top-banner-2

Thứ ba, 29/11/2016, 09:46 GMT+7

Hàng loạt chính sách mới sắp có hiệu lực

Viết bởi An An   
Thứ ba, 29/11/2016, 09:46 GMT+7

Từ tháng 12-2016, nhiều chính sách mới thuộc lĩnh vực lao động, y tế bắt đầu có hiệu lực.

Hỗ trợ đào tạo lao động mất việc làm

Thông tư 152/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 4-12, quy định lao động (đối tượng theo quy định tại điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg) mất việc sẽ được nhà nước hỗ trợ đào tạo khi đáp ứng các điều kiện:

Trường hợp làm việc theo hợp đồng có một trong các giấy tờ:

Quyết định thôi việc, buộc thôi việc.

- Quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc.

- HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.

- Trường hợp làm việc không theo hợp đồng: Giấy xác nhận của người sử dụng lao động.

- Trường hợp tự tạo việc làm: Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của UBND cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh).

Đồng thời, thông tư cũng quy định điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo đối với lao động nông thôn, người khuyết tật, người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh.

Thanh toán BHYT đối với công an nhân dân

Có hiệu lực từ ngày 9-12, Thông tư 43/2016/TT-BCA quy định cán bộ, chiến sĩ khi khám chữa bệnh (KCB) BHYT đúng quy định tại điều 26, 27 và 28 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 và điều 15 Nghị định 70/2015/NĐ-CP thì được quỹ KCB BHYT thanh toán các chi phí trong phạm vi:

- Chi phí KCB phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí này không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế.

- Chi phí vận chuyển quy định tại khoản 5 điều 11 Nghị định 70/2015/NĐ-CP.

- Chi phí KCB ngoài phạm vi hưởng BHYT bao gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ định chuyên môn.

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT

Thông tư 173/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15-12 sửa đổi khoản 3, điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC về chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Theo đó:

- Bỏ quy định: Tài khoản (TK) của bên mua và của bên bán phải là TK đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế đối với điều kiện về chứng từ thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ thuế GTGT.

Như vậy, đơn vị vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trường hợp TK của bên mua và bên bán không thông báo hay đăng ký với cơ quan thuế nhưng bảo đảm đủ các điều kiện.

- Không cần đăng ký TK với cơ quan thuế khi bên mua thanh toán từ TK của bên mua sang TK bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ TK của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang TK bên bán.

1-chinh-sach-moi-co-hieu-luc

Từ 16-12, tổ chức, cá nhân không cần đến trụ sở mà có thể thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích Ảnh: Tấn Thạnh

Thực hiện thủ tục hành chính qua bưu điện

Theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 16-12 về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích thì tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích có thể lựa chọn một trong các hình thức: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC.

Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC (nếu có) theo các phương thức: Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền; nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC bằng phương thức khác nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Chứng từ nộp tiền, chuyển khoản tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC hoặc biên lai thu phí, lệ phí giải quyết TTHC (nếu có) được gửi kèm theo hồ sơ đến cơ quan, người có thẩm quyền.

Bốn ngạch công chức quản lý thị trường

Nghị định 148/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) có hiệu lực từ ngày 25-12.

Theo đó, công chức QLTT là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan QLTT theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức QLTT như sau: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; kiểm soát viên chính thị trường; kiểm soát viên thị trường; kiểm soát viên trung cấp thị trường.

Công chức QLTT phải bảo đảm các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức QLTT.

 

Giới hạn tiếng ồn cho phép tại nơi làm việc

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 24/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-12, quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc.

Theo đó, mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc được quy định như sau:

- Giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc: Trong 1 phút: không được vượt quá 112 dBA; trong 1 giờ: không được vượt quá 94 dBA; trong 8 giờ: không được vượt quá 85 dBA.

- Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các vị trí lao động: Tại vị trí làm việc, lao động, sản xuất trực tiếp: không được vượt quá 85 dBA; các phòng chức năng, hành chính, kế toán, kế hoạch: không được vượt quá 65 dBA; các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết: không được vượt quá 55 dBA.

Theo nld.com.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hàng loạt chính sách mới sắp có hiệu lực

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc