Di tích 'phố cổ Jakarta' hút khách trong đại dịch |
Viết bởi ducanh |
Thứ năm, 25/03/2021, 14:27 GMT+7 |
Nằm phía Tây thủ đô Jakarta (Indonesia), khu vực phố cổ lưu giữ toàn bộ lịch sử phát triển của thành phố. Nơi đây trở thành khu phát thải thấp thu hút khách du lịch, góp phần phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Điểm đến cho người yêu lịch sử và nhiếp ảnh Vào thế kỷ 16, dưới thời trị vì của Toàn quyền Đông Ấn, Hà Lan, khu phố cổ Jakarta được mệnh danh là “Viên ngọc châu Á” và “Nữ hoàng Phương Đông”. Bởi xưa kia, với vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên dồi dào, đây là trung tâm thương mại của châu Á, nơi các thủy thủ và thương nhân từ khắp nơi trên thế giới đến giao dịch. Có diện tích khoảng 139 ha, khu phố cổ ngày nay đã trở thành trung tâm du lịch, điểm đến của những người yêu lịch sử và nhiếp ảnh với các kiến trúc mang đậm phong cách Hà Lan. Chính quyền thành phố Jakarta vẫn duy trì hiện trạng của các tòa nhà di sản và thực hiện nhiều tu bổ để giữ nguyên hình dạng ban đầu. Du khách có thể trải nghiệm đi xe ngựa ngắm khu phố cổ. Đến phố cổ, du khách thể thuê một chiếc xe đạp (onthel) dành cho các quý cô thời xưa, hay thuê 1 chiếc xe ngựa kéo hoặc đơn giản là tản bộ để tham quan và thưởng thức các món ăn truyền thống. Trong khu vực phố cổ có 5 bảo tàng, đó là Bảo tàng Ngân hàng Mandiri, Bảo tàng Ngân hàng Indonesia, Bảo tàng lịch sử Fatahillah, Bảo tàng Mỹ thuật và Gốm sứ Indonesia cùng Bảo tàng Nghệ thuật rối Wayang; cùng với một số tòa nhà cổ khác, bao gồm cả Bưu điện Indonesia, Tòa nhà Kerta Niaga, Cửa hàng Đỏ và quán cà phê Batavia. Bên trong khu phố cổ còn có cảng Sunda Kelapa - điểm cập bến của các thương nhân xưa. Một nhóm nhạc đường phố đang trình diễn. Phía sau là Cửa hàng Đỏ - điểm check-in ưa thích của giới trẻ. Biến phố cổ thành khu phát thải thấp để hấp dẫn du khách Trong suốt 1 năm đại dịch, nhiều điểm du lịch tại Jakarta, trong đó có khu phố cổ phải đóng cửa do các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên kể từ đầu tháng 3, chính quyền thành phố đã mở lại khu phố cổ và chuyển nơi đây thành khu vực phát thải thấp đầu tiên trong thành phố. Chính sách này nằm trong lộ trình khôi phục ngành du lịch và khôi phục kinh tế vốn bị ảnh hưởng do đại dịch kéo dài tại thủ đô Jakarta. Theo đó, các phương tiện giao thông cá nhân, xe cơ giới, vận chuyển hàng hóa và phương tiện giao thông công cộng không phải của công ty dịch vụ TransJakarta sẽ không được phép đi qua các tuyến đường phát thải thấp trong khu phố cổ. Kerak Telor, món ăn truyền thống của người Betawi của Jakarta. Người dân và du khách giờ đây có thể thoải mái đi dạo quanh khu vực phố cổ, đi dọc con đường Kali Besar, ngắm nhìn các tòa nhà di sản, thưởng thức nghệ thuật đường phố của người dân địa phương mà không gặp phải cảnh tắc đường, đông đúc như trước kia. Các chốt giao thông và chốt kiểm dịch được dựng lên ở cửa ngõ ra vào khu phố cổ. Khách du lịch được yêu cầu đeo khẩu trang và đo nhiệt độ tại các chốt kiểm dịch. Khu vực Kali Besar. Biến khu phố cổ thành khu vực phát thải thấp, chính quyền thành phố Jakarta muốn cung cấp một môi trường với chất lượng không khí tốt, đem lại thoải mái cho du khách và bảo vệ di sản văn hóa khu phố này. theo Hương Trà / VOV.VN - 25/03/2021 link nguồn: https://vov.vn/du-lich/di-tich-pho-co-jakarta-hut-khach-trong-dai-dich-845230.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|