top-banner-2

Chủ nhật, 09/02/2014, 13:06 GMT+7

Ước mơ treo trên... cây mía

Chủ nhật, 09/02/2014, 13:06 GMT+7

Môi trường là sở thích, kinh doanh là vì mục tiêu, còn cơ khí lại là đam mê... Ba lĩnh vực tưởng chừng không liên quan ấy đã kết hợp với nhau để tạo nên một Trương Quốc Vi, Giám đốc Điều hành Công ty Sản xuất dịch vụ cơ khí Trường Kỳ, chủ nhân của những sáng tạo ấn tượng đang từng bước chinh phục thị trường.

Thuê xưởng làm... khoa học

Với sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trương Quốc Vi là một niềm tự hào. Là sinh viên của Khoa Môi trường nhưng Vi đã tạo ấn tượng với Khoa Điện, điện lạnh và Khoa Cơ khí khi anh làm đơn xin mượn phòng thí nghiệm, xưởng thực hành để chế tạo chiếc máy cạo vỏ mía.

Theo thiết kế của Vi, máy cạo vỏ mía được chia làm 4 phần: khung máy, hệ thống lưỡi dao gồm 40 cái, bánh kéo, động cơ. Toàn bộ lưỡi dao của máy nằm trên khung tròn quay với tốc độ 70 vòng/phút. Lưỡi dao có thể thay đổi tâm để phù hợp với kích thước cây mía.

Khi công nhân đưa cây mía vào máy, mía sẽ được kéo qua hệ thống lưỡi dao bằng 2 bánh xe cao su quay với tốc độ 105 vòng/phút. Hai bánh xe cao su này sẽ làm tăng độ ma sát giữa mía và bánh xe, giảm thiểu hư hại cho mía.

Toàn bộ chuyển động của máy được thực hiện bằng hệ thống đa truyền. Với cỗ máy này, người dùng sẽ tiết kiệm được thời gian, nhân công đáng kể.

“Nếu tính ra chi phí, người tiêu dùng chỉ bỏ 20 triệu đồng để sở hữu chiếc máy của chúng tôi, trong khi đó, một chiếc máy có thể làm lợi cho họ mỗi năm lên đến 300 triệu đồng”, Vi tính toán.

Chân ướt chân ráo từ Quảng Ngãi vào TP.HCM học đại học. Nhà nghèo, Vi phải tranh thủ đi làm thêm tại vựa mía.

Thấy các công nhân cạo mía làm việc quá vất vả vì mọi công đoạn đều thực hiện bằng các thao tác thủ công. Ngoài ra, trong thao tác cạo vỏ mía, công nhân còn phải đổ nhớt xe gắn máy đã qua sử dụng vào lưỡi dao để cạo mía nên rất mất vệ sinh.

Vi chia sẻ: “Từ thực tế đó, tôi đã nghĩ đến việc chế tạo ra chiếc máy cạo vỏ mía để giải phóng sức lao động của công nhân cũng như để đảm bảo vệ sinh hơn”.

Kỹ sư môi trường mê kinh doanh

Không chỉ có máy cạo vỏ mía, Vi còn là chủ nhân của nhiều sản phẩm khoa học ứng dụng vào cuộc sống như hệ thống lọc nước bằng xơ dừa, máy gom rác bãi biển... Cũng lạ, thích chế tạo máy, vậy mà Vi lại chọn ngành học là Môi trường.

“Môi trường là sở thích, kinh doanh là vì mục tiêu còn cơ khí chính là đam mê. Khi học môi trường, tôi sẽ có kiến thức nền là môi trường, kiến thức cơ khí tôi tự trau dồi, còn kiến thức kinh doanh tôi phải học để tích lũy để có thể thích ứng với thương trường. Như vậy, tôi sẽ có cái nhìn tổng quát hơn của nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh. Điều đó cho phép tôi có nhiều ý tưởng và cách tiếp cận vấn đề một cách toàn diện và có logic hơn”, Vi chia sẻ.

Bước chân vào thương trường, Vi chọn cái tên Trường Kỳ để thể hiện quyết tâm và cam kết lâu dài với chính mình. Vi cho biết, Trường Kỳ đang hướng đến một thị trường đang còn bỏ ngỏ đó chính là thị trường liên quan đến làm sạch cây mía trước khi đi ép lấy nước và máy ép nước mía tự động.

Vi phân tích, thị trường nước giải khát đang rộng mở với nhiều loại nước giải khát. Tuy nhiên, với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, nước mía vẫn là sản phẩm được ưa chuộng trên nhiều nơi, kể cả châu Phi, châu Mỹ.

Khảo sát của Vi cho thấy, với hơn 2.500 cơ sở cung cấp cây mía sạch cung cấp hàng chục tấn mía cho hàng trăm ngàn điểm, xe bán nước mía khác nhau trên địa bàn TP.HCM thực sự là một nhu cầu rất lớn về việc cung cấp một sản phẩm cạo mía để thay thế cạo mía thủ công.

“Đó chính là một cơ hội rộng mở cho chúng tôi. Biết đâu, trong tương lai, chúng tôi sẽ là những ông trùm ngành cạo mía và các sản phẩm liên quan đến mía”, Vi hóm hỉnh nói vui nhưng cũng đầy tự tin.

Cũng chính vì tiềm năng sản phẩm lớn như thế nên ngay từ khi chiếc máy cạo vỏ mía tự động vẫn còn trên giấy, anh đã có được đơn đặt hàng.

Theo tiết lộ của Vi, giá đầu tư mỗi chiếc máy chỉ 5 triệu đồng nhưng giá bán chấp nhận được là từ 15 - 20 triệu đồng/ chiếc. Như vậy, khả năng ra lợi nhuận 300% trên mỗi sản phẩm.

Cái khó nhất của chàng kỹ sư là khả năng thích ứng với những áp lực của thương trường. Bởi, kinh doanh nghĩa là phần thời gian sáng tạo, nghiên cứu... sẽ phải chia bớt cho việc tìm kiếm khách hàng, quản trị nhân lực...

Biết được điều này, Vi đã dự liệu trước: “Mọi thứ điều phải học và tôi tin là mình sẽ học tốt. Steve Jobs say sưa nghiên cứu nhưng vẫn kinh doanh thành công và thay đổi thế giới bằng tài năng của mình. Quan trọng là niềm tin. Hơn nữa, tôi đang có một đội ngũ cộng sự hết sức ăn ý”.

Vẫn biết, phía trước còn nhiều khó khăn nhưng Vi vẫn đang tự tin với con đường của mình. Vi bảo, khi máy cạo vỏ mía thành công và Trường Kỳ hoàn toàn ổn định thì nó sẽ mở đường cho nhiều sản phẩm nữa ra đời chứ không đơn thuần là máy cạo vỏ mía.

“Tất cả các sản phẩm mà tôi dự định chế tạo đều xuất phát từ những vấn đề trong thực tế và qua khảo sát chúng đều có khả năng thương mại hóa và tiềm năng về thị trường tiêu thụ là rất lớn...”, Vi tự tin.

Nguồn: DNSG


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ước mơ treo trên... cây mía

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc