Tuyết rơi đêm Giáng Sinh và những sự thật khoa học trần trụi về tuyết |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ hai, 24/12/2018, 15:55 GMT+7 |
Tuyết rơi luôn là cảnh tượng lãng mạn ngây ngất lòng người. Nhưng khi nhìn qua lăng kính khoa học, tuyết có những sự thật trần trụi đến ngỡ ngàng mà không phải ai cũng biết. Mặc dù không phải người nào sống ở Việt Nam hay các quốc gia nhiệt đới cũng có cơ hội được chạm vào tuyết dù chỉ một lần trong đời, nhưng hình ảnh những cơn mưa tuyết rơi chầm chậm vào đêm Giáng Sinh luôn tạo nên ấn tượng mạnh trong tâm trí của mỗi người. Nhưng tuyết không đơn giản chỉ là tuyết, nó còn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị và chưa quá nhiều người biết bản chất thật sự của nó. Sau đây là những sự thật về tuyết mà có thể khiến bạn bất ngờ. Thật ra tuyết không mang màu trắng tinh khôi như chúng ta vẫn thường thấy. Bạn có tin được không? 1. Tuyết không mang màu trắng Ngạc nhiên chưa? Giấc mơ tuyết trắng nghe có vẻ lãng mạn, nhưng nó không chính xác khi nhìn bằng cặp mắt của một người tìm hiểu khoa học. Thật sự mà nói, tuyết chỉ là nước đóng băng nên chúng không có màu mà mang vẻ đẹp tinh khôi của nước trong suốt. Sở dĩ chúng ta thấy tuyết có màu trắng là bởi chúng tán xạ ánh sáng theo rất nhiều hướng và khuếch tán toàn bộ phổ màu. Khi nhiều bông tuyết nằm sát nhau và tạo thành những mảng tuyết lớn, quá trình tán xạ ánh sáng này sẽ khiến tuyết có màu trắng như chúng ta vẫn thường thấy. Nhưng không chỉ có vậy, đôi khi bụi hay chất gây ô nhiễm có trong không khí cũng khiến tuyết bị xỉn màu. Loại tảo nước ngọt ưa lạnh (cryophilic) khiến tuyết có màu đen, cam hay thậm chí là xanh lam. Nếu trong nước có tảo astaxanthin, loại tảo có cấu tạo tế bào giống củ cả rốt, thì tuyết tạo ra sẽ có màu cam hay đỏ dưa hấu. 2. Bông tuyết rất phong phú về hình dạng Một trong những yếu tố quyết định hình dạng của bông tuyết chính là nhiệt độ ở môi trường xung quanh nó. Các nghiên cứu về bông tuyết cho thấy các tinh thể băng dài như kim được tạo ra ở nhiệt độ -2°C, trong khi ở -5°C nó sẽ có dạng như những tấm phẳng. Tương tự, mức nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra hình dạng bông tuyết khác nhau, thay đổi ở các cánh tay hoặc cấu trúc đuôi của bông tuyết. Bông tuyết rất đa dạng về hình thù và cấu trúc. Ảnh: Getty Images. Nhà khoa học Andy Brunning đã dày công nghiên cứu và công bố cuốn danh mục chi tiết về hình dạng của các bông tuyết. Tổng cộng có 35 kiểu bông tuyết cơ bản, chúng sẽ kết hợp với nhau và tạo ra vô số hình dạng bông tuyết đẹp mắt khác nữa. 3. Được phát triển từ trung tâm và có thể trở nên rất lớn Một trong những điều kì diệu của bông tuyết chính là sự thành hình của nó, nó phát triển từ trong tâm ra ngoài. Cũng giống như những dạng sống khác trong tự nhiên gồm cả thực vật và động vật, bông tuyết lúc ban đầu chỉ là một giọt nước đóng băng rồi dần tạo thành hình dạng bằng cách phát triển đều ra các hướng xung quanh. Nhưng bông tuyết không chỉ là những tinh thể nhỏ bé như những giọt nước. Đã có nhiều ghi nhận cho thấy bông tuyết đã phát triển lớn đến 38 cm. Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng chứng thực cho việc này, nhưng các nhà khoa học cho biết điều này không phải không có khả năng. Về cơ bản, bông tuyết có thể phát triển đến rất lớn nếu không bị các điều kiện tự nhiên bên ngoài ngăn cản như gió. 4. Tuyết ảnh hưởng đến quá trình truyền âm thanh Tuyết khi rơi từ trên cao xuống sẽ hấp thụ sóng âm thanh, nên nếu một cơn mưa tuyết dày diễn ra, nó sẽ tạo thành một bức tường cách âm và hạn chế âm thanh truyền đi tại khu vực đó. Nhưng khi tuyết đáp xuống mặt đất, nó tan chảy rồi lại đóng thành băng, thì băng lại phản xạ âm thanh khiến âm thanh được truyền đi xa hơn. Tàu vũ trụ Mars Express chụp hình ảnh tuyết rơi phủ kín miệng núi lửa Korolev rộng 80 km ở cực bắc của Sao Hỏa vào 20/12/2018 vừa qua. Ảnh: ESA. 5. Tuyết cũng rơi trên Sao Hỏa Theo các quan sát khoa học của NASA, ở Sao Hỏa cũng có những đám mây và có lớp băng dày bên dưới bề mặt. Vào mùa hè Sao Hỏa, sẽ có những cơn bão tuyết dữ dội xuất hiện đột ngột. Không những vậy, các tàu thăm dò quỹ đạo ở hành tinh đỏ cũng tìm thấy những đám mây tuyết chứa đầy carbon dioxide ở cực nam của Sao Hỏa. 6. Không chỉ người mới thích tuyết Đừng vội kết luận con người là loài duy nhất có hứng thú với những cơn mưa tuyết đầy lãng mạn. Khỉ Nhật Bản (Japanese macaques) hay còn được gọi là Khỉ tuyết, là loài động vật có vú khác rất thích chơi đùa với tuyết, và sinh hoạt dưới thời tiết lạnh lẽo của tuyết, những con khỉ con lấy những quả bóng tuyết và chơi nghịch với nhau. Khỉ Nhật Bản sống ở xa hơn về phía bắc so với bất kỳ loài khỉ nào khác trên hành tinh, chúng rất thích vui chơi và sinh hoạt dưới tuyết. Ảnh: Julia Wimmerlin/Getty Images. 7. Tuyết có thể giữ ấm cho cơ thể Bởi vì trong tuyết bao gồm 90% đến 95% không khí bị giữ lại, điều này có nghĩa tuyết là chất cách nhiệt tuyệt vời. Đây là lý do tại sao nhiều loài động vật đào sâu vào tuyết và nằm gọn bên trong đó để ngủ suốt mùa đông. Igloo hay những ngôi nhà làm bằng băng tuyết cũng được con người sử dụng từ hàng ngàn năm qua, bên trong những ngôi nhà băng tuyết này có thể ấm hơn đến 100 độ so với bên ngoài. 8. Những 'kẻ' siêu tốc Tùy thuộc vào môi trường xung quanh, những bông tuyết có thể rơi với tốc độ đến 14 km/giờ. Những bông tuyết mảnh có thể rơi rất nhanh, nhưng khi chúng kết hợp với nhau và tạo thành giọt nước thì chúng sẽ hạ dần tốc độ. Bình thường, mất khoảng một giờ để những bông tuyết rời khỏi các đám mây và chạm được mặt đất. Theo Quang Niên/Khampha.vn - 24/12/2018 Link nguồn: http://khampha.vn/tin-quoc-te/tuyet-roi-dem-giang-sinh-va-nhung-su-that-khoa-hoc-tran-trui-ve-tuyet-c5a697681.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|