top-banner-2

Thứ hai, 30/06/2014, 10:16 GMT+7

Bộ Công thương 'gánh' nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ hai, 30/06/2014, 10:16 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì tổ liên ngành điều hành giá và Quỹ Bình ổn xăng dầu thay Bộ Tài chính như quy định hiện hành.

Thủ tướng vừa có kết luận sau cuộc họp thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 84/2009 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Để hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo nghị định theo hướng Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Còn Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá đồng thời chủ trì hướng dẫn việc trích lập, quản lý, sử dụng, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Biên độ điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo 3 mức. Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3%, doanh nghiệp được tự ý điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng. Giá cơ sở tăng từ trên 3% đến nhỏ hơn hoặc bằng 7%, đơn vị đầu mối phải  báo cáo liên bộ. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 7%, việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng.

gia-xang

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì điều hành giá xăng dầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu dự thảo nghị định hoàn thiện theo hướng thương nhân đầu mối được quyền chủ động giảm giá bán lẻ xăng dầu; đồng thời báo cáo việc thực hiện với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Về giá cơ sở, Thủ tướng yêu cầu không bổ sung mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá là yếu tố cấu thành giá cơ sở. Về chu kỳ tính giá cơ sở hoàn thiện theo hướng giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá cơ sở.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay, bản thân cơ quan này vẫn muốn để Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì công tác điều hành giá xăng dầu. Bộ Công Thương chỉ đóng vai trò phối hợp.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng khẳng định, trường hợp Chính phủ phân công, Bộ sẽ chấp hành. Theo người đứng đầu ngành, khi Bộ Tài chính quản lý, mỗi lần điều chỉnh giá đều hỏi ý kiến Bộ Công Thương. Nếu giá xăng được chuyển sang Bộ Công Thương thì ngược lại, cơ quan này vẫn phải hỏi Bộ Tài chính.  "Nếu được thông qua thì hai Bộ chỉ đổi vai cho nhau theo cơ chế liên ngành chứ không phải một bộ quyết định được", ông Hoàng nói.

Trước khi có nhiệm vụ điều hành giá, Bộ Công Thương đang là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 84 hiện hành, Bộ Công Thương có trách nhiệm cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân có đủ các điều kiện. Căn cứ hạn mức nhập khẩu tối thiểu Bộ Công Thương giao hàng năm, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có trách nhiệm nhập khẩu bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, cơ cấu chủng loại cho hệ thống phân phối và mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu theo quy định. Sở Công Thương có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ.

Theo Vneconomy

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bộ Công thương 'gánh' nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc