Phạt tiền và thu hồi tên miền đối với kinh doanh thương mại điện tử trái phép |
Thứ tư, 27/11/2013, 09:14 GMT+7 |
Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) vừa có Nghị định xử phạt liên quan đến những vi phạm trong thương mại điện tử. Theo Bộ Công Thương, việc lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép, cũng như kinh doanh hàng giả… sẽ bị phạt tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Cùng với đó là thu hồi tên miền được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT, Bộ Công Thương, hiện có hàng trăm nghìn website đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó khoảng một nửa là website TMĐT. Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề vi phạm pháp luật vượt quá khả năng quản lý của Nhà nước và nhiều mô hình TMĐT mà cơ quan quản lý chưa thể “theo kịp”, điển hình như vụ lừa đảo bán hàng đa cấp Muaban24 diễn ra năm 2012, hoặc gần đây là vấn đề quản lý tiền điện tử,.. Để hạn chế những tác động xấu đối với cộng đồng người dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch TMĐT, Bộ Công Thương đã soạn thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong TMĐT, đưa vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại, dự kiến được ban hành vào tháng 10/2013. Theo đó, các cá nhân vi phạm quy định về thiết lập website, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu cung cấp thông tin thông báo/đăng ký thiết lập website không đầy đủ hoặc sai sự thật, thay đổi thông tin không thông báo lại; phạt 20 - 30 triệu đồng nếu không đăng ký khi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc gian dối, giả mạo thông tin đăng ký. Các cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT sẽ bị phạt 20 - 30 triệu đồng cho hành vi thu thập và công bố thông tin cá nhân mà không được phép của các cá nhân đó. Những tổ chức, doanh nghiệp có sai phạm tương tự sẽ bị áp mức phạt tăng gấp đôi so với các cá nhân. Đối với các cá nhân vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ TMĐT, sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu không có biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, hoặc không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật; phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu thiết lập chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng quy trình giao kết hợp đồng không theo quy định. Các mức phạt tương ứng sẽ tăng gấp đôi nếu chủ thể vi phạm là tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, cá nhân có hành vi tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ TMĐT (bán hàng đa cấp, trong đó mỗi người tham gia phải đóng 1 khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng) sẽ bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Nếu tổ chức, doanh nghiệp đứng ra tổ chức bán hàng đa cấp, mức phạt là 80 – 100 triệu đồng. Ngoài tiền phạt, còn áp dụng thêm các hình thức phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp (vụ MB 24 đã thu tới 600 tỷ đồng), buộc thu hồi tên miền .vn... Người đăng: BL Nguyễn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|