top-banner-2

Thứ tư, 26/02/2014, 00:47 GMT+7

Hai dự án bauxite: Cẩn trọng hệ lụy nợ

Viết bởi lehang   
Thứ tư, 26/02/2014, 00:47 GMT+7

600 triệu USD của TKV vay nước ngoài phục vụ đầu tư dự án do Chính phủ bảo lãnh....
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu thực hiện cuộc giám sát hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu là trưởng đoàn giám sát. Các thành viên trong đoàn đều là các lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế và lãnh đạo của một số đoàn đại biểu Quốc hội.

Hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đều là các dự án gây ra nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua về việc nên tiếp tục hay là nên dừng lại.

Nhà đầu tư lạc quan

Theo Bộ Công Thương, dự án Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thử nghiệm khai thác bauxite sản xuất alumin đầu tiên ở nước ta, địa điểm đặt nhà máy alumin tại Lâm Đồng và Đắc Nông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Nhà máy alumin Tân Rai đã được nhà thầu bàn giao cho TKV từ 1/10/2013.

Từ ngày bàn giao, nhà máy đã chạy ổn định ở mức 60 - 65% công suất thiết kế. Dự kiến cuối tháng 2/2014 sẽ nâng công suất lên 80 - 85%. Với dự án Nhân Cơ, do đang trong giai đoạn xây dựng, TKV vẫn tiếp tục thu xếp vốn cho dự án. Các khoản vay đều có mức chi phí lãi vay phù hợp, cạnh tranh so với thị trường hiện nay. Mức lãi suất bình quân các khoản vay khoảng 6,31%/năm.

Giải trình các vấn đề liên quan đến hiệu quả tổng thể kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, lãnh đạo TKV cho biết, tính đến ngày 31/12/2013, TKV đã xuất khẩu được 160.340 tấn alumin cho các công ty của Thụy Sỹ, Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore...; tiêu thụ trong nước 844 tấn alumin và 3.840 tấn hydroxit nhôm.

Hiện tại, TKV đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với công ty Marubeni - Nhật Bản, công ty nhôm Vân Nam - Trung Quốc. Năm 2014, dự kiến khai thác bauxite, sản xuất và tiêu thụ alumin khoảng 540 nghìn tấn, hydrat 2,4 nghìn tấn. Khả năng tiêu thụ sản phẩm alumin của hai dự án, sản lượng tối đa của hai dự án được dự đoán khoảng 1,3 triệu tấn là hiện thực và khả quan.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định thêm, chất lượng các thiết bị cơ bản ổn định, công nghệ áp dụng sản xuất alumin tại nhà máy alumin Tân Rai là phù hợp, chỉ tiêu tiêu hao nguyên vật liệu, điện năng đạt chỉ tiêu thiết kế, chất lượng alumin đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vấn đề xử lý bùn đỏ cũng được giải quyết triệt để khi áp dụng công nghệ phổ biến trên thế giới, phù hợp với điều kiện khí hậu Tây Nguyên.

Về quốc phòng - an ninh, đối với dự án Nhân Cơ, TKV đã thống nhất với Bộ Quốc phòng giao Tổng công ty Đông Bắc thành lập Công ty Khai thác khoáng sản Tây Nguyên từ năm 2006 để triển khai nhiệm vụ ban đầu của dự án. Công ty Khai thác khoáng sản Tây Nguyên đồng thời cũng là một đơn vị quân đội tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng tại Tây Nguyên. Theo Bộ Công Thương, đây là "sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và quốc phòng".

Rủi ro tài chính rất cao

Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn giám sát không nhiều lạc quan như vậy đối với các dự án này và mối lo còn tăng lên gấp nhiều lần khi TKV vừa tăng tổng mức đầu tư hai dự án lên 35%, khiến tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại càng bất tương xứng.

Bình luận về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hiệu quả của hai dự án này phải được nhìn nhận, đánh giá ở diện rộng hơn, không chỉ là hiệu quả kinh tế mang lại cho TKV mà còn đối với kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm, cả nước khó khăn, việc đầu tư một lượng vốn lớn cho hai dự án này cũng đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nếu không vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của Tây Nguyên, từ đó góp phần phát triển đất nước thì có thể, nguồn vốn cho hai dự án này đã được tính toán đầu tư theo hướng khác.

“Chính vì thế, hiệu quả thực hiện hai dự án này không thể chỉ đo đếm bằng những con số lỗ, lãi tài chính thuần túy mà quan trọng hơn là hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, về an ninh, quốc phòng như thế nào. Với riêng vùng Tây Nguyên, dự án có tạo động lực lan tỏa để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động... nâng cao đời sống người dân, từng bước góp phần đưa khu vực này thoát nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc nơi đây hay không? Cần phải tính toán cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và địa phương như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra khi chúng ta quyết định khai thác tài nguyên bauxite ở Tây Nguyên?”, ông Phúc nêu ra các câu hỏi.

Song, nỗi lo lớn hơn cả, là nợ nần mà các dự án này đem lại. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch nhận định: “Tính rủi ro tài chính của hai dự án này rất cao”.

Theo ông Lịch, con số 600 triệu USD của TKV vay nước ngoài phục vụ đầu tư dự án do Chính phủ bảo lãnh, số tiền này đã thuộc nợ công chứ không chỉ thuộc phạm vi của dự án hay của TKV.

Bộ Công Thương khẳng định TKV đã có kế hoạch trả nợ khoản vay này, nhưng như băn khoăn của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, ông Lê Nam, việc trả nợ có thể bảo đảm theo kế hoạch không khi mà doanh nghiệp hiện vẫn đang bị lỗ và dự kiến sẽ còn bị lỗ trong 5 - 7 năm nữa?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng cũng đề nghị, cần phải xem xét, đánh giá thật cẩn trọng hệ lụy nợ đối với hai dự án này.

Theo VnEconomy

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hai dự án bauxite: Cẩn trọng hệ lụy nợ

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc