top-banner-2

Thứ tư, 30/04/2014, 06:16 GMT+7

Ngân hàng Việt muốn lấn sân sang Mozambique

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ tư, 30/04/2014, 06:16 GMT+7

Với mạng lưới ngân hàng mỏng, tỷ lệ số dân sử dụng dịch vụ ngân hàng chưa nhiều, đây được đánh giá là lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Sáng ngày 29/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thống đốc Ngân hàng trung ương Mozambique đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa hai nước. Biên bản ghi nhớ gồm 10 điều, trong đó bao gồm cả nội dung khuyến khích các ngân hàng thương mại 2 nước mở hiện diện.

Trao đổi với Thống đốc Mozambique, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để 2 bên trao đổi, mở ra khả năng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng kiến nghị Thống đốc ngân hàng trung ương Mozambique đề xuất với Chính phủ có những chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng Việt Nam đầu tư sang đất nước Đông Nam châu Phi này.

Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng chiều cùng ngày, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Mozambique là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Hoạt động hợp tác giữa 2 bên trong lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng vì với tư cách là trung gian trung chuyển vốn và trung gian thanh toán, các ngân hàng thương mại sẽ là tác nhân tích cực thúc đẩy đầu tư và kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước.

alt

Quang cảnh lễ ký kết

"Hai nước đã kí 1 loạt các hợp tác cũng như thành lập ủy ban liên chính phủ. Mozambique là nước thứ đứng 8 trong 10 nước có quan hệ thương mại 2 chiều với Việt Nam. Việt Nam đã đặt nền móng đầu tiên tại đây với Viettel, dự kiến sắp tới sẽ là phát triển nông nghiệp, dầu khí, cơ sở hạ tầng... Tiềm năng của Mozambique còn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực thương mại khác", ông Tú nói.

Về tiềm năng đầu tư tại Mozambique, Thống đốc Mozambique cho rằng mặc dù với 22 triệu dân, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 640 USD/năm, tuy nhiên nền kinh tế Mozambique rất năng động, và đầy tiềm năng. Đối với riêng lĩnh vực ngân hàng có sự phát triển mạnh với khoảng 16 ngân hàng và hơn 500 chi nhánh trên toàn quốc.

Thống đốc Mozambique cũng thừa nhận, hiện mạng lưới ngân hàng tại quốc gia này chưa bao phủ khắp 139 huyện tại Mozambique. Theo thống kê, hiện tại Mozambique mới chỉ có gần 1.800 máy ATM và chỉ có 3,1 triệu tài khoản ngân hàng trên 22 triệu dân, số lượng giao dịch sử dụng thẻ thanh toán còn thấp, ở mức độ dưới trung bình tại châu phi.

"Mozambique phải thu hút thêm nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng. Thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng nước ngoài khi đầu tư tại Mozambique là vốn pháp định nhỏ, hành lang pháp lý thuận lợi, ổn định vĩ mô, tăng trưởng tốt. Riêng lĩnh vực ngân hàng, tiềm năng lớn với một lượng lớn dân số chưa sử dụng hệ thống ngân hàng, lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh, đồng nghĩa với việc phải cung cấp thêm nhiều sản phẩm ngân hàng", đại diện Mozambique chia sẻ.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Sơn - Phó Tổng Giám đốc Viettel cũng cho rằng, Mozambique là thị trường đầy tiềm năng và ngày càng có nhiều nhà đầu tư muốn vào đây. Tuy nhiên, khi đầu tư vào Mozambique cũng còn một số khó khăn như: cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chia đáp ứng được ngay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng 1 phần bởi chênh lệch tỷ giá, khó tiếp cận hệ thống ngân hàng do độ phủ sóng mỏng, lãi suất cho vay cao, khó mua ngoại tệ theo giá niêm yết của ngân hàng...

Đứng trên góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị An Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBBank) thì cho rằng, khó khăn khi đầu tư vào Mozambique là hiện chất lượng lao động địa phương còn chưa cao, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Bồ Đào Nha, vị trí địa lý cách xa Việt Nam, mức thuế cao so với các nước trong khu vực. Đáng lưu ý là hiện tại Mozambique, 80% thị phần ngân hàng thuộc về 4 ngân hàng lớn, do đó khi vào Mozambique, ngân hàng nước ngoài sẽ phải cạnh tranh với hơn 10 ngân hàng còn lại với chỉ 20% thị phần.

"Tuy nhiên, cũng không phủ nhận đây là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội đầu tư. Sắp tới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào Mozambique, ngân hàng cũng nên xem xét vào", bà Bình nói.

Theo Fica.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ngân hàng Việt muốn lấn sân sang Mozambique

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc