Viễn thông cạnh tranh Ngân hàng: Xu thế tương lai tất yếu của công nghệ |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ tư, 23/01/2019, 10:31 GMT+7 |
Ngay cả chính phủ Pháp cũng công nhận ngành ngân hàng và viễn thông có thể hợp tác cùng nhau phát triển. Liên minh Châu Âu (EU) đã lên kế hoạch ban hành quy định các ngân hàng phải chia sẻ thông tin với những công ty khác nếu khách hàng đồng ý để cùng sử dụng và khai thác. Năm 2017, tập đoàn viễn thông nổi tiếng Orange tiếp cận thị trường ngân hàng với mục tiêu chiếm lấy 25% thị phần tài chính trực tuyến ở Pháp. Mục tiêu chính của công ty này là chiếm thị phần ngành ngân hàng nhờ ưu thế về công nghệ cũng như dữ liệu khách hàng. Đây là một phần trong kế hoạch của các công ty viễn thông Pháp khi mở rộng ngành nghề trước sự cạnh tranh quá gay gắt từ mảng viễn thông truyền thống. Động thái của Orange được coi là một bước thử của các công ty viễn thông đối với ngành ngân hàng. Tại Pháp, số người sử dụng ngân hàng trực tuyến đã tăng chóng mặt từ 586,2 triệu người năm 2014 lên 793,4 triệu người năm 2016. Hãng tư vấn Ernst & Young dự báo con số này có thể tăng 6 lần lên 17 triệu người trong vòng 10 năm tới. Ngay cả chính phủ Pháp cũng công nhận ngành ngân hàng và viễn thông có thể hợp tác cùng nhau phát triển. Liên minh Châu Âu (EU) đã lên kế hoạch ban hành quy định các ngân hàng phải chia sẻ thông tin với những công ty khác nếu khách hàng đồng ý để cùng sử dụng và khai thác. Không chịu chậm chân, đối thủ của Orange là Altice cũng định thành lập ngân hàng của riêng mình vào năm 2019. Những động thái trên của ngành viễn thông Pháp cho thấy một xu thế đang ngày càng nở rộ trên thế giới, đó là sự xâm nhập của 1 ngành hoàn toàn mới vào mảng ngân hàng. Xu thế sáp nhập viễn thông và ngân hàng Trong một ấn phẩm của hãng Booz&Company, các chuyên gia có đánh giá rằng ngành viễn thông có thể đe dọa đến mảng ngân hàng truyền thống không chỉ bởi công nghệ mà còn do lượng lớn khách hàng gốc tiềm năng cũng như áp lực bù chi phí mở rộng cơ sở hạ tầng. Nhằm đáp ứng được dịch vụ cũng như độ phủ sóng, các công ty viễn thông phải đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, nâng cấp các đường truyền để cạnh tranh với nhiều đối thủ. Họ nắm trong tay 1 lượng lớn khách hàng và cần khai thác triệt để nhằm thu hồi vốn cũng như kiếm lợi nhuận để tái đầu tư kiếm thêm khách mới. Những dịch vụ nhỏ như giải trí, âm nhạc, trò chơi dù có tiềm năng nhưng lợi nhuận không thể bằng mảng tài chính ngân hàng. Những chiếc điện thoại thừa sức đảm nhiệm dịch vụ kiểm tra tài khoản, giao dịch, mua sắm trực tuyến, thanh toán… những thứ mà một chi nhánh ngân hàng có thể cung cấp. Đối với những nhà phát triển viễn thông, nhu cầu của khách hàng chính là lợi ích và bất kể chúng là gì, họ sẵn sàng đáp ứng nhằm thu hồi vốn tái đầu tư mở rộng. Đây là một xu thế tất yếu mà nhiều hãng viễn thông trên thế giới đang thử nghiệm và hướng tới. Tất nhiên, những thách thức về quy định, sự tồn tại của những ngân hàng lâu đời cũng như rào cản về bảo mật thông tin cá nhân đang khiến các công ty viễn thông gặp khó trong việc tiếp cận mảng tài chính. Dẫu vậy, sự phát triển của công nghệ đang khiến ranh giới giữa ngân hàng và viễn thông dần xóa nhòa. Ngay cả các ngân hàng truyền thống hiện nay cũng đang cố gắng phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến của riêng mình nhằm đáp ứng xu thế của thời đại. Rất nhiều ngân hàng đã hợp tác với những hãng viễn thông và ngược lại nhằm khai thác lượng khách hàng tiềm năng cực lớn của cả 2. Tại nhiều quốc gia, các công ty viễn thông thường chọn hợp tác với ngân hàng nhằm tiết kiệm chi phí thành lập một ngân hàng mới trong khi có thể tiếp cận được lượng khách hàng tiềm năng của ngân hàng cộng tác. Tuy nhiên, nhiều hãng viễn thông như Orange cũng quyết tâm mở ngân hàng cho riêng mình nhằm giành lấy thị phần từ miếng bánh béo bở tài chính điện tử. Động thái của những công ty viễn thông như Orange đã rung hồi chuông báo động với ngành ngân hàng Pháp cũng như toàn Châu Âu. "Orange có thể là một đối thủ cực kỳ nguy hiểm đối với chúng tôi", CEO Philippe Brassac của Credit Agricole nói. Theo hãng tin Reuters, các ngân hàng Châu Âu gần đây đã tích cực đầu tư thêm những dịch vụ cho người dùng smartphone, trong khi cắt giảm các chi nhánh để tiết kiệm chi phí. Ngân hàng BNP Paribas đã nâng cấp hệ thống ứng dụng tài chính qua điện thoại trong năm 2017 và thuê cựu giám đốc marketing của Bouygues Telecom về để quản lý. Rõ ràng trong tương lai không xa, ngành viễn thông và ngân hàng sẽ có những tiếp xúc, cả hợp tác lẫn cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ trước sự phát triển của công nghệ cũng như áp lực gia tăng lợi ích. Theo AB (Thời Đại)/Cafebiz.vn - 23/1/2019 Link nguồn: http://cafebiz.vn/vien-thong-canh-tranh-ngan-hang-xu-the-tuong-lai-tat-yeu-cua-cong-nghe-20190122094719593.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|