top-banner-2

Thứ sáu, 03/05/2013, 11:09 GMT+7

FLC săn dự án

Thứ sáu, 03/05/2013, 11:09 GMT+7
Từng nổi lên vì dám "dọa" bán thanh lý căn hộ nếu người mua chậm thanh toán tiền, cái tên FLC một lần nữa gây chú ý khi lọt vào rổ cổ phiếu HNX30 trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.

Từ ngày 1/5/2013, cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC và SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội chính thức được đưa vào rổ cổ phiếu HNX30. Trong khi đó, hai cổ phiếu bị loại ra khỏi HNX30 là PVI và PV2. Với đặc trưng thanh khoản trên HNX tập trung cao vào nhóm cổ phiếu trong HNX30, hai cổ phiếu FLC và SHS được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng thanh khoản.

Chân dung sạch của FLC

CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) hiện có vốn điều lệ 771,8 tỷ đồng, hoạt động trong nhóm ngành bất động sản. Trong các năm vừa qua, mặc dù thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp lao đao, nhưng FLC vẫn không ngừng tăng trưởng. Năm 2012 doanh thu đạt 1.562 tỷ đồng, tăng 1.146% so với năm 2011, tương đương 106% so với kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế đạt 36,33 tỷ đồng tăng trưởng 292% so với năm 2011. Năm 2013, HĐQT công ty đặt kế hoạch 1.784 tỷ đồng doanh thu, 153 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế 92 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên gấp đôi thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Một trong những tiêu chí quan trọng để được xem xét lựa chọn vào rổ cổ phiếu HNX30 là cổ phiếu của doanh nghiệp phải không bị rơi vào tình trạng kiểm soát, tức không bị lỗ 2 năm liên tiếp; không vi phạm các quy định khác về quản trị, công bố thông tin… Trên thực tế, câu chuyện của FLC đang tạo nên một điểm nhấn tích cực trong bức tranh chung của các doanh nghiệp ngành bất động sản - nếu doanh nghiệp thận trọng, có chiến lược đúng đắn thì những khó khăn trước mắt vẫn có thể biến thành cơ hội trong tương lai.

Chặt chẽ, chắc chắn và cứng rắn

Suốt hai năm 2011-2012, trong khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đau đầu với hàng tồn kho, thiếu vốn triển khai dự án dở dang và báo lỗ vì chi phí tài chính lớn, FLC vẫn hoàn thành sớm tiến độ xây dựng dự án FLC Landmark Tower (Hà Nội) và hoàn tất thu tiền của khách hàng. Điều đáng nói, gặp lúc thị trường khó khăn, khách hàng là thượng đế thì FLC là doanh nghiệp đầu tiên dám quyết định sẽ thanh lý các căn hộ mà người mua không thanh toán tiền. Công bố này lập tức đã làm nổi sóng thị trường với những tranh luận trái chiều nhau. Theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, đây không phải là một quyết định liều lĩnh. "Chúng tôi tuân thủ pháp luật. Chúng tôi bán thanh lý thu nợ chứ không phải bán hộ theo giá gốc của khách đã mua trước đó. Các điều khoản này đã có trong hợp đồng. Sau thời hạn bàn giao khách hàng không đến sẽ có 30 ngày khách hàng chịu lãi chậm nộp sau đó chủ đầu tư mới bán thanh lý", ông Quyết nhớ lại. Chính điều này đã tạo nên kết quả kinh doanh đáng mừng của chủ đầu tư.

Ngoài ra, một lý do khiến FLC không lún sâu vào nợ nần hay sa đà vào đầu tư đa ngành chính là chiến lược chắc chắn trong đầu tư và chặt chẽ trong thực thi chiến lược, ký kết hợp đồng. Điều này phần nào có được bởi ông chủ tịch Quyết vốn là một luật sư. Mãi năm 2008 FLC Group mới thành lập, nhưng tập đoàn không bị cuốn theo cơn sóng chứng khoán và bất động sản năm đó.

Sau hơn 4 năm thành lập, đến năm 2012, vốn chủ sở hữu của FLC đã tăng lên gần 800 tỷ đồng, với quy mô tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Điểm đáng nói là vay nợ ngân hàng của FLC chỉ ở mức trên 100 tỷ đồng. Để lội "ngược dòng" thị trường một cách ngoạn mục, bí quyết lớn nhất của FLC là dự báo chính xác tình hình bất động sản, không ham mở rộng đầu tư dự án bất động sản bằng mọi giá.

Nhìn lại nguyên nhân một loạt doanh nghiệp bất động sản khác đang rơi vào tình trạng sống dở, chết dở suốt từ Nam ra Bắc, "mẫu số" thất bại chung nhất là sử dụng quá nhiều vốn vay để đầu tư vào nhiều dự án bất động sản, trên cơ sở dự báo tình hình thị trường tiếp tục khả quan. Câu chuyện của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Địa ốc Dầu khí (PDR), CTCP Sông Đà Thăng Long (STL), CTCP Đầu tư Phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Sông Đà (SJS)… là những ví dụ rõ ràng nhất của tình trạng ấy.

Chia sẻ với Doanh Nhân, ông Doãn Văn Phương, Tổng Giám đốc FLC cho biết, quy mô tài sản lớn trong khi dư nợ vay ngân hàng rất nhỏ, hoạt động kinh doanh ổn định, dư địa huy động vốn từ ngân hàng của FLC là rất lớn. Thêm vào đó, việc chào bán cổ phần tăng vốn nếu thành công cũng sẽ mang lại cho FLC nguồn tiền không nhỏ phục vụ các mục tiêu kinh doanh trong thời gian tới. Lúc này, FLC có thể dồn lực trong một cuộc chơi mới: tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản từ những doanh nghiệp đang ở thế "đường cùng" khác.

Đa ngành trên một ngành

Ngoài bí quyết riêng trong lĩnh vực bất động sản, và có thể có thêm sự may mắn, thì yếu tố giúp FLC duy trì được kết quả kinh doanh có lãi, ngay cả khi bất động sản rơi vào thời kỳ khó khăn đỉnh điểm, chính là kinh doanh đa ngành nghề. Từ một công ty nhỏ thành lập năm 2008, FLC hiện nay đã trở thành một tập đoàn gồm nhiều công ty con kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn, giáo dục dạy nghề... với mức tăng trưởng ấn tượng.

Giai đoạn 2007-2010, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều trường hợp doanh nghiệp phải trả giá đắt cho đầu tư ngoài ngành. Nhưng cũng có một thực tế, có những doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên cơ sở thế mạnh của mình không những giảm thiểu được rủi ro mà còn phát triển mạnh mẽ. Việc mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh mới với tổng quy mô đầu tư dự kiến lên tới cả nghìn tỷ đồng trên cơ sở phát huy thế mạnh của ngành nghề chính như: dịch vụ sân tập golf, dịch vụ đào tạo, thương mại, xuất khẩu lao động… chính là những "phương án B" cho một kế hoạch kinh doanh dài hơi của FLC.

Tuy lọt vào rổ HNX30 có thể mang lại cơ hội huy động vốn lớn hơn cho FLC, nhưng bản thân đó cũng là một thách thức. Bởi nếu không thành công, FLC hoàn toàn có thể rớt đài như PVI và PV2 đã từng.
Theo dddn.com.vn

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

FLC săn dự án

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc