý thức TỰ CƯỜNG DÂN TỘC, là khát vọng vươn tới một nước Việt hùng cường.

Dân chúng không bao giờ đổ ra đường, không bao giờ hân hoan tột cùng để đón chào một nguyên thủ đất nước nghèo hèn, lạc hậu.

Người đứng đầu một nước nghèo hèn khó có thể hào sảng và có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, người kiến thiết và chắp cánh cho tầng lớp doanh nhân bay cao trong nhiệm kỳ của mình, đã phải kêu gọi "rửa sạch nỗi nhục của một nước nghèo nàn, lạc hậu".

Ông Phan Văn Khải còn chua chát: Làm dân một nước nghèo đã khổ, thế nên làm Thủ tướng một nước nghèo đâu có sung sướng gì.

Tổng thống Mỹ tới Việt Nam hay bất cứ nước nào cũng là để bảo vệ và gia tăng lợi ích Mỹ. Đừng ảo tưởng về bất cứ một sự dựa dẫm một chiều nào vì miếng bánh mì miễn phí chỉ có trong chiếc bẫy chuột.

Chỉ có một Việt Nam hùng cường, không dựa dẫm vào ai, không phụ thuộc ai, đi lên bằng chính đôi chân, trí tuệ, lòng tự tôn dân tộc, thì người Việt mới có thể được thế giới tôn trọng, vì nể, ngưỡng mộ và mới không bị kẻ khác chèn ép, bắt nạt, gây hấn.

Link nguồn: http://m.phununews.vn/hay-nghi-that-ky-day-moi-la-thu-quan-trong-nhat-ma-obama-mang-toi-viet-nam-237762.html

 Tên bài đã được thay đổi bởi ban biên tập của Vanhoadoanhnhan.com


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Điều 'quan trọng nhất' mà Tổng thống Obama mang tới Việt Nam

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc