Tác động của nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách? |
Viết bởi Nhung | |
Thứ bảy, 14/09/2013, 13:54 GMT+7 | |
Từ câu chuyện giảm thuế xuất khẩu trong ngành than kể từ đầu tháng 9 này một lần nữa lại đặt ra những e ngại trong dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp rằng liệu có hay không sự tác động của các nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách. Băn khoăn của giới kinh doanh từ sau khi Thông tư 124/2013 của Bộ Tài chính được ban hành, theo đó kể từ ngày 1/9/2013, các mặt hàng than đá, than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá sẽ chịu thuế xuất khẩu là 10%, thay vì mức 13% như trước đó. Điều bất ngờ là mức thuế 13% này mới chỉ được áp dụng trong hai tháng 7 và 8. Vì sao một quyết định thay đổi thuế suất chỉ tồn tại có đúng hai tháng? Hãy nghe Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trần tình “chỉ sau hai tháng áp dụng thuế xuất khẩu mới (từ 10% lên 13%), sản lượng than xuất khẩu giảm 2 triệu tấn, tức mỗi tháng giảm 1 triệu tấn so với mức bình quân sáu tháng. Và nếu tiếp tục duy trì mức thuế này dự kiến sản lượng tiêu thụ cả năm sẽ giảm đến 20 triệu tấn so với năm 2012, tức là chỉ còn khoảng 36-37 triệu tấn. Còn Bộ Tài chính giải thích “việc giảm thuế xuất khẩu than đá nhằm chia sẻ khó khăn của Chính phủ với doanh nghiệp sản xuất than trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”. Lý lẽ này xem ra chưa thuyết phục. Trước hết, phải thừa nhận một thực tế là trong hai tháng 7 và 8/2013, trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin, trong đó, chủ yếu là những thông tin về khó khăn của tập đoàn này. Chẳng hạn như do tình hình tiêu thụ than chậm, lượng hàng tồn kho tăng cao nên gần đây, nhiều lao động ngành than đã phải nghỉ việc luân phiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và việc làm của người lao động. Hay một bản tin khác cho biết Vinacomin đang gặp khó khăn trong cân đối tài chính do sản lượng tiêu thụ đạt thấp. Và tập đoàn này còn “dọa” rằng nếu họ không được giảm thuế thì tồn kho đến cuối năm có thể lên đến 10 triệu tấn, đồng thời nếu không được tăng giá bán than cho ngành điện thì ngành than sẽ phải bù khoảng 6.000 tỉ đồng cho ngành điện. Liệu rằng các vị giám đốc của các doanh nghiệp nhỏ có dám “lớn tiếng” như vậy không nếu doanh nghiệp của họ cũng gặp khó khăn, không chỉ bằng mà còn nặng nề hơn cả Vinacomin? Câu trả lời là không, bởi họ khác về cơ bản với Vinacomin, vì họ là doanh nghiệp tư nhân còn Vinacomin là tập đoàn kinh tế nhà nước, một doanh nghiệp nhà nước lớn nắm trong tay vị thế độc quyền nguồn cung cấp than. Trong khi đó, với vai trò là người quản lý túi tiền quốc gia, Bộ Tài chính trước khi ban hành một chính sách gì, đặc biệt là những quyết định liên quan đến thuế, ắt hẳn đã phải cân nhắc rất cẩn thận, kỹ càng về mọi phương diện. Nhưng trong trường hợp này lập luận trên dường như không đúng, vì Thứ nhất, quyết định giảm thuế lần này nếu được cho là nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì quyết định tăng thuế trước đó chỉ hai tháng cũng của Bộ Tài chính được hiểu ra sao? Nó ra đời trên cơ sở nào? Nhằm tăng thu ngân sách? Nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên? Nếu Bộ vì “chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” mà tạm thời bỏ qua hai mục tiêu trên thì không chỉ một mình Vinacomin mà tất cả các doanh nghiệp đều mong được Bộ Tài chính chia sẻ như vậy. Để xem sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ứng xử ra sao khi mới tuần qua Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng đã có kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng cao su tự nhiên, đang được hưởng mức thuế 0%, với lý do giá cao su thế giới đang giảm, việc bán hàng không thuận lợi. Liệu Bộ Tài chính có một lần nữa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp không? Thứ hai, quan trọng hơn, việc thay đổi chính sách xoành xoạch kiểu như vậy đang làm xấu đi hình ảnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn những năm qua, niềm tin của doanh nghiệp đã sa sút rất nhiều, chỉ cần “bồi thêm” vài “cú hích” kiểu này sẽ khiến cho những niềm tin mong manh còn lại cũng ra đi nốt. Thứ ba, với kiểu làm chính sách như trên khiến người ta không thể không đặt câu hỏi là có hay không sự tác động của nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách. Nhớ lại, mới đây thôi, khoảng gần cuối tháng 8 vừa qua, trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong công tác xây dựng pháp luật... đã được các đại biểu Quốc hội mang ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Một số đại biểu đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn “tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực, vậy có hay không tình trạng tham nhũng trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tức là tham nhũng chính sách?” hoặc “có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật để phục vụ lợi ích nhóm?”. Lúc đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định “không thể có lợi ích nhóm” nhưng vẫn để ngõ một trường hợp là “trừ việc xây dựng thông tư, thông tư liên tịch là chưa có sự kiểm soát tốt. Nhưng nguyên nhân của việc này là do quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. “Với quy trình chặt chẽ trong việc ban hành văn bản, có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, nhưng cũng không loại trừ khả năng có văn bản này khác có thể có sơ hở”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói tại phiên họp. Quay trở lại với trường hợp của ngành than, rõ ràng là Vinacomin đang thực sự gặp khó do thị trường, giá cả xuất khẩu không còn thuận lợi như những năm trước. Đồng thời, phần than lộ thiên đã đem bán hết, nay điều kiện khai thác khó khăn hơn, chi phí khai thác tăng… đó là những nguyên nhân khách quan khiến tập đoàn này phải liên tục xin giảm thuế (và đã được giảm từ 20% xuống còn 10%) và tăng giá bán (đã tăng giá bán than cho ngành điện kể từ ngày 20/4/2013 vừa qua). Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan mới là yếu tố quyết định trong trường hợp này, bởi lâu nay dư luận vẫn nghi ngờ về khả năng quản trị của các doanh nghiệp nhà nước. Quả thực, tình trạng xuất lậu than mà cho đến nay Vinacomin vẫn chưa dẹp hết vẫn là vấn đề cần được giải quyết trước hết để gỡ khó cho doanh nghiệp này về dòng tiền. Chưa hết, nếu gặp khó khăn, sao doanh nghiệp này vẫn có tiền để tiếp tục đổ vào mua cổ phần của các công ty con, công ty liên kết. Việc Vinacomin viện dẫn lý do vì đời sống của hàng ngàn lao động trong ngành than và gia đình họ để xin giảm thuế nhằm giảm bớt khó khăn chẳng khác nào họ xem người lao động là cái phao để bám vào khi sắp bị chết đuối. Không lẽ chỉ có Vinacomin mới có hàng ngàn lao động, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành da giày, dệt may, cũng đang giải quyết việc làm cho một số lượng lao động tương đương và cũng đang gồng mình vượt qua khó khăn mà chẳng dám kêu ai. Có thể khẳng định tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân, do đó phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phải hạn chế tối đa và tiến tới hoàn toàn dừng xuất khẩu tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó thì các loại thuế, quy định sử dụng tài nguyên càng phải được thắt chặt, không những không giảm mà còn phải có xu hướng tăng lên để có thể sử dụng tiết kiệm tài nguyên cũng như tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo QUỲNH NHƯ/DNSGCT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|